Dầu có tuần suy giảm đầu tiên trong 3 tuần bất chấp đà tăng trong phiên

Dầu có tuần suy giảm đầu tiên trong 3 tuần bất chấp đà tăng trong phiên

Giá dầu tăng hơn 2% vào ngày thứ Sáu (02/06), sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của Chính phủ ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới và dữ liệu việc làm làm dấy lên hy vọng về khả năng tạm dừng nâng lãi suất trước khi cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh diễn ra vào cuối tuần này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 2.49% lên 76.13 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.34% lên 71.74 USD/thùng.

Tuần này, cả 2 hợp đồng dầu đều giảm hơn 1%, ghi nhận tuần suy giảm đầu tiên trong 3 tuần.

Thượng viện Mỹ đã thông qua một thỏa thuận với sự thống nhất của lưỡng đảng nhằm đình chỉ giới hạn trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của Chính phủ Mỹ, ngăn chặn tình trạng vỡ nợ quốc gia có thể làm rung chuyển thị trường tài chính.

Nền kinh tế Mỹ tạo ra nhiều việc làm hơn dự báo trong tháng 5, nhưng tiền lương giảm nhẹ có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bỏ qua đợt nâng lãi suất trong tháng này, lần đầu tiên trong hơn 1 năm. Lãi suất cao hơn có thể làm trì trệ nền kinh tế và giảm nhu cầu dầu.

Nhà đầu tư dầu đã hướng sự chú ý đến cuộc họp vào ngày 04/06 của OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh như Nga. Nhóm này vào tháng 4 đã bất ngờ thông báo cắt giảm thêm 1.16 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, đà tăng giá từ động thái đó đã bị xoá sạch với giao dịch dầu thô thấp hơn mức trước khi cắt giảm.

Reuters đưa tin rằng OPEC+ khó có khả năng công bố cắt giảm thêm sản lượng.

Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “Mặc dù dường như có nhiều quan điểm cho rằng OPEC+ sẽ không công bố cắt giảm thêm sản lượng nào nữa, nhưng đáng chú ý là điều này cũng đúng tại cuộc họp lần trước và sau đó nhóm này đã thông báo cắt giảm thêm khoảng 1 triệu thùng nữa”.

Về phía nhu cầu, dữ liệu sản xuất tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, đã vẽ nên một bức tranh hỗn loạn.

Trung Quốc đang hứng chịu những đợt nắng nóng sớm, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6, khiến lưới điện bị căng thẳng khi người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến tăng cường sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.

An Trần (theo CNBC)

FILI