Big Invest Group mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nông sản

Big Invest Group mở rộng hoạt động sang lĩnh vực nông sản

CTCP Big Invest Group (UPCoM: BIG) cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng thương mại - xuất nhập khẩu nông sản, trong giai đoạn cuối năm 2024 với các chiến lược quan trọng nhằm tận dụng lợi thế sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, nắm bắt xu thế của thị trường.

Tham gia hợp tác với các đối tác lớn, mở rộng hoạt động trong hệ sinh thái

Ông Võ Phi Nhật Huy – Chủ tịch BIG cho biết, Công ty đang xúc tiến làm việc với các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu nông sản lớn. Động thái này nhằm hiện thực hóa mong muốn lấn sân sang nông sản, cụ thể mảng thương mại và xuất nhập khẩu nông sản của BIG.

Trong giai đoạn đầu, BIG dự kiến sẽ đầu tư tài chính, làm đại lý kinh doanh và tiến đến tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái nông sản. Hình thức hợp tác cụ thể sẽ được công bố chi tiết khi có văn bản được ký kết chính thức. Hoạt động này ước tính có thể đóng góp lớn vào tổng doanh thu cho BIG trong 3 tháng cuối năm 2024.

Theo chủ tịch BIG, đối tác là các doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu nông sản có quy mô lớn. Các đơn vị này chuyên thu gom và xuất khẩu các loại trái cây đạt chất lượng cao từ khắp nơi trên cả nước (nhiều nhất là sầu riêng, thanh long…) để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chiều ngược lại, họ cũng nhập một số loại nông sản của Trung Quốc và phân phối khắp Việt Nam (như nho, táo và hoa tươi). Quy mô doanh thu của các đối tác này đạt vài ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Ban lãnh đạo BIG tham quan và làm việc trực tiếp với các đối tác nông sản tại vựa sầu riêng ở Đắk Lắk

Theo Chủ tịch Võ Phi Nhật Huy, dù Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc rất nhiều, nhưng hoạt động nhập khẩu cũng có nhiều tiềm năng. Thống kê chính thức Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNN) cho thấy năm 2023, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất các loại trái cây của Trung Quốc, đạt hơn 1.2 tỷ USD (tăng 3% so với cùng kỳ). Các mặt hàng nhập nhiều nhất là táo, cam quýt và nho tươi.

Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam nhập gần 500 triệu USD rau quả từ Trung Quốc, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Rau quả Trung Quốc chiếm khoảng 35% thị phần rau quả nhập khẩu tại Việt Nam. Táo là mặt hàng được nhập nhiều nhất, nho đứng thứ hai.

Vì sao BIG muốn kinh doanh nông sản?

Theo ông Kiều Văn Khoa – Phó Chủ tịch HĐQT BIG, cơ duyên hợp tác trong lĩnh vực nông sản xuất hiện sau nhiều năm BIG kinh doanh ở TP. Lào Cai. Cụ thể, BIG đang sở hữu Tòa nhà BIG Lào Cai nằm ở trung tâm TP. Lào Cai. Đây là tòa nhà phức hợp gồm khối khách sạn và khối văn phòng cho thuê. Do nằm ở vị trí thuận lợi nên khách du lịch rất đông (nhất là khách thương nhân Trung Quốc) và hầu như lúc nào cũng kín phòng (tỷ lệ lấp đầy của tòa nhà luôn trên 95%).

Trong quá trình kinh doanh tại đây, ban lãnh đạo BIG đã tìm hiểu nhịp sống kinh doanh địa phương cũng như hoạt động giao thương với Trung Quốc. Sau nhiều năm quan sát và tìm hiểu, BIG đã tìm được đối tác phù hợp để mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng nông sản.

Ngoài đối tác tại Lào Cai, ông Kiều Văn Khoa cho biết, BIG cũng đang sắp xếp thời gian để làm việc cụ thể với một vài đối tác khác. Họ đều là những đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. “BIG sẽ hợp tác trong nhiều hoạt động vận hành và tài chính và tham gia sâu dần vào hệ sinh thái nông sản”, ông Khoa nói.

Tòa nhà Big Lào Cai là nơi khởi nguồn cho mảng thương mại và xuất nhập khẩu nông sản của BIG

Việc lấn sân sang mảng nông sản cũng là động thái nằm trong định hướng cải thiện hiệu quả kinh doanh được HĐQT BIG thông qua trước đó. Hiện nay, mảng đem về doanh thu lớn nhất cho BIG vẫn là thương mại sắt thép (khoảng 80%). Trong khi đó, biên lợi nhuận của mảng này khá thấp. Do đó, từ sau dịch COVID-19 đến nay, BIG đã nhanh chóng phát triển nhanh mảng BIG HOTEL để tăng dòng tiền và cải thiện lãi sau thuế. Nếu hợp tác trong lĩnh vực nông sản được triển khai sớm, BIG không chỉ cải thiện được dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cũng sẽ tăng nhanh đáng kể.

Đối với mảng BIG HOTEL, trong 6 tháng đầu năm 2024, BIG đã hoàn thành xong chuỗi khách sạn tại 5 thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế và Lào Cai. Kết quả này không chỉ thể hiện cam kết với cổ đông mà còn là chỉ báo cho khả năng thực thi hiệu quả của HĐQT và Ban lãnh đạo BIG.

Về kết quả kinh doanh, Ban lãnh đạo BIG cho biết, có thể hoàn tốt mục tiêu đề ra hồi đầu năm. Cụ thể, BIG đặt mục tiêu đạt 256 tỷ đồng doanh thu (tăng 22%). Ước tính trong 9 tháng đầu năm , doanh thu hơn 180 tỷ đồng, thực hiện 70% kế hoạch đề ra.

Theo bà Trần Thị Mưa Thao – Tổng Giám đốc BIG, dù hoạt động thương mại và bất động sản chưa tăng trưởng rõ rệt, nhưng hoạt động dịch vụ đang tăng trưởng nhanh. “Nếu hoàn thành tốt các công việc đã đề ra, chuỗi BIG HOTEL có thể đóng góp lớn vào mục tiêu cải thiện dòng tiền cho BIG. Ngoài ra nếu triển khai thành công mảng nông sản, công ty còn có thể sẽ vượt kế hoạch doanh thu của năm 2024”, bà nói thêm.

Dịch vụ

FILI