Startup chocolate khiến Shark Phi Vân và Shark Nga quyết không "chung deal", một bên ngỏ ý làm Co-Founder

Startup chocolate khiến Shark Phi Vân và Shark Nga quyết không "chung deal", một bên ngỏ ý làm Co-Founder

LadolVita - thương hiệu chocolate của CTCP Sweet Life Việt Nam, startup mở đầu tập 10 Shark Tank Việt Nam mùa 7, được các "cá mập" tấm tắc khen ngon nhưng mô hình lại bị đánh giá khó phát triển rộng.

LadolVita có 5 dòng sản phẩm, trong đó bán chạy nhất là Nama chocolate tươi. Không chỉ bán chocolate, LadolVita còn có một xưởng sản xuất tại Đà Lạt, nơi khách hàng hàng có thể đến để trải nghiệm quy trình sản xuất cũng như tìm hiểu sâu hơn về hạt ca cao.

Hai đại diện của LadolVita

Theo chị La Mai Hàn Trang - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, LadolVita thành lập vào tháng 7/2023, bắt đầu có sản phẩm tháng 11/2023. Vốn chủ sở hữu của Công ty đăng ký là 6 tỷ đồng, thực góp 6.7 tỷ đồng. Doanh số 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 3.7 tỷ đồng, lợi nhuận 15%. Đến Shark Tank, LadolVita gọi vốn 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Trả lời câu hỏi của Shark Phi Vân về sự khác biệt của LadolVita so với các sản phẩm khác trên thị trường, chị Trang cho biết LadolVita đi theo hướng làm theo mùa (season) và địa điểm (location), chú trọng vào màu sắc và thiết kế bao bì để mỗi mùa, mỗi địa điểm sẽ có sự riêng biệt.

"Em muốn làm ra những dòng sản phẩm Việt Nam có hương vị đặc trưng. Nếu Nhật Bản có Nama chocolate matcha nổi tiếng bán rất tốt, tụi em sẽ tạo ra đặc sản của Việt Nam như chocolate sầu riêng, sẽ phối hợp với nông sản Việt Nam như trái cây, các loại hạt để phát triển thêm nhiều hương vị. Em khát khao ca cao Việt Nam sẽ tiếp bước cà phê có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của người Việt", nhà sáng lập LadolVita trình bày.

Nhận thấy màu sắc bao bì của LadolVita có phần giống thương hiệu chocolate nổi tiếng thế giới Milka, Shark Tillman Schulz nhắc nhở startup lưu ý đến vấn đề này vì có thể trở thành cản trở nếu LadolVita xuất khẩu ra bên ngoài Việt Nam.

Bất ngờ trước điều này, chị Trang cho biết sử dụng màu tím đơn thuần vì màu đặc trưng khi nghĩ tới Đà Lạt, thành phố tình yêu nơi LadolVita sinh ra, và không hề biết một brand chocolate lớn đã sử dụng màu tương tự.

Trong khi đó, Shark Minh Beta thắc mắc về cách LadolVita đảm bảo nguồn nguyên liệu. Phản hồi lại, đại diện startup này giải thích: "Nếu ca cao lên men không đúng chuẩn, chất lượng chocolate sẽ giảm rất nhiều, thậm chí không còn ngon, do đó tụi em có công cụ, thiết bị để đo lường mức độ lên men để kiểm soát chất lượng nguyên liệu".

"Người nông dân bán ca cao lên men chất lượng cho LadolVita sẽ được mua giá cao hơn. Bên cạnh đó, để giúp người nông dân yên tâm đồng hành lâu dài, không bao giờ chặt bỏ cây ca cao, tụi em sẽ ký với họ hợp đồng liên kết, giá lên bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, khi giá xuống thì LadolVita vẫn mua một cái giá sàn cộng thêm 5-10%", chị Trang chia sẻ thêm.

Chị La Mai Hàn Trang - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành LadolVita trình bày với các Shark

Shark Minh Beta cũng lưu ý LadolVita đang nằm ở khúc đầu (giới thiệu). Đây là khúc rất khó để phát triển vì cần rất nhiều thời gian để làm cho người tiêu dùng quen và có thói quen sử dụng.

Đáp lại, nữ founder LadolVita cho biết hiện có khách hàng Aeon của Nhật đang làm việc với startup để đặt hàng và bán sản phẩm vào hệ thống Aeon ở bên Nhật. Đó là tín hiệu tốt khiến đội ngũ LadolVita tin rằng con đường đang đi là đúng.

Nói về viễn cảnh LadolVita trong 5 năm tới, chị Trang cho biết kế hoạch 5 năm sẽ có thể cung cấp dạng nguyên liệu và ước mơ xây nhà máy sản xuất chocolate lớn hơn, dựa trên kinh nghiệm từng quản trị một nhà máy 100 nhân sự tại Phan Thiết. Ngoài ra, startup cũng nhắm tới việc mở cửa hàng ở các thành phố có nhiều khách du lịch.

2 nữ "cá mập" quyết không chung deal

Bước vào phần đàm phán, Shark Tillman Schulz quyết định không đầu tư và có lời khuyên cho LadolVita nên tập trung vào thị trường Việt Nam chứ không phải xuất khẩu.

Shark Minh Beta cũng quyết định không đầu tư dù khen ngợi sản phẩm của LadolVita rất ngon và bao bì có sự chuyên nghiệp. Shark cũng khuyên startup nên dành thời gian để tìm thấy sự tinh túy cho sản phẩm. Còn để thành công ở thị trường Việt Nam thì còn quá nhiều ẩn số và rào cản phía trước.

Dàn "cá mập" đưa ra lời khuyên cho startup LadolVita

Shark Nga nhận xét LadolVita chỉ vừa hoàn thiện sản phẩm, chưa có chiến lược rõ ràng để phát triển trong một ngành hàng vô cùng cạnh tranh. Shark đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 35% cổ phần, cam kết giúp startup lên chiến lược kế hoạch kinh doanh và hỗ trợ trong việc kết nối thị trường, hoặc chỉnh sửa sản phẩm.

Shark Phi Vân hướng startup chọn làm cách khác: "Mình dẹp những cái suy nghĩ đã cũ, bắt đầu một mô hình mới hơn, lạ hơn. Một địa điểm trải nghiệm, ăn uống chocolate cà phê và bán lẻ luôn, tức là 'all in one' thay vì mở 5-10 cửa hàng bán lẻ. Phải bắt đầu từ kênh tiêu dùng tại chỗ sau đó là kênh phân phối mua về nhà. Nếu làm như vậy thì không phải nhà đầu tư mà chị muốn trở thành Co-Founder".

Shark Phi Vân sau đó đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần, trong đó 1.2 tỷ đồng tiền mặt và 3.8 tỷ đồng còn lại là phí tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh kèm cam kết sau 6 tháng sẽ nhượng quyền quốc tế.

Trong khi đó, Shark Bình đánh giá sản phẩm LadolVita tốt nhưng năng lực D2C (phân phối trực tiếp đến khách hàng) chưa có nên đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng cho 50% cổ phần.

Sau khi nghe đề nghị của 3 Shark, LadolVita mong muốn có Shark Nga chung deal Shark Phi Vân nhưng Shark Nga từ chối vì khác định hướng.

Để startup hiểu rõ giá trị tư vấn mà Shark đem lại, Shark Phi Vân cho biết chi phí tư vấn xây mô hình nhượng quyền là 2,000 USD một giờ, hệ sinh thái nhượng quyền của bà đã có hơn 12 thương hiệu. Team Phi Vân sẽ cùng với team LadolVita để chỉn chu mô hình sau đó sẽ nhượng quyền mô hình.

Cuối cùng, LadolVita chấp nhận lời đề nghị của Shark Phi Vân, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.

LadolVita chấp nhận lời đề nghị của Shark Phi Vân

Tập 10 Shark Tank Việt Nam mùa 7 còn xuất hiện 2 mô hình chuỗi của những nhà sáng lập là Grandma Lu’s - mô hình kết hợp ẩm thực và lưu trú tại cùng một điểm và Hustle Vietnam - hệ thống phòng tập boutique fitness.

Hương Lưu - sáng lập kiêm CEO của Grandma Lu's khẳng định "tiền không phải là tất cả, em không khó trong việc huy động tiền" và tham gia Shark Tank vì mong muốn được các Shark đồng hành nên chấp nhận đề nghị 3 tỷ đồng bằng hiện vật (in kind) cho 18% cổ phần của Shark Minh Beta, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.

Javier Macro Baq - nhà sáng lập Hustle Vietnam khiến dàn "cá mập" vô cùng hào hứng. Dù thương vụ khép lại không thành công nhưng startup nhận được lời ngỏ về sự hợp tác của Shark Phi Vân và Shark Minh Beta mong muốn được làm bạn đồng hành trong thời gian tới.

Thế Mạnh

FILI