Đồng tiền có “đi liền”… phẩm giá giáo dục?
Đồng tiền có “đi liền”… phẩm giá giáo dục?
Khi hiểu biết cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế xã hội thiếu hụt, không ít người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cứ tùy tiện, lệch lạc cho rằng giáo dục là một món hàng nên họ “kinh doanh”, “mua bán”, thậm chí “trả giá” mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng trong phạm vi học đường.
Gần 1 tháng trước, tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 8, ngày 4/9, chuẩn bị cho ngày (5/9) khai giảng năm học mới thật chu đáo, nhiều ý nghĩa, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định thu chi các loại phí, đảm bảo công khai minh bạch và phải được phụ huynh đồng thuận. Ông cũng yêu cầu chấn chỉnh việc lạm thu tại các trường.
Trường tiểu học Chương Dương, Quận 1, TP.HCM
|
Gần 1 tháng sau, chuyện xảy ra ở Trường tiểu học Chương Dương, Quận 1, trường tuy không thu nhưng… giáo viên chủ động xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop. Người chịu người không, rồi cô giáo không nhận, không nhận luôn việc soạn đề cương ôn tập. Vụ việc lớn dần trên dư luận. Rồi bung thêm chuyện phụ huynh đứng đơn tố cô giáo bán xúc xích, mì gói, nước ngọt trong lớp; có lúc học sinh vừa học bài vừa ăn; hay có lúc cô mở Youtube, học sinh ngồi dưới làm bài, còn cô thì ngồi trên ăn. Cô giáo hồn nhiên giải thích: nhà ở xa trường nên có những lúc đến trường chưa ăn sáng. Vì vậy cô luôn “thủ” sẵn mấy gói mì để hôm nào không kịp ăn sáng thì vào trường nấu ăn. ”Học sinh thấy vậy cũng lên nói 'cô ơi con đói quá, cô nấu cho con gói mì'. 1 hộp mì và 1 cây xúc xích là 20,000 đồng. Học sinh có tiền thì trả còn không có thì thôi…”!
Giờ thì cô giáo đã nhận sai. Sai trong cách nghĩ “xin mua laptop là việc bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều người cũng làm như vậy”. Giờ thì cô đã bị đình chỉ có thời hạn đứng lớp, được thay thế bằng phó hiệu trưởng, các em đã đi học trở lại sau 1 ngày dừng đến lớp (hôm 30/9). Giờ thì trường lập tổ công tác đến nhà tiếp xúc, động viên cô giáo xin laptop, quận thì chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu việc kiểm tra thu - chi đầu năm học của các trường trên địa bàn; phân công nhân sự theo dõi chia sẻ nắm bắt nội dung của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cũng như xử lý các vấn đề phát sinh…
Nhưng, một lần nữa đặt lại khái niệm “xã hội hóa giáo dục” trong môi trường giáo dục, lại là giáo dục phổ thông, cấp cơ sở. Nó cho thấy sự xấu xí, hỏng hóc trong nhận thức, quan niệm, hành vi lẫn thái độ ứng xử với cái gọi là “xã hội hóa” - thông qua việc đóng góp quỹ hội phụ huynh hay “trào lưu” tự nguyện hỗ trợ mua sắm học cụ bị biến tướng dưới mọi hình thức.
Kể cả khi không chỉ dừng lại ở hỗ trợ mua sắm có liên quan đến thiết bị, tài liệu học tập mà trong tuyên dương, việc Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp) vừa qua chỉ tuyên dương bằng giấy khen cho học sinh nào ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 số tiền từ 100,000 đồng trở lên; còn dưới 100,000 đồng thì nhận thư khen của giáo viên chủ nhiệm là bằng chứng cho cái thước đo kim tiền đã len vào nhận thức của số ít nhà quản lý giáo dục trong bài học giáo dục lòng nhân ái cho học sinh.
Sao việc “xin” và “cho” mấy trăm ngàn đến bạc triệu lại diễn ra một cách bình thường tới mức… bình thản như thế giữa giáo viên và phụ huynh? Tất nhiên, không ít học sinh (cụ thể với lớp 4/3) mới ở độ tuổi lên 8-9 đã hiểu được “tiền lực” như thế nào để “bài học đầu tiên” - tiền đâu đã sớm bị người “truyền dạy” một cách trực quan cho con trẻ.
Sao người lớn, lại là các nhà quản lý giáo dục lại hồn nhiên tạo sự so sánh, phân biệt trị giá lớn hay nhỏ hơn 100,000 đồng trong giá trị của tình đồng bào, tính tương trợ trong hoạn nạn mà quên rằng bài học công bằng cần được xem là chân giá trị vỡ lòng cho trẻ?
Khi hiểu biết cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế xã hội thiếu hụt, không ít người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cứ tùy tiện, lệch lạc cho rằng giáo dục là một món hàng nên họ “kinh doanh”, “mua bán”, thậm chí “trả giá” mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng trong phạm vi học đường. Họ quên một nửa bản chất còn lại (và sẽ không làm thay đổi nửa bản chất kia) là giáo dục - một hàng hóa đặc biệt mà người “góp vốn kinh doanh” nó không hề tính toán lợi nhuận để sau đó chia chác từng đồng tiền. Mà họ áp dụng các phương pháp quản lý như một doanh nghiệp để đạt được kết quả là tiếp tục có nguồn lợi để đầu tư, phát triển cho tri thức, cho dân trí qua các thế hệ, cho xã hội ngày một văn minh, tiến bộ, hạnh phúc.
Trở lại với không khí kim tiền đang “nhảy nhót” ngay trong môi trường học đường, lại là ở cấp nền tảng phổ thông cơ sở thì rõ ràng, những biểu hiện dù mang tính… cá thể ở một vài thầy cô giáo hoặc ở một hay số ít trường hợp ở các trường học nhưng, suy nghĩ, hành vi như cô giáo xin laptop và thái độ của giáo viên, phụ huynh, nhà quản lý, tức người xung quanh có ít nhiều mối liên quan lại không hề cho thấy đó là sự “cá biệt”.
Khi cô giáo T.P.H. hồn nhiên nói, “nhiều người cũng làm như vậy”, tức là trước cô đã có người cũng xin hỗ trợ và đã được cho thì tại sao cô không được xin, đó là một thực tế có thật, nó không hiếm và bẽ bàng thay, như lời cô giáo kia “nhiều người cũng làm”.
Khi một xã hội số đang được hình thành, khi phong trào chuyển đổi số đang dậy khắp thì để “số hóa” một tiết học, một lớp học, những người lớn đã không ngần ngại xin tiền để trang bị dụng cụ số. Kết cuộc, trước khi truyền tải những giá trị hay ho, tốt đẹp qua không gian kết nối ảo ấy, những người lớn đã kịp dạy cho con trẻ những hành xử xấu xí, kém cỏi rất thực ngay trước mắt chúng, trong môi trường học tập của trẻ em!
Quốc Học