Dầu giảm nhẹ giữa lo ngại về nhu cầu và chi phí nhiên liệu tăng cao

Dầu giảm nhẹ giữa lo ngại về nhu cầu và chi phí nhiên liệu tăng cao

Giá dầu giảm nhẹ, gần như đi ngang vào ngày thứ Tư (13/10) do chi phí nhiên liệu tăng vọt để sản xuất điện bù đắp kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu thô chậm lại, khi các nền kinh tế lớn phải đối mặt với lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent lùi 24 xu (tương đương 0.3%) xuống 83.18 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 20 xu (tương đương 0.25%) còn 80.44 USD/thùng.

Vào ngày thứ Ba (12/10), dầu WTI đã đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 phiên thứ 3 liên tiếp.

Giá dầu đã chịu áp lực vào đầu phiên sau khi Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, công bố dữ liệu cho thấy kim ngạch nhập khẩu tháng 9 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc, cùng với châu Âu và Ấn Độ, đối mặt với tình trạng khan hiếm than và khí thiên nhiên đã làm tăng giá các loại nhiên liệu cần trong sản xuất điện. Các sản phẩm dầu đang được sử dụng để thay thế.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng để đối phó với giá năng lượng leo thang, và cho biết sẽ tìm hiểu việc mua chung khí đốt giữa các quốc gia.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 mặc dù vẫn giữ nguyên quan điểm năm 2022.

Tuy nhiên, OPEC cho biết đà leo dốc của giá khí thiên nhiên có thể thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm dầu khi người dùng chuyển đổi.

Các thị trường toàn cầu không nên kỳ vọng có nhiều dầu hơn từ Iran trong tương lai gần. Mỹ cho biết sẵn sàng xem xét “tất cả lựa chọn” nếu Iran không muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng và lưu ý Moscow sẵn sàng cung cấp nhiều khí đốt cho châu Âu hơn nếu được yêu cầu.

Các thị trường năng lượng tập trung vào việc cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu như thế nào, đặc biệt ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc.

“Đây là thời điểm khó khăn đối với Trung Quốc. Một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang bao trùm quốc gia này”, Stephen Brennock của công ty môi giới PVM nhận định.

Tại Ấn Độ, mức tiêu thụ nhiên liệu trong tháng 9 tăng cao khi các hoạt động kinh tế phục hồi, tuy nhiên, giá dầu toàn cầu leo thang có thể làm đình trệ đà phục hồi của quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới.

Tại Mỹ, Chính phủ dự báo người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều tiền hơn để sưởi ấm nhà cửa trong mùa đông này so với năm ngoái do giá năng lượng tăng vọt.

An Trần (Theo CNBC)

FILI