Phát triển bền vững cần lộ trình, không thể “một đêm thành người khổng lồ”

Phát triển bền vững cần lộ trình, không thể “một đêm thành người khổng lồ”

Chia sẻ từ ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, các doanh nghiệp nên có sự tiếp cận ngược trong lộ trình làm kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải, đó là hướng đến chữ "G" - hay góc nhìn quản trị - trong ESG. Ngoài ra, phát triển bền vững cần một lộ trình phù hợp, không nên tham vọng “một đêm thành người khổng lồ”.

Tại buổi Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn và Đổi mới sáng tạo trong Phát triển bền vững” do dự án phi lợi nhuận "Cộng đồng Lãnh đạo Xanh" (Green Leader Coaching - GLC)  tổ chức vào sáng ngày 12/10, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đã có nhiều chia sẻ liên quan đến thực trạng cũng như cơ hội cùng thách thức của doanh nghiệp trong định hướng kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Các chuyên gia tại buổi toạ đàm sáng ngày 12/10

Chuyển đổi năng lượng là tất yếu nhưng còn gặp nhiều thách thức

Là một trong những đơn vị tiên phong về năng lượng tái tạo tại Việt Nam và các nước trong khu vực, đại diện Vũ Phong Group có những chia sẻ về thách thức cũng như triển vọng của năng lượng tái tạo khi chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bối cảnh hiện tại, năng lượng và năng lượng tái tạo là câu chuyện quan trọng ở Việt Nam và cả nước trong khu vực. Bởi lẽ ở các nước đang phát triển, để tăng 1% GDP cần trên 1.4 điểm phát triển năng lượng. Nghĩa là để tăng trưởng – chưa biết bền vững hay không – đều cần đến nền tảng năng lượng.

Đại diện Vũ Phong chia sẻ, Việt Nam đang cố gắng gia tăng năng lượng tái tạo vì 3 lý do. Thứ nhất là cam kết từ Chính phủ tại COP26. Thứ 2 là vì thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là các thị trường khó tính, như Mỹ và châu Âu. Các quy định từ những thị trường này có thể trở thành rào cản cho các doanh nghiệp trong nước nếu không tuân thủ. Và thứ 3, khi gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo phù hợp, giá thành sẽ rẻ hơn, tức là tiết kiệm chi phí.

Ông Phạm Đăng An - Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group

Theo chuyên gia Phạm Đăng An, việc chuyển đổi năng lượng sẽ là tất yếu và không thể tránh khỏi để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây cũng là câu chuyện hiện tại mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua chính sách về carbon, dẫn đến câu hỏi cho các doanh nghiệp: bạn sẽ bỏ tiền mua (chứng chỉ) carbon, đóng thuế phát thải khí nhà kính, hay sẽ chuyển đổi bền vững” – trích lời ông Đăng An.

Đồng thời, ông nhấn mạnh yếu tố hợp tác là chìa khoá chính, cũng là mục tiêu cuối cùng trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) – Partnership for the Goals. “Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác các bên có chuyên môn và góc nhìn khác nhau. Chúng tôi tin tưởng việc hợp tác đa phương, cổ đông chung tay là yếu tố quan trọng để chuyển dịch. Việt Nam là nước đang phát triển, đang đi sau, cần phải đi chung.”

Tuy vậy, quá trình tất yếu vẫn đang vấp phải nhiều trở ngại, trong đó đáng chú ý nhất liên quan đến chi phí. “Chúng tôi (Vũ Phong) đầu tư CAPEX (chi phí vốn), là đơn vị chi trả OPEX (chi phí hoạt động) trong suốt quá trình vận hành. Doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch lại gia tăng được khả năng cạnh tranh. Bởi lẽ, chúng ta muốn làm việc tốt, việc đầu tiên là… tiền đâu. Không giải quyết được bài toán tài chính, thì mọi chuyện chỉ là mơ thôi” – vị chuyên gia nhận định.

Ông cho biết, hiện tại năng lượng tái tạo đang có suất đầu tư rất cao, khoảng 13 tỷ đồng/MWp. Dù đã giảm so với cách đây 5 năm (khoảng 17 tỷ đồng), nhưng vẫn là mức cao. Thứ 2 là khung pháp lý hiện tại cũng thách thức. Thứ 3 là khó khăn trong thay đổi mô hình kinh doanh.

“Chúng tôi đã làm với các nhà máy lớn, thì câu chuyện để tận dụng tối đa năng lượng tái tạo, doanh nghiệp vẫn thay đổi cách hoạt động, chẳng hạn như thay vì vào buổi đêm chuyển thành vào buổi trưa”.

Doanh nghiệp cần “liệu cơm gắp mắm”, không thể một đêm thành người khổng lồ

Về câu chuyện pháp lý, ông Đăng An cho rằng đây là một thách thức không nhỏ. “Quốc hội có rất nhiều buổi họp lắng nghe doanh nghiệp, nhưng luật không thể nhanh bằng thị trường. Luật cần trình 3 năm, xây dựng hàng chục phương án mới có thể thông qua, trong khi thị trường đã chạy rất nhanh. Vậy nên trong tình huống hiện tại, làm được gì hãy ưu tiên làm điều đó”.

Nhưng doanh nghiệp nên làm gì? Trước những khó khăn, vị chuyên gia để xuất các doanh nghiệp nên hướng đến việc giảm phát thải, cụ thể là phạm vi phát thải 2.

Có 3 phạm vi giảm phát thải. Phạm vi 1 là trực tiếp từ hoạt động kinh doanh – cần phải thay đổi cả mô hình, nghĩa là không thể trong ngày một ngày hai.

Phạm vi số 3 là giảm gián tiếp qua toàn bộ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có vị thế nhất định trong chuỗi cung ứng. Nếu đứng ở quá sâu, doanh nghiệp cần lộ trình phù hợp, và nó kéo dài ít nhất 5 năm.

Trong khi đó, phạm vi phát thải 2 chỉ là giảm phát thải từ việc sử dụng năng lượng, cũng là giải pháp khả thi nhất. Ông An cho biết, việc sử dụng năng lượng hiện tại vẫn đang chiếm một nguồn phát thải lớn, có thể tới 70-80%.

“Tại Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia, cụ thể là từ Bắc Âu, Nhật, Hàn Quốc đang làm việc rất sát với doanh nghiệp nội địa về các yêu cầu: Đầu tiên là buộc sử dụng năng lượng tái tạo 100%, phần nào không dùng được phải có chứng chỉ năng lượng tái tạo để bù đắp. Đến khi nào thông qua được cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), phải được ưu tiên mua, nếu không sẽ không đầu tư. Câu chuyện này đã xảy ra ở các tập đoàn lớn như LEGO và Heneiken.

Một ví dụ là Nhà máy Golden Victory cho Nike ở Nam Định, là một trong những nhà máy lớn nhất miền Bắc, có 22,000 công nhân. Sau khi làm với Vũ Phong qua 2 giai đoạn, đã tiết kiệm được 21% chi phí năng lượng cho năm 2022, tương đương giảm được 7,400 tấn CO2 mỗi năm. Đây lại là những con số được kiểm toán, công bố trên chuỗi cung ứng của Nike”.

Việc nhắm vào các mục tiêu trước mắt, từ đây gia tăng sức cạnh tranh và đảm bảo về tài chính là những điều ông An cho là cần thiết trong ngắn hạn, nhất là với câu chuyện phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại có thể quan sát và ưu tiên điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu tại chỗ, sẽ phù hợp với câu chuyện này, vì đều được các bộ ngành ủng hộ phát triển.

“Cần ưu tiên dòng tiền dương. Thực chất, năng lượng tái tạo phục vụ 2 mục đích: tiết kiệm tiền điện và tăng cạnh tranh. Nhưng để tiết kiệm tài chính, phải ưu tiên tối ưu năng lượng, ưu tiên dòng tiền dương. Cái gì làm được thì nên làm trước. Tài chính phải tốt mới nói đến bền vững được”.

“Cần phải liệu cơm gắp mắm. Chúng ta không thể 1 đêm thành người khổng lồ, mà vì bền vững nên phải qua từng lộ trình” – ông kết luận.

Nên tiếp cận từ chữ “G” – góc nhìn quản trị

Về việc tiếp cận các tiêu chuẩn, chuyên gia Đăng An cho rằng hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi con đường phát triển bền vững và đang làm rất tốt. Nhưng trong mẫu số chung, ông đề xuất việc tiếp cận ngược trong các tiêu chuẩn ESG (Environmental – Social – Gorernance), đó là tiếp cận từ G – góc nhìn quản trị.

“Đó là những người làm quản trị, Chủ tịch HĐQT, cổ đông, hay những ông chủ của doanh nghiệp. Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần tiếp cận về đào tạo. Đào tạo ở đây không phải là đào tạo nhân sự, mà là đào tạo những người đứng đầu, những người thực sự bỏ tiền ra để có một góc nhìn và lộ trình phù hợp, sau đó từng bước giảm phát thải” – theo ông Đăng An.

Đồng tình, Tiến sĩ Phạm Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững, Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam – cũng tin rằng người làm quản trị đôi khi chưa biết mình đang làm ESG, và điều này gây ra nhiều bất lợi.

Tiến sĩ Phạm Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững, Viện phát triển Kinh tế số Việt Nam

“Hiện tại, nhiều người nói về ESG, giảm phát thải. ESG có thể biết, nhưng rộng hơn ESG là gì, vận hành ra sao chưa chắc biết. Tôi đồng ý là phải đi từ góc độ quản trị, bởi người làm quản trị đôi lúc cũng chưa biết mình đang làm ESG. Mà khi không biết, việc biến nó thành chất liệu để đưa vào báo cáo ESG cho Doanh nghiệp là rất khó”.

Chia sẻ sâu hơn, Tiến sĩ cho biết qua khảo sát tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc về ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thực tế đây không phải là điều có thể làm ngay lập tức. Cần đi từng bước, trong đó bước đầu là nhận thức. Nhận thức đầu tiên là của những người đứng đầu, sau đó cần tiếp nối cho những người thực thi. Các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức của từng cá nhân. Nếu tất cả cùng tham gia, khi đó sẽ tạo ra cuộc cải tổ.

“Ví dụ như chuỗi hợp tác xã. Nhóm này sẵn sàng làm theo chuỗi, tham gia vào cộng đồng. Nhưng mô hình này vốn là nhiều thành viên tập hợp lại. Ông chủ hợp tác xã được đào tạo về kinh tế tuần hoàn, đào tạo xanh. Nhưng đến lúc chia sẻ cho các thành viên, các bên lại nói là làm sao để phù hợp với túi tiền, và để làm sạch mà vừa kiếm tiền thì lại chưa làm nổi. Bên làm sạch, bên không, hệ quả là toàn bộ các khâu hợp tác xã bị ảnh hưởng” – trích lời chuyên gia Hồng Hải.

Bà Hải kết luận, câu chuyện cốt lõi ở phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn là vận động tất cả mọi người đồng hành, và chỉ có thể qua huấn luyện và đào tạo. “Phải là vận động, thay đổi nhận thức để tất cả cùng chung tay. Ban đầu có thể doanh thu thấp, chậm, nhưng sau đó sẽ có những con đường xa hơn”.

Châu An

FILI