Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoàn (ACBS): Quản trị rủi ro là bài học quan trọng

Nhân dịp năm mới, xin ông chia sẻ về năm 2024 này, ACBS sẽ có định hướng phát triển mạnh những mảng hoạt động nào?

Ông Nguyễn Đức Hoàn – Tổng Giám đốc: Hoạt động kinh doanh của ACBS được xây dựng vững chắc trên 3 nền tảng là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Bước sang năm 2024, trọng tâm kinh doanh của ACBS là tập trung nguồn lực cho mảng môi giới chứng khoán, bởi đây được xem là nguồn thu ổn định và lâu dài.

Ngoài việc đầu tư sâu vào công nghệ, chúng tôi cũng liên tục nâng cấp, cải tiến và cho ra đời nhiều sản phẩm mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa đạng của mọi phân khúc khách hàng. Mục tiêu cuối cùng là hướng tới sự hài lòng và gia tăng trải nghiệm của khách hàng tại ACBS.

Trong năm, ACBS sẽ triển khai các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng trong hệ sinh thái ngân hàng mẹ ACB. Ngoài ra, ACBSACB cũng sẽ triển khai nhiều chương trình liên kết, cung cấp đa dạng sản phẩm tài chính trên các nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ việc giao dịch, đầu tư của khách hàng dễ dàng và tiện lợi hơn.

ACBS hướng tới 2024 với tâm thế nào? ACBS trong năm mới sẽ có gì mới?

Năm 2024, dự kiến hệ thống KRX sẽ đi vào hoạt động, cũng là năm bản lề trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market). Chính vì thế, ACBS cũng bước vào năm 2024 với tâm thế chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn phát triển mới của thị trường.

Đầu tiên là về quy mô vốn, ACBS đã tăng vốn lên 7,000 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2024 nhằm nâng cao hơn nữa năng lực tài chính. Về công nghệ, chúng tôi định hướng sẽ đầu tư “core” giao dịch mới hiện đại, nâng công suất đáp ứng lên gấp nhiều lần hệ thống hiện tại.

Trong tương lai, lượng đặt lệnh trên thị trường sẽ tăng mạnh, đòi hỏi tốc độ xử lý hệ thống phải bắt kịp xu hướng.

Dùng một từ khóa để nói về ACBS trong năm mới, ông sẽ chọn từ nào?

Phát triển bền vững”.

Thị trường chứng khoán hoạt động trên 23 năm với nhiều thăng trầm, nhưng nhìn chung xu hướng là đi lên. Trong tiến trình phát triển chung của thị trường và của riêng ACBS, Công ty đã mở rộng liên tục. Trong tương lai, thị trường chứng khoán còn tiềm năng phát triển.

Để phát triển, yếu tố quan trọng là quản trị, quản trị rủi ro. Tại ACBS, các khâu quản trị được chuẩn hóa, hỗ trợ kinh doanh lành mạnh. Chúng tôi yên tâm mở rộng hoạt động trên nền tảng quản trị rủi ro tốt.

Năm 2022, thị trường tài chính có các đổ vỡ, dẫn tới bán tháo mạnh, nhưng tới cuối năm, các khoản ACBS cho vay đều an toàn nhờ quản trị rủi ro tốt. Chúng tôi cho vay tập trung và đánh giá khách hàng kỹ lưỡng; kiểm soát kỹ trước khi trình cho vay.

Cũng chính nhờ khâu KYC (Knows Your Customer: Hiểu rõ khách hàng) tốt nên Công ty không hề có nợ xấu trong năm 2023 vừa qua.

Cũng phải hiểu rằng, quản trị rủi ro không nhằm kìm hãm sự phát triển mà đó là quy trình kinh doanh bài bản.

ACBS sẽ làm gì để đương đầu với môi trường cạnh tranh hiện tại của ngành chứng khoán?

Trên thị trường, đối thủ luôn không ngừng cải tiến sản phẩm và định vị các phân khúc khách hàng để cạnh tranh. ACBS có nhiều thế mạnh như tài chính, cơ sở khách hàng từ ACB. Qua kết nối hệ thống chặt chẽ giữa ACB - ACBS, cho khách hàng trải nghiệm tốt.

Đối với mảng môi giới, việc nâng cao chất lượng của đội môi giới là rất quan trọng. Tại ACBS, môi giới không chỉ biết chứng khoán cơ sở mà còn phải biết sản phẩm khác liên quan mà Công ty có thể triển khai.

Nhà đầu tư hiện nay không chỉ có nhu cầu giao dịch cổ phiếu cơ sở; do đó, đội ngũ môi giới phải hiểu về các sản phẩm khác để đáp ứng được nhu cầu.

Chúng tôi có các chương trình đào tạo chuyên sâu nội bộ để đội ngũ nhân sự đạt chuẩn, tự tin, hiểu biết về thị trường.

Ông có hài lòng với những gì Công ty thu được trong năm 2023?

Năm 2023 khiến ACBS gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã vượt qua khó khăn, biến khó khăn thành cơ hội.

Quy mô tổng tài sản tăng cao, gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 11 ngàn tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ khi ACBS đi vào hoạt động tới nay.

Dư nợ cho vay tăng vượt trội đến 120% so với cùng kỳ, đạt mức kỷ lục 4.5 ngàn tỷ đồng.

Công ty thu hút được nguồn cung vốn đa dạng, dồi dào, với tổng dư nợ vay vốn đạt trên 5 ngàn tỷ đồng. Hạn mức tín dụng được cấp bởi các tổ chức tín dụng đạt trên 10 ngàn tỷ đồng, đáp ứng đầy đủ, linh hoạt nhu cầu sử dụng vốn của Công ty.

Thị phần môi giới tăng cao, đạt bình quân 2.33% cả năm, tăng 0.12% so với bình quân cả năm 2022.

Về năng lực quản lý, ACBS đã hoàn thành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, từ đó có thể vận hành hiệu quả; kế hoạch kinh doanh, chính sách, quy trình và thủ tục hoạt động được xây dựng phù hợp và triển khai có hiệu quả.

Kết quả hoạt động chính của ACBS đến từ đâu? Đâu là nguồn thu chủ đạo của Công ty?

Trong cơ cấu lợi nhuận của ACBS, nguồn thu từ môi giới và margin chiếm 60%. Công ty cũng duy trì các hoạt động khác như tự doanh, phái sinh, sản phẩm chứng quyền. Tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Đối với mảng môi giới, Công ty có mạng lưới trải dài với các chi nhánh và phòng giao dịch. ACBS có 200,000 tài khoản giao dịch thường xuyên và đang tiếp tục củng cố mảng môi giới.

Đồng thời, ACBS có phân khúc khách hàng đa dạng. Khách hàng tổ chức gồm các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức giao dịch lớn do các phòng định chế tổ chức phụ trách. Khách hàng cá nhân sẽ do các phòng giao dịch, chi nhánh phụ trách.

Phân khúc khách hàng tổ chức có lợi thế là nguồn tiền lớn và sẵn có. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân dùng đòn bẩy là lợi thế để đem lại nguồn thu cho công ty chứng khoán.

Năm 2023 chứa đựng nhiều trắc trở với thị trường và các công ty chứng khoán. ACBS và cá nhân ông đã rút ra kinh nghiệm gì từ năm qua?

Với 1 năm biến động, ACBS đã rất cố gắng để đạt được thành tích, thể hiện qua những con số ở trên. Nhờ những biến động, tôi rút ra được 2 bài học lớn.

Bài học đầu tiên tôi rút ra là tầm quan trọng của nhân sự. Quy mô doanh nghiệp có phát triển đến đâu thì con người đều giữ vị trí quan trọng. Muốn làm mà không có con người thì không thể làm được.

Thứ hai là quy trình, quy chế quản trị rủi ro. Thị trường luôn biến động, quản trị rủi ro tốt sẽ giúp công ty tránh bị ảnh hưởng. Khung quản trị, quản lý của ACBS được từng bước xây dựng, nâng cấp, đảm bảo các rủi ro được quản lý chặt chẽ, hài hòa, thúc đẩy kinh doanh.

Là người có thâm niêm trong ngành tài chính, cảm xúc của ông đối với chứng khoán như thế nào?

Tôi có kinh nghiệm 25 năm trong ngành tài chính, trong đó có 15 năm trong ngành chứng khoán, làm ở các ngân hàng nước ngoài, kể cả trong nước, công ty quản lý quỹ rồi làm tại công ty chứng khoán.

Tôi yêu thích chứng khoán, theo dõi chứng khoán thường ngày nên có thể cảm nhận hơi thở của chứng khoán.

Ông cảm thấy môi trường làm việc ở ACBS thế nào?

ACBS rất phù hợp. Văn hóa ở đây là con người làm trọng tâm. Công ty luôn quan tâm tới người lao động, chính sách người lao động rất tốt. Hoạt động kinh doanh tại đây rất minh bạch hiệu quả.

Ông kỳ vọng gì về thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thị trường chứng khoán trong nước ngày càng minh bạch hóa cho nhà đầu tư - điều các thị trường phát triển đã làm được rất lâu. Tôi kỳ vọng trong tương lai, thị trường Việt Nam cũng đạt như vậy.

Sản phẩm trên thị trường sẽ mở rộng trong 3 - 5 năm tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển và có nhiều sản phẩm tài chính hơn.

Năm 2024, ông dự báo thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào?

Diến biến của thị trường chứng khoán là bức tranh không thể tách rời khỏi diễn biến của nền kinh tế trong nước và thế giới. Vì vậy, để dự báo về diễn biến của thị trường chứng khoán năm 2024, chúng tôi cho rằng cần phải nhìn nhận các yếu tố sau:

Đối với môi trường kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới: Fed và các Ngân hàng Trung ương được dự báo là đã hoàn thành quá trình thắt chặt tiền tệ và có thể sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ giữa năm 2024.

Như vậy, giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn trầm lắng, sức cầu tiêu dùng từ các thị trường này chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ tích cực hơn 2023, nhưng chưa thể quay lại giai đoạn GDP khoảng 6.5 - 7% như trước đây.

Tuy nhiên, các yếu tố liên quan tới chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ cho tăng trưởng kinh tế, với nền lãi suất thấp và tỷ giá ổn định.

Yếu tố thứ hai là sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2024, tôi kỳ vọng dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam nói riêng và các thị trường mới nổi, cận biên nói chung khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Sau khi xem xét 2 yếu tố trên, chúng tôi thấy rằng, với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam cải thiện so với 2023 nhưng chưa thể bứt phá mạnh thì khó để có thể dự báo là thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ bùng nổ và vượt đỉnh của năm 2022. Phần nhiều xu hướng chính sẽ là giao dịch tích lũy trong biên độ vừa phải, theo hướng đi lên.

Đỉnh của thị trường chứng khoán năm 2024 có thể vượt mốc 1,250 của năm 2023, có thể tiến tới vùng 1,300 - 1,350 nếu có được sự đồng thuận của các yếu tố về kinh tế vĩ mô và dòng tiền tham gia thị trường, đặc biệt là dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Môi trường kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán sẽ thuận lợi hay khó khăn?

Với bối cảnh thị trường nêu trên, tôi cho rằng các công ty chứng khoán sẽ có môi trường kinh doanh nhìn chung là thuận lợi. Các yếu tố hỗ trợ gồm:

Thanh khoản và điểm số của thị trường có sự cải thiện so với 2023 nhờ bối cảnh vĩ mô.

Tiếp đó là hệ thống KRX được chính thức đưa vào vận hành.

Cuối cùng là những chính sách và nỗ lực của các cơ quan nhà nước nhằm từng bước cải thiện thị trường và hướng tới việc nâng hạng trong tương lai.

Chân thành cám ơn ông.

Chí Kiên

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Tin cùng chuyên mục