Dầu tăng hơn 1% nhờ hy vọng vào nhu cầu

Dầu tăng hơn 1% nhờ hy vọng vào nhu cầu

Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Hai (03/5), khi số liệu kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin ở Mỹ cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cảnh giác trước tỷ lệ lây nhiễm cao kỷ lục ở Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu nhiên liệu lớn thứ 3 thế giới, cùng với nguồn cung dầu cao hơn từ OPEC+.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 80 xu (tương đương 1.2%) lên 67.56 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 91 xu (tương đương 1.43%) lên 64.49 USD/thùng.

Mỹ và Trung Quốc, 2 nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giớ, được dự báo sẽ thúc đẩy đà phục hồi nhu cầu từ đại dịch Covid-19.

“Ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 vọt lên mức cao kỷ lục trong tuần này, giá dầu vẫn tăng nhờ số lượng tiêm vắc-xin ngày càng tăng ở các thị trường phát triển”, báo cáo của BofA Global Research cho biết. “Dữ liệu gần đây cho thấy hiệu quả cao của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây nhiễm và tử vong”.

Khoảng 1/3 dân số Mỹ đã hoàn thành tiêm vắc-xin, Reuters theo dõi đưa tin.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trung bình đạt kỷ lục trong tháng 2 và tháng 3 do doanh số bán ô tô tăng, sự phục hồi du lịch địa phương và bối cảnh công nghiệp mạnh mẽ, BofA Global Research chia sẻ.

Tuy nhiên, những khu vực khác trên thế giới như Ấn Độ đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Vào ngày thứ Hai, Ấn Độ báo cáo hơn 300,000 ca nhiễm mới Covid-19 trong 12 ngày liên tiếp. Làn sóng lây nhiễm mới đã khiến doanh số bán nhiên liệu giảm trong tháng 4.

“Những lo ngại về Ấn Độ hiện đang ngăn giá dầu tăng thêm”, chuyên gia phân tích Louise Dickson của Rystad Energy nhận định.

Dầu Brent đã bứt phá gần 30% trong năm nay, phục hồi từ mức đáy lịch sử hồi năm ngoái nhờ động thái cắt giảm nguồn cung kỷ lục từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi chung là nhóm OPEC+.

An Trần (Theo CNBC)

FILI