Trung Quốc nhận thêm tin đáng ngại về xuất khẩu
Trung Quốc nhận thêm tin đáng ngại về xuất khẩu
Xuất khẩu của Trung Quốc tăng yếu hơn dự báo trong tháng 9, từ đó kìm hãm đà phục hồi thương mại vốn là điểm sáng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều tháng qua.
Theo thông báo của cơ quan hải quan Trung Quốc trong ngày 14/10, xuất khẩu tính bằng đồng USD trong tháng 9 chỉ tăng 2.4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6% của các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 0.3%, phản ánh sự yếu ớt của nhu cầu nội địa.
Trong tháng 9, xuất khẩu sang Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - tăng 2.2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh hơn, đạt 6.7%. Trong khi đó, xuất khẩu sang khối ASEAN tăng 5.5%, còn nhập khẩu tăng 4.2%.
Tuy nhiên, tình hình với Liên minh Châu Âu lại không mấy khả quan. Mặc dù xuất khẩu sang EU tăng nhẹ 1.3%, nhưng nhập khẩu từ khu vực này lại giảm 4%. Con số này phản ánh những căng thẳng thương mại gần đây giữa hai bên, đặc biệt là sau quyết định áp thuế cao đối với xe điện Trung Quốc của EU. Đáng chú ý nhất có lẽ là quan hệ thương mại với Nga. Xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này tăng vọt 16.6%, trong khi nhập khẩu lại giảm 8.4%.
Xuất khẩu của Trung Quốc là động lực thúc đẩy tăng trưởng hiếm hoi cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay, với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tính đến tháng 9 đạt mức cao thứ hai trong lịch sử. Tuy nhiên, nhập khẩu không tăng nhanh bằng do sự suy giảm của nhu cầu nội địa, từ đó tạo ra thặng dư thương mại kỷ lục và khiến nhiều quốc gia tăng cường rào cản đối với hàng hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tìm cách thúc đẩy tăng trưởng bằng một loạt biện pháp kích thích, có thể nâng cao nhu cầu nhập khẩu và cũng tạo áp lực tăng giá. Nền kinh tế trong nước đã rơi vào tình trạng giảm phát từ quý 2 năm ngoái, điều này đã kéo giảm giá xuất khẩu.
Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức lớn: Làm thế nào để duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản suy thoái và tâm lý tiêu dùng trong nước yếu kém. Mặc dù chiến lược này đã hoạt động tốt nhờ nhu cầu toàn cầu tương đối mạnh, nhưng các rào cản thương mại đang gia tăng có thể đe dọa tính bền vững của nó.
Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã quyết định áp thuế lên tới 45% đối với xe điện từ Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đã trợ cấp không công bằng và gây tổn hại cho các nhà sản xuất địa phương.
Goldman Sachs Group đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho năm nay và năm tới, phản ánh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc chấm dứt đà suy giảm. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn duy trì dự đoán về tăng trưởng chậm hơn cho năm 2026 và những năm tiếp theo. Lý do chính là xu hướng toàn cầu của các quốc gia và doanh nghiệp trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)