Cơ hội nào cho doanh nghiệp xây dựng “bứt phá” trong năm 2022?

Giới chuyên gia dự báo nhóm doanh nghiệp xây dựng sẽ tăng tốc trở lại nhờ loạt yếu tố tích cực tác động trong năm 2022 sau thời gian kìm nén quá lâu do giãn cách kéo dài.

Theo Báo cáo chiến lược triển vọng ngành xây dựng năm 2022 của VNDirect, trong các gói kích thích kinh tế sắp tới, Chính phủ đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công vào năm 2022 nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Dự kiến sẽ có 526 ngàn tỷ đồng giành cho giải ngân đầu tư công vào năm 2022 (tăng 10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021).

VNDirect dự báo giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15-25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ 4 yếu tố chính. Thứ nhất, nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Thứ hai, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm 2022. Thứ ba, thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85-95% kế hoạch cả năm. Cuối cùng, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm 2022.

Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc-Nam…

Điều này kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, đầu tư công sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp tham gia vào các dự án và tác động gián tiếp là tạo “cú hích” đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tác động tích cực vào thị trường bất động sản là nhu cầu thật, không phải nhu cầu theo kiểu đầu cơ, lướt sóng. Như vậy, đối với nhóm ngành xây dựng hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công ở các dự án như Long Thành, Đồng Nai, Vũng Tàu, cao tốc Bắc Nam sẽ được hưởng lợi. Thanh khoản các dự án bất động sản tại các vị trí này sẽ sôi động trở lại.

Dù vậy, có một chút rào cản là nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản, hiện nay Ngân hàng đang có hoạt động siết chặt dòng vốn tín dụng, đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản. Khi không có dòng vốn tín dụng này các dự án bất động sản có thể trì hoãn dẫn đến các doanh nghiệp xây dựng với quy mô nhỏ lệ thuộc vào các dự án tại địa phương sẽ khá là khó khăn.

Tuy nhiên, về cơ bản, sau đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh “cú hích” đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi nhưng chỉ tập trung ở các “ông to”, còn nhóm doanh nghiệp yếu lợi thế tài chính sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Còn theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho biết: “Bế tắc của đầu tư công không nằm ở chỗ vốn. Trong những năm trở lại đây, có tình trạng giải ngân không hết vốn đầu tư công. Những điểm tắc ngẽn của đầu tư công cần khắc phục liên quan đến cơ chế thủ tục hành chính, định giá, giải phóng mặt bằng… Chúng ta cần phải có những biện pháp khơi thông bế tắc này thì nguồn vốn mới được trơn chu. Nếu không thì dù có kế hoạch nhưng không giải ngân được thì kế hoạch cũng bằng thừa.

Ngoài ra, cũng theo ông Đức Anh, hưởng lợi từ yếu tố đầu tư công chỉ có những doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án. Có rất nhiều doanh nghiệp trên sàn chuyên về xây dựng nhưng không liên quan đến đầu tư công cũng tăng giá theo xu hướng chung của thị trường thì đó lại là yếu tố không hợp lý lắm. Do đó, đầu tư vào các doanh nghiệp này lại tương đối rủi ro.

Nói chung, ở thời điểm hiện tại, kỳ vọng ở nhóm doanh nghiệp xây dựng liên quan đến đầu tư công tương đối cao. Tuy nhiên, cần phải quan sát, chờ đợi thêm các thông tin cụ thể.

Còn theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS: “Hiện tại, những chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ chưa rõ ràng bởi vì Bộ kế hoạch đầu tư vẫn đang lấy ý kiến của một số bên để hoàn thiện kế hoạch trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng là một gói rất lớn, về cơ bản những công ty trong ngành xây dựng là đơn vị được hưởng lợi chính, đặc biệt ở nhóm xây dựng hạ tầng, công trình, dự án BOT”.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT CTCP FECON (HOSE: FCN) chia sẻ tại Talkshow Cổ phiếu ngành xây dựng: Tạo nền, xây móng đón sóng đầu tư công: “Đại dịch ảnh hưởng lớn đến các dự án hạ tầng và triển khai vốn đầu tư công. Năm 2022, các doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm nhiều cơ hội để triển khai công việc. Năm 2021 có rất ít gói thầu được triển khai thi công và khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn như dịch Covid-19 và một số khó khăn liên quan công tác vận chuyển, giá nguyên vật liệu tăng không đủ chi phí thực hiện. Tôi hy vọng năm 2022 và 2023 sẽ có những khởi sắc mới trong ngành xây dựng”.

Cũng theo ông Khoa, doanh nghiệp xây dựng cần 3 yếu tố quan trọng để hưởng lợi từ làn sóng FDI và đầu tư công.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần sẵn sàng nguồn lực để đón nhận các cơ hội, dự án đến và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ, chi phí dự án.

Thứ hai, doanh nghiệp cần chuẩn bị công nghệ phù hợp với các yêu cầu của dự án mới (thiết kế, thi công, quản trị dự án).

Thứ ba là năng lực quản trị dự án nói chung. Thực tế Việt Nam có vài ngàn doanh nghiệp nhưng không phải dn nào cũng có năng lực quản trị dự án như công nghệ của quốc tế. Các dự án lớn cần năng lực quản trị theo công nghệ quốc tế, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể làm ngang tầm với các nhà thầu lớn đến từ Nhật Bản hay các nước Châu Âu, Mỹ… Chỉ như vậy, các đơn vị mới đảm bảo sự phát triển bền vững cho các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công có tầm ảnh hưởng quốc gia.

Khó khăn lớn nhất là thiếu lao động phục vụ cho công việc hiện tại, dịch bệnh khiến xu hướng người lao động về quê rất nhiều chưa quay lại Thành phố. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động của doanh nghiệp”, ông Trần Trương Mạnh Hiếu chia sẻ.

Việc thiếu lao động trong ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp xây dựng, nhưng trong dài hạn theo ông Hiếu sẽ ảnh hưởng dẫn đến thiếu một số công trình. Chẳng hạn như ngành xây dựng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ký hợp đồng. Tại thời điểm này, dự án bất động sản dường như không triển khai và nếu triển khai thì cũng rất ít, những doanh nghiệp xây dựng sẽ không có những hợp đồng gối đầu cho năm sau, khi khối lượng công việc hiện tại đã hết thì họ sẽ không có dự án nào.

Nhóm ngành xây dựng nói chung bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều dự án bị đình trệ, không thể triển khai được trong quý 3 do giãn cách kéo dài. Thời điểm hiện tại mặc dù các quy định giãn cách đã được gỡ bỏ, tuy nhiên, các ca nhiễm mới liên tục gia tăng. Kịch bản rủi ro đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng là nếu dịch bùng phát trở lại khiến chúng ta phải tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp này. Ngoài ra, thêm một vướng mắc cần tháo gỡ đề hỗ trợ các doanh nghiệp là khơi thông giải phóng mặt bằng”, ông Trần Đức Anh cho hay. 

Về phía Chủ tịch Fecon, theo ông, với 1 doanh nghiệp xây dựng, chu kỳ công việc rất dài không như các doanh nghiệp thương mại. Nếu có điều chỉnh sẽ điều chỉnh trong hàng quý.

Tôi dự đoán quý 1 và quý 2/2022 sẽ tăng dần nhu cầu xây dựng và vật liệu xây dựng nhưng không có nguy cơ tăng giá nguyên vật liệu nhiều nhưng 2 quý cuối năm 2022 lại có nguy cơ cao tăng giá như đã xảy ra trong năm 2021. Tuy nhiên, gần đây một số phát biểu của các thành viên Chính phủ đã lường trước điều này và tôi tin Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ điều hành được việc này để tránh lạm phát quá lớn xảy ra như năm 2010-2011, đặc biệt liên quan đến vật liệu xây dựng.

Bản thân các doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi cũng tìm những giải pháp để quản lý chi phí của mình. Thứ nhất, khi đàm phán các hợp đồng với các nhà đầu tư phải có các điều khoản liên quan đến điều chỉnh giá nếu giá nguyên vật liệu chính dao động quá 10%. Thứ hai, khi ký hợp đồng, chúng tôi đều yêu cầu các chủ đầu tư ứng vốn nhiều hơn so với thông thường để có thể dự trữ vật liệu cho đủ cả năm”, Chủ tịch Fecon chia sẻ thêm.

Bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, ông Trần Trương Mạnh Hiếu cho biết, còn một yếu tố khác cũng tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp xây dựng, tập trung chủ yếu đến câu chuyện liên quan đến những gói kích thích kinh tế.

Những gói thích kích này tập trung chủ yếu vào việc cho vay tín dụng đối với những người dân mua nhà sẽ làm tăng lượng cầu bất động sản, tăng nhu cầu các dự án bán ra và thúc đẩy nhóm doanh nghiệp xây dựng.

Ở đây xây dựng được chia làm 2 là xây dựng công trình và xây dựng dân dụng. Đối với xây dựng công trình sẽ có câu chuyện riêng liên quan đến xây dựng hạ tầng, có nhiều câu chuyện hơn và có nhiều khả năng tốt hơn so với nhóm xây dựng dân dụng. Một yếu tố nữa ở thời điểm này là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của đại bộ phận người dân khiến nhu cầu mua nhà, xây dựng, tu sửa nhà cửa giảm đi rất nhiều so với trước đây nên doanh nghiệp liên quan đến xây dựng dân dụng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Ở thời điểm hiện tại, những doanh nghiệp này còn những hợp đồng được ký kết trước đây vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những hợp đồng đăng ký mới sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu không có bất kỳ gói kích thích nào tập trung vào việc hỗ trợ cho người dân mua nhà thì nhóm xây dựng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Còn theo ông Trần Đức Anh: “Giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh trong quý 3/2021 ảnh hưởng đến doanh nghiệp xây dựng. Trong thời gian gần đây, giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt. Xu hướng giảm nếu tiếp diễn thì sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt giúp biên lợi nhuận của các đơn vị được cải thiện”.

Cùng lập trường, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ, giá nguyên vật liệu như giá thép đã hạ nhiệt thời gian gần đây, tuy nhiên, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ có thể thúc đẩy giá nguyên vật liệu tăng trở lại trong nội địa, nhưng ít nhất nó đã qua giai đoạn tăng nóng. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp xây dựng trong năm 2022 giúp biên lợi nhuận khả quan trở lại.

Tiên Tiên

FILI

Tin cùng chuyên mục