Vì sao chứng khoán Nhật Bản lao dốc sau chiến thắng của Shigeru Ishiba?
Vì sao chứng khoán Nhật Bản lao dốc sau chiến thắng của Shigeru Ishiba?
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm hơn 4% trong ngày 30/09, sau khi nước này công bố một loạt dữ liệu kinh tế trái chiều và các nhà giao dịch phản ứng trước sự kiện ông Shigeru Ishiba đắc cử vị trí Thủ tướng.
Mặc dù doanh số bán lẻ tháng 8 của Nhật Bản tăng 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo 2.3% của Reuters, nhưng điều này dường như không đủ để xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư. Thay vào đó, họ tập trung vào những hệ lụy tiềm tàng từ chiến thắng của ông Ishiba trước đối thủ Sanae Takaichi trong cuộc bầu cử Đảng Dân chủ Tự do.
Ông Ryota Abe, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui, nhận định: "Chiến thắng này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ không gặp bất kỳ trở ngại chính trị nào trong việc tăng lãi suất thêm nữa".
Lời nhận định này như một lời cảnh báo cho các nhà đầu tư về khả năng đồng Yên sẽ mạnh lên, gây áp lực lên các công ty xuất khẩu - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Đồng Yên đã yếu đi so với USD vào đầu ngày 27/09 khi bà Takaichi thắng vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhưng sau đó đã đảo chiều và mạnh lên khi khả năng ông Ishiba giành chiến thắng tăng lên.
Ông Abe lưu ý rằng đồng yên đã đảo chiều "vì gần như tất cả các nhà tham gia thị trường bao gồm SMBC và các nhà phân tích chính trị khác đều dự đoán bà Takaichi sẽ thắng trong cuộc bỏ phiếu”.
Bà Takaichi ủng hộ lãi suất thấp hơn và đã tuyên bố rõ ràng quan điểm rằng bà sẽ không ủng hộ BOJ về chính sách tăng lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông nói thêm.
Steven Glass, Giám đốc điều hành tại Pella Funds Management, có quan điểm khác, nói với chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC rằng lạm phát vẫn rất nhiều "nhập khẩu" do đồng Yên yếu.
Ông nói thêm rằng vì lý do đó, "việc BOJ tăng lãi suất là không hợp lý", và ông cũng thấy rằng với ông Ishiba làm thủ tướng, "điều này càng củng cố quyết tâm của chúng tôi rằng BOJ sẽ không tăng lãi suất”.
Vào ngày 27/09, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản giảm 4.9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, nhiều hơn mức giảm 0.4% của tháng trước.
Xét theo tháng, sản xuất công nghiệp giảm 3.3%, mức giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 0.9% trong cuộc thăm dò của Reuters và so với mức tăng 3.1% trong tháng 7.
Áp lực từ đà tăng của Trung Quốc
Cú giảm của chỉ số Nikkei vào thứ Hai cũng diễn ra trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đang tăng vọt. Trong ngày 27/09, chỉ số CSI 300 của đại lục đã ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, còn Hang Seng của Hồng Kông đã có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1998.
Chưa dừng lại ở đó, các chỉ số Trung Quốc lại nối dài đà tăng sang ngày 30/09. Chỉ số CSI 300 tăng hơn 6%, dẫn đầu đà tăng ở châu Á sau khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc cho tháng 9 đạt 49.8, cao hơn dự báo 49.5 của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
Diễn biến chỉ số Shanghai Composite | ||
Nguồn: VietstockFinance
|
Britney Lam từ Magellan Capital giải thích: "Thị trường Nhật Bản vốn được coi là 'giao dịch đối lập Trung Quốc'. Khi Trung Quốc không tốt, Nhật Bản sẽ tốt. Nhưng giờ đây, với gói kích thích và sự thay đổi tâm lý của Trung Quốc, thị trường Nhật Bản đang chịu áp lực lớn”.
"Giờ đây, với gói kích thích và sự thay đổi tâm lý của Trung Quốc, thị trường Nhật Bản sẽ chịu áp lực", bà nhận định.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuần trước đã triển khai một loạt biện pháp kích thích, bao gồm giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng và cũng cắt giảm lãi suất ngắn hạn. Trong ngày 30/09, PBOC công bố kế hoạch giảm chi phí vay đối với các khoản vay thế chấp trị giá lên tới 5,300 tỷ USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)