Dầu đi ngang gần đỉnh 6 tuần

Dầu đi ngang gần đỉnh 6 tuần

Giá dầu xóa bớt đà tăng trước đó và gần như đi ngang vào ngày thứ Ba (14/9), dao động gần mức đỉnh 6 tuần, trước dấu hiệu một cơn bão khác có thể ảnh hưởng đến sản xuất dầu ở Texas trong tuần này ngay cả khi nền công nghiệp dầu mỏ của Mỹ khó khăn để quay trở lại sản xuất sau khi siêu bão Ida tàn phá bờ Vịnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 13 xu (tương đương 0.2%) lên 73.64 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI gần như không đổi ở mức 70.45 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng này đều dao động gần mức cao nhất kể từ đầu tháng 8 đã ghi nhận được trong phiên trước đó.

Các cuộc sơ tán đã được tiến hành vào ngày 13/9 khỏi các giàn khoàn dầu ngoài khơi vùng Vịnh Mexico khi các cơ sở lọc dầu bắt đầu chuẩn bị cho cơn bão nhiệt đới Nicholas, đang tiến về bờ biển Texas với sức gió 70 dặm/giờ (tương đương 113 km/h), đe dọa vùng duyên hải Texas và Louisiana vốn vẫn đang phục hồi từ siêu bão Ida.

Hơn 40% sản lượng dầu khí của vùng Vịnh nước Mỹ vẫn bị thất thoát vào ngày 13/9, 2 tuần sau khi siêu bão Ida đổ bộ vào bờ biển Louisiana.

Hiroyuki Kikukawa, Tổng giám đốc nghiên cứu tại Nissan Securities, nhận định: “Đà tăng của thị trường sẽ bị kìm hãm khi mùa hè cao điểm đi lại ở Mỹ dần kết thúc và có khả năng nguồn cung gia tăng từ kế hoạch giải phóng nguồn dự trữ chiến lược ở Mỹ và Trung Quốc cũng như khả năng nối lại xuất khẩu dầu của Iran”.

Chính phủ Mỹ đã đồng ý bán dầu thô từ nguồn dự trữ khẩn cấp cho 8 công ty bao gồm Exxon Mobil, Chevron và Valero, theo hình thức đấu giá có lịch trình để tăng tiền cho ngân sách liên bang.

Nhà đầu tư lưu ý rằng việc Trung Quốc lên kế hoạch giải phóng dầu từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPRs) có thể thúc đẩy nguồn cung có sẵn ở quốc gia tiêu thụ fầu lớn thứ 2 thế giới.

Hy vọng về các cuộc đàm phán mới về một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây đã được dấy lên sau khi cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc (UN) đạt được một thỏa thuận với Tehran vào ngày 12/9 về việc bảo dưỡng quá hạn các thiết bị giám sát.

Góp phần gây áp lực lên giá dầu, trong một báo cáo năng suất khai thác định kỳ hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ từ 7 hệ thống khoan dầu đá phiến lớn nhất được dự báo tăng 66,000 thùng/ngày trong tháng 10 lên 8.1 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý cuối cùng của năm 2021 do biến thể Delta.

An Trần (Theo CNBC)

FILI