Nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Bình: "Tôi chưa từng có ý định rời bỏ thị trường" 

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Bình - Giám đốc đầu tư Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), cũng là một nhà đầu tư lão luyện trên sàn chứng khoán. Ông gắn bó cùng thị trường chứng khoán trong vai trò nhà phân tích. Cùng nghe ông chia sẻ thêm về những kỷ niệm trên thị trường và những kinh nghiệm, nhận định đầu tư.

Tại sao ông chọn bước chân vào thị trường chứng khoán (TTCK) vào năm thị trường bùng nổ năm 2007?

Ông Nguyễn Hữu Bình: Tôi bước chân vào TTCK thời điểm thăng hoa nhất, giữa năm 2007, giai đoạn nhà nhà ai cũng đầu tư chứng khoán và tôi nghĩ mình cũng nên tham gia bởi tiền có vẻ được kiếm khá dễ dàng.

Thời đó có mấy ai nghĩ sâu sắc làm thế nào kiếm được tiền đâu nên cứ phải tham gia và thử đã. Có một điểm khác là tôi đã trở thành một nhân viên của một công ty chứng khoán, một điều kiện tuyệt vời để đầu tư. Thực tế giai đoạn 2007 để trở thành nhân viên công ty chứng khoán (CTCK) không hề dễ dàng bởi đây là một nghề vô cùng “hot”.

Khi đó, cổ phiếu đầu tiên ông mua là gì?

Giai đoạn tôi bắt đầu tham gia là lúc giá cổ phiếu đang neo rất cao, thời BMC giá 1 triệu/cổ phần; FPT hơn 600 ngàn đồng, thậm chí BVS có giá ngang căn chung cư nếu mua 1,000 cổ phiếu. Vì thế những cổ phiếu ban đầu tôi mua hầu hết dòng penny có mức giá thấp. Lúc đó tư duy mua chủ yếu là để tìm hiểu nhiều hơn bởi như người ta nói, cứ ném tiền vào học mới nhanh. Vì thế lợi nhuận cỏn con rồi thì kẹt tất cả khi TTCK bắt đầu sụt giảm vào năm 2008.

Chiến lược đầu tư lúc đó của ông như thế nào? Đâu là khoản lời tốt nhất?

Những năm đầu đúng bản chất là học nghề, tìm hiểu về TTCK nhiều hơn nên số vốn bỏ ra không quá lớn. Tuy nhiên kết thúc năm 2008 thì vốn ban đầu bay mất 80%.

Phải đến năm 2009, tôi bắt đầu tham gia mạnh hơn nhưng đây là giai đoạn chơi kiểu tất tay, vay mượn tứ tung, và dùng từ chính xác là đầu cơ nên NAV cứ như hình sin theo tuần với biên độ cực lớn. Năm này, có rất nhiều cổ phiếu tôi mua “ăn” 20,000-30,000 đồng là bình thường, thậm chí có cổ phiếu mua xong tăng trần 13 phiên liên tiếp nhưng với tôi đó không phải là khoản đầu tư tốt nhất bởi quá nhiều rủi ro.

Khoản đầu tư vào cổ phiếu MBB từ năm 2013 nắm giữ đến 2021 mới thực sự là khoản lời nhất không chỉ về tiền bạc mà cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm. Thứ nhất, làm thay đổi trong tư duy đầu tư, nắm giữ dài luôn hiệu quả. Thứ hai, nó minh chứng cho thấy khi nắm giữ doanh nghiệp mình hiểu và tin tưởng vào sự phát triển của đơn vị đó thì sẽ luôn giữ được tâm thế tốt nhất.

Còn thương vụ nào thua lỗ thì sao?

Lỗ nhiều chứ, đặc biệt giai đoạn năm 2009-2010. Năm 2009 thắng như thế nào thì đoạn cuối năm 2009 sẽ thua như thế khi giá nhiều cổ phiếu được đẩy lên quá cao. TTCK bỗng dưng rơi thẳng đứng, NĐT tranh nhau bán sàn mà không bán được. Đây là giai đoạn mà tôi mất tiền nhiều, có những cổ phiếu mua về T+3 bán xong đã bay luôn gần 40% vì nó sàn liên tiếp với biên độ 15%. Giai đoạn này nhiều cổ phiếu giảm cực kỳ khủng khiếp như VIS, STL

Chắc hẳn điều đó để lại cho ông nhiều cảm xúc, vậy đâu là những kỷ niệm đáng nhớ nhất?

Nói về kỷ niệm thì rất rất nhiều, có thể là bài học đáng ghi nhớ hoặc cũng có thể nói về những điều mình đạt được. Nhưng lần “chết hụt” đầu năm 2009 là kỷ niệm không thể nào quên.

Năm 2008, khi TTCK giảm thê thảm, chỉ số VN-Index rơi về 230 điểm từ đỉnh 1,170 điểm sau 1 năm. Khi thị trường hồi phục giai đoạn nửa đầu năm 2009, giá nhiều cổ phiếu tăng lên gấp 2-3 lần và tôi nghĩ đã là đỉnh. Tôi đã bán cả cổ phiếu người khác gửi trên tài khoản và dùng tiền đó để làm cọc bán khống 1 số cổ phiếu nóng, trong đó lớn nhất là cổ phiếu SJS từ mức giá 60x. Nhưng cứ sau mỗi lần bán thì cổ phiếu này lại tăng mạnh, từ 6x, lên 7x, 8x và chỉ buộc phải dừng lại khi giá tăng đến 107,000 đồng/cp. Trong quá trình này, tôi đã mất hết sạch vốn, thậm chí cổ phiếu người ta gửi trên tài khoản không giảm mà nó lại tiếp tục tăng mạnh khiến tôi mắc vào cục nợ vô cùng lớn.

Tuy nhiên, bằng sự tỉnh táo lạ thường, tôi đã thay đổi và quyết định đảo ngược lại nhờ một dòng vốn vay nhỏ khác vào cổ phiếu VIS, sau đó là STL, SJS và thậm chí DRC, CSM… Kể từ đó, chỉ trong vòng 3 tháng (tháng 7-10), không những trả hết nợ mà còn kiếm được lượng tiền khá lớn.

Cũng từ câu chuyện này tôi rút ra được rất nhiều bài học sau này cho quá trình hành nghề. Điều đặc biệt là hiểu rằng vĩ mô mới là yếu tố quan trọng cho một TTCK. Năm 2010, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về tác động chính sách vĩ mô tới TTCK và nhận thấy rằng môi trường lãi suất cao, lạm phát cao hiện tại là lúc bán hết. Chính những báo cáo phân tích sơ khai này đã giúp tôi được gọi lên phòng Phân tích – Tự doanh của Công ty và đó mới thực sự là khởi đầu cho hành trình đến ngày hôm nay.

Có thời điểm nào ông muốn buông bỏ thị trường không?

Tôi chưa khi nào có ý định rời bỏ kể cả khi trải qua 2 giai đoạn là năm 2008 và giai đoạn 2010-2012. Mỗi giai đoạn lại được nhiều bài học cho bản thân để thay đổi và thích nghi với TTCK. Kể từ khi bước chân vào phòng Phân tích tự doanh tôi nhận thấy sự yếu kém thực sự về kiến thức tài chính – đầu tư. Sau nhiều năm học hành, tôi mới nhận ra rằng làm nghề này mình luôn biết trước nhiều vấn đề và có cách để giảm bớt thiệt hại cũng như gia tăng cơ hội kiếm lời. Với tình yêu nghề mãnh liệt giúp tôi tồn tại đến ngày hôm nay và tương lai sau này.

TTCK thực sự non trẻ và chính non trẻ như vậy mới khiến cho biến động của nó kinh khủng như vậy. Đây là nhược điểm nhưng sẽ là lợi thế nếu mình nắm bắt được. Cơ hội đầu tư sẽ rút ngắn hơn rất nhiều, đôi khi tính bằng tháng, quý. Ý tôi là bạn mua 1 cổ phiếu nào đó với mức giá A, sau đó tăng mạnh lên nhưng có khi chỉ vài tháng sau nó lại quay về đúng vùng giá cũ và tạo cho bạn vòng đầu tư tiếp theo nhanh hơn rất nhiều so với BĐS, vàng hay ngoại tệ.

Ông đánh giá gì về những diễn biến thị trường gần đây, khi chỉ số chính đã giảm sâu sau khi chạm đỉnh kỷ lục?

VN-Index đã có thời điểm chạm mốc 998 điểm, và như vậy so với đỉnh đã giảm khoảng 34% kể từ hồi đầu tháng 4 đến nay và thời gian điều chỉnh này kéo dài khoảng 6 tháng. Xét về mức độ giảm thì đây có thể nói là biên độ cực lớn, và rất hiếm thị trường nào như vậy nếu như trong nền kinh tế vẫn đang tương đối ổn định.

Tuy nhiên nếu nhìn lại 2 sự kiện: (1) đà tăng giá của thị trường kể từ khi dịch Covid xuất hiện; (2) các vấn đề hiện tại cả trong và ngoài nước, thị trường sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Có thể còn kéo dài tới giữa năm 2023 hoặc hơn tùy thuộc vào các diễn biến tiếp theo.

Trước hết cần nhắc lại rằng TTCK tăng mạnh trong 2 năm dịch bệnh nhờ một dòng tiền rất lớn chảy vào kiếm lời và bây giờ nó đang dịch chuyển ngược ra. Cùng với những sự kiện gần đây liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và sự thắt chặt quản lý của Nhà nước với các dòng vốn khiến dòng tiền trên thị trường khó mà đạt được trạng thái tốt nhất. Thứ hai là sự khó khăn đang ngày càng lớn trong môi trường hiện tại khi nhiều quốc gia lớn rơi vào suy thoái, riêng chúng ta đang gặp nhiều vấn đề về tỷ giá, lãi suất và lạm phát.

Điểm tích cực lúc này là đã có thêm một lượng NĐT mới sẽ sống cùng với TTCK, điều đó sẽ giúp thanh khoản thị trường duy trì mức cao hơn so với trước khi dịch diễn ra. Với dòng tiền này hoàn toàn có thể tạo ra những sóng tăng nhỏ, vừa đủ trong khoảng thời gian trên như một cú hồi phục hoàn hảo.

TTCK sẽ có sự phân hóa mạnh giai đoạn như hiện nay, theo đó có những doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh, tận dụng tốt vị thế của mình và ngược lại, sẽ còn nhiều đơn vị sẽ tiếp tục bị loại bỏ, chậm lại trong một môi trường lãi suất cao.

Trước biến động đó, cá nhân ông đã có những hành động nào?

Cá nhân tôi theo trường phái là lựa chọn doanh nghiệp, song hành cùng họ. Trên nền vĩ mô, cần quan tâm nhiều hơn đến ngành và cuối cùng là lựa chọn ra doanh nghiệp đầu tư. Thế nên ở mọi thời điểm, danh mục của tôi vẫn luôn có cổ phiếu với tỷ trọng nhất định và bám theo mục tiêu đã đề ra.

Nếu như doanh nghiệp đang đầu tư không gặp quá nhiều sự ảnh hưởng thực sự lớn tác động đến hoạt động kinh doanh hay thay đổi dòng tiền thì khó khăn ngắn hạn sẽ sớm qua đi. Hãy thử xem lại giá nhiều cổ phiếu giai đoạn nửa cuối năm 2018 đến nay, có rất nhiều cổ phiếu hiện tại vẫn tăng gấp 2-3 lần dù đã giảm mạnh thời gian vừa qua.

Tôi đã xây dựng một triết lý đầu tư riêng và tuân thủ theo triết lý này. Chính vì thế, những sóng giảm như năm 2018 hay gần đây tôi không bị cuốn vào. Triết lý này được xây dựng và đúc rút ra từ lời khuyên của nhiều tỷ phú, phù hợp với TTCK Việt Nam. Trong triết lý này, tôi đặt ra khá nhiều chỉ tiêu từ việc lựa chọn cổ phiếu, cho đến tiêu chí khi nào mua, khi nào bán.

Ông vừa nhắc đến câu chuyện dòng tiền dịch chuyển khỏi thị trường. Theo ông, xu hướng này có còn kéo dài nữa không? Khi nào thì dòng tiền mới có thể quay trở lại?

Như ở trên tôi đã phân tích, dòng tiền lỏng muốn kiếm lời nhanh qua đầu cơ đang chịu áp lực bởi thua lỗ đã dịch chuyển về đúng với nơi nó đã từng ở là ngân hàng. Mức lãi suất như hiện nay là sức hút đáng kể cho những NĐT không chuyên. Tuy nhiên, dù có dịch chuyển về thì thanh khoản vẫn duy trì từ 6-10 ngàn tỷ/phiên, gấp 2-3 lần trước dịch là điều vô cùng tích cực.

Với sự đảo chiều của dòng tiền vừa mới diễn ra, hệ quả của nhịp giảm mạnh vừa qua thì còn cần khá nhiều thời gian nữa mới lại nhìn thấy những phiên giao dịch tỷ USD, thậm chí có thể phải vài năm tới.

Một điều luôn khiến nhà đầu tư sợ hãi từ trước đến nay là việc xuất hiện những tin đồn bắt bớ. Là một người song hành cùng thị trường từ những ngày đầu, ông tự đúc kết những kinh nghiệm nào khi đối mặt với thông tin bắt bớ?

Hãy nhìn đơn giản thế này, có người cố tình vi phạm pháp luật và việc bị bắt giữ là điều tốt lành. NĐT thường hay cường điệu hóa nhiều vấn đề và khiến tâm lý bất an. Tất nhiên thành thực mà nói khi một sự kiện lớn diễn ra thì những doanh nghiệp, cổ phiếu “lởm khởm” có tính đầu cơ chắc chắn sẽ chịu tác động mạnh và lâu dài. Có thể những cổ phiếu kiểu này khó mà quay lại thời điểm cũ.

Ngược lại những doanh nghiệp làm ăn chân chính, kết quả kinh doanh phản ánh thực tế và có những tiềm năng lớn lại có nhiều cơ hội hơn cho khoảng trống thị phần mà nhiều doanh nghiệp khác để lại. Thế nên nếu NĐT nắm giữ cổ phiếu tốt, đầu tư dài hạn không nên lo lắng quá mức về điều tích cực đang diễn ra.

Ông dự báo gì về xu hướng thị trường trong cuối năm nay và nửa đầu năm sau?

Dự báo là điều vô cùng khó khăn, nếu nhìn vào tình hình hiện tại có thể nhận thấy phía trước là khá u ám bởi có quá nhiều yếu tố bất lợi đang diễn ra. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại nhìn theo hướng tích cực hơn rằng sự khó khăn này không phải là tất cả, đôi khi có những nước hưởng lợi, có những quốc gia lại chịu thiệt hại kép. Việt Nam nằm ở giữa, có cả thuận lợi lẫn khó khăn nhất định.

Các yếu tố trong nước như tỷ giá, lạm phát, tín dụng… cũng đang có tác động, chi phối lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Vì thế từ nay đến giữa năm 2023, hoạt động kinh doanh của nhiều đơn vị sẽ có nhiều áp lực, qua đó khiến cho TTCK khó mà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, ngọc trong đá và chúng ta sẽ tìm được ngọc trong môi trường như vậy.

Ngoài ra, thanh khoản duy trì tầm 8,000 tỷ đồng (+/-2,000 tỷ) sẽ đủ để thị trường có những cú hồi và điều này từng diễn ra. TTCK đôi khi chưa hẳn đã phản ánh nền kinh tế, nó có thể phản ánh kỳ vọng của NĐT.

Hiện tại, ông đánh giá TTCK có những thay đổi nào lớn nhất so với 20 năm trước?

Trước hết là trình độ của nhân sự trong ngành đang ngày càng cao. Có thể nói những nhân sự có bằng tài chính, chứng chỉ quốc tế như ACCA, CFA rất nhiều.

Thứ hai, số lượng người tham gia vào TTCK bắt đầu tăng và nhiều người đã nhìn nhận TTCK là kênh đầu tư thay vì là sòng bạc. Có như vậy, TTCK mới đáp ứng đúng yêu cầu là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.

Thứ ba, quy mô của thị trường đã thực sự lớn hơn rất nhiều, sản phẩm đa dạng cũng như các dịch vụ được cung cấp.

Lớp nhà đầu tư F0 là câu chuyện dẫn dắt dòng tiền, điểm số trong 2 năm qua (2020-2021). Ông nhìn nhận lớp nhà đầu tư F0 này như thế nào?

Hồi tôi gia nhập thị trường thì đích thị là một F0 thuần chủng và tồn tại đến nay nhờ tình yêu nghề, trau dồi kiến thức và song hành cùng thị trường. F0 bây giờ cũng vậy. Thực tế không chỉ có Việt Nam mà 2 năm Covid, nhà đầu tư F0 tham gia vô cùng nhiều trên toàn thế giới.

Điều khá thú vị ở những quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư, bạn phải học hành rất kinh khủng, có lượng kiến thức không hề tồi nhưng chưa chắc đã được tự ra quyết định đầu tư. Thế nhưng nhiều F0 vốn dĩ không có chút nền tảng kiến thức, hiểu biết sơ sài về TTCK nhưng lại có đặc quyền là tự do bay nhảy với đồng vốn của mình, đó là sự sai lầm đáng tiếc. Thua lỗ là điều chắc chắn khi không thể làm chủ khoản đầu tư của mình, thậm chí còn giao quyền mua – bán cho những môi giới vốn dĩ chỉ có đôi chút kiến thức.

Là người đi trước, ông có thể đưa ra lời khuyên nào cho nhà đầu tư F0?

TTCK đã có hơn 20 năm hình thành, phát triển và đây là kênh đầu tư vô cùng phù hợp cho tất cả mọi người. Một nơi có thể giúp nhiều NĐT làm giàu đích thực.

Tất nhiên TTCK cũng là nơi rất nhiều cạm bẫy mà đã có không ít NĐT mất lượng tiền lớn. Vì thế để tồn tại trước hết đòi hỏi phải có kiến thức về tài chính để hiểu rõ ràng hơn. Ví dụ nhiều NĐT chỉ quan tâm đến lợi nhuận, nhưng lợi nhuận có thể là con số ảo mà doanh nghiệp vẽ ra. Khi có kiểm toán vào cuộc khiến cục lợi nhuận "bay màu" mất hút. Lợi nhuận cao nhưng không đi cùng với dòng tiền thu về thì kết quả không khả quan.

Thứ hai, cần học về kiểm soát cảm xúc, kiểm soát về đầu tư của mình bằng một chiến lược thật cụ thể. Có rất nhiều chiến lược đầu tư mà nhiều tỷ phú đang áp dụng rất thành công. Khi bạn đã xây dựng được rồi cần có thử nghiệm, đánh giá lại rồi tinh chỉnh. Khi đã thấy ổn, điều quan trọng là phải kiên định với chính chiến lược mình đã dày công xây dựng. Bởi nếu phá vỡ chiến lược đó, chỉ cần thua lỗ bạn sẽ lại rơi vào vòng xoáy.

Sau những năm “chinh chiến” trên thị trường, điều ông muốn gửi gắm nhất cho các nhà đầu tư mới là gì?

Hiện nay có quá nhiều sách rất hay về đầu tư và tôi nghĩ NĐT muốn sống lâu, muốn kiếm được tiền trên thị trường cần phải đọc và lựa chọn ra cho mình một chiến lược, cách thức phù hợp nhất.

Sự thua lỗ hầu hết NĐT đều đến từ 2 yếu tố là margin và cảm xúc chi phối. Vì thế cần học được cách kiểm soát 2 yếu tố này trước, sau đó là học hỏi các kiến thức tài chính và một số yếu tố khác để có được thành công. Tôi nghĩ rằng đôi khi cứ đơn giản mua cổ phiếu của doanh nghiệp hàng đầu, với ý tưởng 10 năm nữa thu hoạch thì sẽ có lợi hơn thay vì ngày nào cũng ra quyết định bởi thông tin nào đó.

Đừng ném những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được. Hãy tin rằng thị trường sẽ luôn có rất nhiều cơ hội, chỉ cần nắm được một vài cơ hội tốt nhất là đủ thay vì luôn chạy theo thị trường hàng ngày. Điều đáng tiếc nhất lại là khi cơ hội đến nhiều người lại không nắm được vì thiếu 2 yếu tố: Tiền và kiến thức.

Xin cảm ơn ông!

Chí Kiên

Thiết kế: Chí Kiên - Tuấn Trần

FILI

Tin cùng chuyên mục