Đối tác chiến lược toàn diện: Cơ hội và thách thức mở ra cho nền kinh tế Việt Nam

Việc ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với các nước cho thấy rõ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng lên và mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào nước ta. Song song đó, Việt Nam cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định theo thông lệ quốc tế, để đón đầu làn sóng đầu tư từ các nước.

Theo nguồn tin từ Japan News, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự kiến đến thăm Nhật Bản vào đầu tháng 11/2023 và sẽ họp mặt với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Kishida được cho là sẽ đồng ý nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện.

Với động thái nâng cấp mối quan hệ, Việt Nam sẽ thêm Nhật Bản vào danh sách những quốc gia “ưu tiên hàng đầu”, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3/2014 và cũng tích cực củng cố mối quan hệ sau đó.

Đối tác chiến lược toàn diện là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế và là một hình thức của quan hệ đối tác chiến lược bên cạnh các hình thức khác như đối tác chiến lược, đối tác chiến lược lựa chọn theo từng lĩnh vực, đối thoại chiến lược...

Hiện nay, đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao ở Việt Nam. Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi và hướng tới lòng tin chiến lược.

Hiện Việt Nam đang có mối quan hệ đối tác với một số nước gồm:

5 quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” gồm: Trung Quốc (2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023).

Bênh cạnh đó, Việt Nam còn có mối quan hệ “Đối tác chiến lược” với 18 quốc gia (5 nước là đối tác chiến lược toàn diện) trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm: Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008); Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Ý (1/2013); Thái Lan và Indonesia (6/2013); Singapore và Pháp (9/2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020) và Hoa Kỳ (9/2023).

Tính đến năm 2023, Việt Nam còn có 12 “Đối tác toàn diện”, gồm: Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Mỹ và Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019)...

 

TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) đánh giá việc hợp tác toàn diện với các nước sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu và dòng vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới.

Khi ký kết đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, nhiều khả năng họ sẽ dỡ bỏ phần nào rào cản thuế quan và phi thuế quan, mở đường cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cũng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI của Mỹ đổ vốn vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghệ như chip bán dẫn. Việc thu hút dòng vốn góp phần cải thiện mạnh mẽ cán cân thanh toán của Việt Nam trong thời gian tới cũng như làm tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đối với Nhật Bản cũng tương tự, vì Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư ODA và FDI vào Việt Nam trong top đầu. Việc ký kết đối tác chiến lược toàn diện sẽ thúc đẩy thêm thương mại giữa 2 nước và thúc đẩy các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản vào Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, chắc chắn những hiệp định thương mại, đầu tư đều có tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt tạo ra sự hứng khởi cho nhà đầu tư khi thấy nhiều quốc gia, tập đoàn lớn hợp tác với Việt Nam.

Tuy nhiên, những ký kết này không tác động trực tiếp và nhanh chóng cho nền kinh tế, vì những hợp đồng hợp tác đầu tư cần thời gian dài và có sự chuẩn bị.

Với những hiệp định thương mại tới, hiển nhiên có tác động tích cực, nhưng chúng ta cũng không nên quá lạc quan nghĩ rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng trở nên một công xưởng của thế giới.

Rõ ràng, khi ký kết với các quốc gia, có thể thấy được vị thế của Việt Nam trên thế giới đã được nâng lên, có thể lạc quan khi ký kết những hiệp định này, sẽ có cơ hội để đón nhận đầu tư từ nước ngoài. Tất cả mọi chuyện phải bắt đầu từ hiệp định thương mại, hợp đồng hợp tác đầu tư song phương với các tập đoàn lớn nước ngoài, với các quốc gia.

Tuy nhiên việc ký kết phải đến khi họ đầu tư vốn vào thì mới thấy hiệp định thương mại đó thành công; còn trước đó, hiệp định thương mại đều sẽ đưa ra những điều kiện tiên quyết và nếu các điều kiện đó không được thực hiện thì hợp đồng đó cũng sẽ bị phá vỡ.

Hợp đồng là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là họ phải xuống tiền để đầu tư.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá thực tế, việc ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện - mức cao nhất trong mối quan hệ quốc tế - giúp Việt Nam được hưởng mọi điều kiện ưu đãi về thuế, hạn mức phi thuế quan và tất cả nhu cầu của các đối tác cũng được xem xét có thỏa đáng. Mối quan hệ ở mức cao nhất, nên việc xuất và nhập khẩu đều sẽ dễ dàng hơn.

Vì thế, Việt Nam có thể nhập khẩu máy móc, thiết bị tối tân nhất từ các nước đối tác, đồng thời được hưởng mức thuế suất ưu đãi, cũng như không còn giới hạn về lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu. Rõ ràng việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều trong việc nâng cao năng suất lao động, nâng cao xuất - nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi về thuế, về kiểm tra, kiểm soát, giúp cho hoạt động xuất - nhập khẩu đạt được hiệu quả cao nhất.

Về phía Việt Nam cũng phải đáp ứng được những yêu cầu của đối tác, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hoạt động của họ vào chúng ta an toàn, hiệu quả, từ đó họ sẽ tích cực đầu tư vào Việt Nam.

Cát Lam

Design: Tuấn Trần

FILI

Tin cùng chuyên mục