Giải Nobel Kinh tế 2024 có giá trị như thế nào?
Giải Nobel Kinh tế 2024 có giá trị như thế nào?
Bằng cách xem xét những hệ thống kinh tế - chính trị khác nhau, Daron Acemoglu , Simon Johnson và James A. Robinson đã chứng minh mối quan hệ giữa các thể chế xã hội và sự thịnh vượng của các quốc gia. Họ cũng đã phát triển các công cụ lý thuyết giúp giải thích tại sao sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách khắc phục.
Tại sao một số quốc gia giàu có và một số khác lại rất nghèo?
Xét theo GDP bình quân đầu người thì 20% các quốc gia giàu nhất thế giới hiện giàu hơn khoảng 30 lần so với 20% các quốc gia nghèo nhất. Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất vẫn liên tục được duy trì, mặc dù các quốc gia nghèo nhất đã trở nên giàu hơn nhưng họ vẫn chưa bắt kịp các quốc gia thịnh vượng nhất. Tại sao lại như vậy? Những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã tìm ra các bằng chứng thuyết phục cho sự khác biệt này.
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Việc chứng minh cho điều này không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Sự tương quan giữa thể chế xã hội và sự thịnh vượng của xã hội đó không nhất thiết có nghĩa rằng cái này là nguyên nhân của cái kia. Các quốc gia giàu có khác với các quốc gia nghèo ở nhiều khía cạnh – không chỉ ở các thể chế xã hội – vì vậy có thể tồn tại những lý do khác cho cả sự thịnh vượng và loại hình thể chế của họ. Có lẽ sự thịnh vượng ảnh hưởng đến các thể chế của một xã hội, chứ không phải ngược lại. Để có được câu trả lời chính xác, những người đoạt giải đã sử dụng một cách tiếp cận thực nghiệm sáng tạo.
Acemoglu, Johnson và Robinson đã nghiên cứu quá trình thực dân hóa các khu vực rộng lớn trên thế giới của người châu Âu. Một lời giải thích quan trọng cho sự khác biệt hiện tại về sự thịnh vượng là các hệ thống kinh tế - chính trị mà những người thực dân đã áp dụng từ thế kỷ XVI. Những người đoạt giải đã chứng minh rằng điều này dẫn đến sự đảo ngược vận mệnh. Những nơi giàu có nhất vào thời điểm thực dân hóa thì hiện nay lại nằm trong số những nơi nghèo nhất và ngược lại.
Những người đoạt giải đã phát triển một khuôn khổ lý thuyết sáng tạo giải thích tại sao một số xã hội bị mắc kẹt trong cái bẫy “các thể chế chiếm đoạt”(*) (extractive institutions) và tại sao việc thoát khỏi cái bẫy này lại khó khăn đến vậy. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng sự thay đổi là có thể xảy ra và các thể chế mới sẽ được hình thành. Trong một số trường hợp, một quốc gia có thể thoát khỏi các thể chế cũ từ thời thực dân của mình để thiết lập nền dân chủ và pháp quyền. Về lâu dài, những thay đổi này cũng dẫn đến xóa đói giảm nghèo.
(*) Theo Acemoglu, Johnson và Robinson, thể chế dung hợp (inclusive institutions) là thể chế cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số dân chúng vào các hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội, từ đó có thể sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của mọi cá nhân cho sự phát triển xã hội, đồng thời cũng giúp mỗi cá nhân thực hiện những điều bản thân họ mong muốn. Đối lập với thể chế dung hợp là thể chế chiếm đoạt (extractive institutions), đó là thể chế mà một bộ phận dân chúng được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực của xã hội, thể chế đó cho phép bộ phận dân chúng này chiếm đoạt thu nhập và của cải từ các bộ phận dân chúng khác để làm lợi cho mình. |
Làm sao chúng ta có thể thấy dấu vết của những thể chế thuộc địa này trong thời đại ngày nay? Trong một tác phẩm của mình, những người đoạt giải đã lấy thành phố Nogales, nằm trên biên giới giữa Mỹ và Mexico làm ví dụ.
Câu chuyện về hai thành phố
Nogales bị cắt đôi bởi một hàng rào. Nếu bạn đứng cạnh hàng rào này và nhìn về phía bắc, Nogales, Arizona, Mỹ trải dài trước mắt bạn. Cư dân ở đây khá giả, có tuổi thọ trung bình cao và hầu hết trẻ em đều tốt nghiệp trung học. Quyền sở hữu tài sản được bảo đảm và mọi người biết rằng họ sẽ được hưởng hầu hết các lợi ích từ khoản đầu tư của mình. Các cuộc bầu cử tự do mang đến cho cư dân cơ hội thay thế những chính trị gia mà họ không hài lòng.
Nếu bạn nhìn về phía nam, bạn sẽ thấy Nogales, Sonora, Mexico. Mặc dù đây là một khu vực tương đối giàu có của Mexico, nhưng nhìn chung, cư dân ở đây nghèo hơn đáng kể so với phía bắc hàng rào. Tội phạm có tổ chức khiến việc khởi nghiệp và điều hành công ty trở nên rủi ro. Các chính trị gia tham nhũng rất khó bị loại bỏ.
Tại sao hai nửa của cùng một thành phố lại có điều kiện sống khác biệt lớn như vậy? Về mặt địa lý, chúng ở cùng một nơi, vì vậy các yếu tố như khí hậu hoàn toàn giống nhau. Hai nhóm dân cư này cũng có nguồn gốc tương tự; theo lịch sử, khu vực phía bắc thực sự nằm ở Mexico, vì vậy cư dân lâu năm của thành phố có nhiều tổ tiên chung. Ngoài ra, còn có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Mọi người ăn những món ăn tương tự và nghe ít nhiều cùng một loại nhạc ở cả hai bên hàng rào.
Sự khác biệt mang tính quyết định do đó không phải là địa lý hay văn hóa, mà là các thể chế. Những người sống ở phía bắc hàng rào sống trong hệ thống kinh tế của Mỹ. Điều này mang lại cho họ nhiều cơ hội hơn trong học tập và công việc. Họ cũng là một phần của hệ thống chính trị Mỹ và được hưởng các quyền chính trị rộng rãi. Những cư dân ở phía nam hàng rào thì không may mắn như vậy. Họ sống trong những điều kiện kinh tế khác và hệ thống chính trị hạn chế khả năng ảnh hưởng đến luật pháp của họ. Những người đoạt giải năm nay đã chứng minh rằng thành phố Nogales bị chia cắt không phải là ngoại lệ. Thay vào đó, nó là một phần của một mô hình rõ ràng có nguồn gốc từ thời thuộc địa.
Các thể chế thuộc địa
Khi người châu Âu xâm chiếm những vùng đất rộng lớn trên thế giới, các thể chế hiện hữu đôi khi thay đổi đáng kể, nhưng không giống nhau ở mọi nơi. Ở một số thuộc địa, mục đích là bóc lột dân bản địa và khai thác tài nguyên thiên nhiên để mang lại lợi ích cho những người thực dân.
Trong những trường hợp khác, những người thực dân xây dựng các thể chế dung hợp vì các lợi ích lâu dài của những người định cư châu Âu.
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Sự đảo ngược vận mệnh
Acemoglu, Johnson và Robinson đã chứng minh rằng những khác biệt ban đầu này trong các thể chế thuộc địa là lời giải thích quan trọng cho sự khác biệt to lớn về sự thịnh vượng mà chúng ta thấy ngày nay. Những khác biệt đương thời về điều kiện sống giữa Nogales, Mỹ và Nogales, Mexico, do đó phần lớn là do các thể chế được đưa vào thuộc địa của Tây Ban Nha sau này trở thành Mexico và thuộc địa của Anh sau này trở thành Mỹ.
Khoảng 500 năm trước, ở những nơi nghèo nhất và thưa dân nhất, những người thực dân châu Âu đã áp dụng các thể chế thúc đẩy sự thịnh vượng lâu dài. Sau cuộc cách mạng công nghiệp, điều này có nghĩa là các thuộc địa trước đây từng là những nơi nghèo nhất đã trở thành những nơi giàu nhất (trường hợp của Mỹ).
Tuy nhiên, ở những thuộc địa giàu có và đông dân nhất (cách đây khoảng 500 năm), các thể chế mang tính chiếm đoạt được áp dụng nhiều hơn nên ít có khả năng dẫn đến sự thịnh vượng (trường hợp của Mexico).
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Sự đảo ngược vận mệnh này là duy nhất trong lịch sử. Khi những người đoạt giải nghiên cứu quá trình đô thị hóa trong nhiều thế kỷ trước khi có sự thuộc địa hóa, họ không tìm thấy một mô hình tương tự. Ngoài ra, nếu chúng ta nhìn vào những nơi trên thế giới không bị thuộc địa hóa sẽ không tìm thấy bất kỳ sự đảo ngược nào của vận mệnh.
Những người đoạt giải cũng đã chỉ ra rằng sự đảo ngược này chủ yếu xảy ra liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp. Ví dụ, cho đến tận giữa thế kỷ XVIII, sản lượng công nghiệp ở nơi hiện là Ấn Độ vẫn cao hơn ở Mỹ. Điều này đã thay đổi cơ bản kể từ đầu thế kỷ XIX, điều này cho thấy sự đảo ngược chủ yếu là kết quả của sự khác biệt về thể chế. Những cải tiến kỹ thuật lan rộng khắp thế giới chỉ có thể tồn tại ở những nơi đã thành lập các thể chế có lợi cho toàn bộ dân số.
Acemoglu, Johnson và Robinson đã bổ sung thêm một chiều hướng mới vào những lời giải thích trước đây về sự khác biệt hiện tại trong sự giàu có của các quốc gia trên toàn cầu. Một trong số đó liên quan đến địa lý và khí hậu. Kể từ khi Montesquieu xuất bản cuốn sách nổi tiếng The Spirit of Laws (1748), đã có một ý tưởng được xác lập rằng các xã hội ở vùng khí hậu ôn đới có năng suất kinh tế cao hơn so với các xã hội ở vùng nhiệt đới: các quốc gia gần xích đạo hơn thì nghèo hơn. Tuy nhiên, theo những người đoạt giải, điều này không chỉ do khí hậu. Nếu điều đó là sự thật, thì sự đảo ngược vận mệnh đã không thể xảy ra. Một lời giải thích quan trọng cho lý do tại sao các quốc gia nóng hơn cũng là các quốc gia nghèo hơn chính là các thể chế xã hội của họ.
Thoát khỏi cái bẫy
Acemoglu, Johnson và Robinson đã phát hiện ra một chuỗi nhân quả rõ ràng. Các thể chế được tạo ra để bóc lột quần chúng thì không tốt cho tăng trưởng dài hạn, trong khi các thể chế thiết lập các quyền tự do kinh tế cơ bản và pháp quyền thì ngược lại. Các thể chế kinh tế - chính trị cũng có xu hướng tồn tại rất lâu. Ngay cả khi các hệ thống kinh tế chiếm đoạt mang lại lợi ích ngắn hạn cho giới tinh hoa cầm quyền, thì việc đưa ra các thể chế dung hợp và pháp quyền sẽ tạo ra lợi ích dài hạn cho mọi người. Vậy tại sao giới tinh hoa không đơn giản là thay thế hệ thống kinh tế hiện tại?
Giải thích của những người đoạt giải tập trung vào các xung đột về quyền lực chính trị và vấn đề về uy tín giữa giới tinh hoa cầm quyền và dân chúng. Miễn là hệ thống chính trị có lợi cho giới tinh hoa, dân chúng không thể tin rằng những lời hứa về một hệ thống kinh tế cải cách sẽ được thực hiện. Một hệ thống chính trị mới, cho phép dân chúng thay thế những nhà lãnh đạo không giữ lời hứa trong các cuộc bầu cử tự do, sẽ cho phép cải cách hệ thống kinh tế. Tuy nhiên, giới tinh hoa cầm quyền không tin rằng dân chúng sẽ đền bù cho họ về sự mất mát các lợi ích kinh tế khi hệ thống mới được đưa vào hoạt động. Đây được gọi là vấn đề cam kết khả tín (commitment problem), rất khó để vượt qua. Vì vậy, các xã hội này bị mắc kẹt với các thể chế chiếm đoạt, tình trạng đói nghèo lan rộng và một giới tinh hoa giàu có.
Mô hình của những người đoạt giải để giải thích các hoàn cảnh mà các thể chế chính trị được hình thành và thay đổi có ba thành phần. Thứ nhất là xung đột về cách phân bổ nguồn lực và ai nắm giữ quyền quyết định trong xã hội (giới tinh hoa hay quần chúng). Thứ hai là quần chúng đôi khi có cơ hội thực thi quyền lực bằng cách huy động và đe dọa giới tinh hoa cầm quyền; do đó, quyền lực trong một xã hội không chỉ là quyền đưa ra quyết định. Thứ ba là vấn đề cam kết khả tín, có nghĩa là giải pháp duy nhất là giới tinh hoa trao quyền quyết định cho dân chúng. Mô hình này đã được sử dụng để giải thích quá trình dân chủ hóa ở châu Âu vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson đã đóng góp nghiên cứu sáng tạo về những gì ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các quốc gia trong dài hạn. Nghiên cứu thực nghiệm của họ chứng minh tầm quan trọng của loại hình thể chế kinh tế - chính trị được đưa vào trong thời kỳ thực dân hóa. Nghiên cứu này cũng góp phần giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao khó cải cách các thể chế chiếm đoạt, đồng thời chỉ ra một số trường hợp mà điều này vẫn có thể xảy ra. Công trình của những người đoạt giải đã có ảnh hưởng lớn trong cả kinh tế học và khoa học chính trị.
Lý lịch của những người đoạt giải Nobel Kinh tế 2024
Daron Acemoglu
Sinh năm 1967 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Daron Acemoglu là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Ông nhận bằng Tiến sĩ từ Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) vào năm 1992. Hiện tại, ông đang là Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu thế giới.
Simon Johnson
Sinh năm 1963 tại Sheffield, Vương quốc Anh, Simon Johnson nhận bằng Tiến sĩ từ MIT vào năm 1989. Ông hiện cũng là Giáo sư tại MIT, đồng nghiệp với Acemoglu.
James A. Robinson
Sinh năm 1960, James A. Robinson nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Yale vào năm 1993. Hiện ông đang là Giáo sư tại Đại học Chicago, một trung tâm nghiên cứu kinh tế học hàng đầu thế giới.
Danh sách Nobel Kinh tế giai đoạn 2014-2024
Nguồn: Nobelprize.org và Britannica.com
Phòng Tư vấn Vietstock (theo Nobelprize)