Cần sửa đổi một số Luật để doanh nghiệp Nhà nước thực sự tạo được đột phá để phát triển
Cần sửa đổi một số Luật để doanh nghiệp Nhà nước thực sự tạo được đột phá để phát triển
Chiều ngày 13/8, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) nhằm lấy ý kiến đóng góp để xây dựng các quy định mới sát với thực tiễn, tạo đà phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá: Đây là luật rất quan trọng tác động đến các DN, trong đó có các DN quân đội. Bộ Tài chính đã thành lập ban chỉ đạo, ban soạn thảo và đã dự thảo 6 chính sách đối với dự thảo luật.
Qua việc xây dựng 6 chính sách, Bộ Tài chính nhận thấy nhiều ý kiến phản hồi của DN cho rằng dự thảo chưa toàn diện, chưa hợp lý, còn chồng chéo, chưa tạo điều kiện cho DN phát triển.
Trong khi đó, chủ trương của Đảng với Nhà nước là các DN hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, không có sự thiên vị hay ưu tiên các thành phần, dù là DN Nhà nước (DNNN) hay tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài; phải đảm bảo khi một đồng vốn Nhà nước bỏ vào DN và tạo điều kiện cho chủ DN sử dụng thì phải bảo toàn, phát triển nguồn vốn, tạo ra được công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận, thực hiện nộp ngân sách cho nhà nước. Đồng thời các DNNN hay có vốn nhà nước ngày một lớn mạnh, làm ăn hiệu quả.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Hiện nay, có nhiều DN trong nước lớn mạnh, kể cả tư nhân. Tuy nhiên, chiếm lĩnh sản phẩm xuất khẩu thì DN FDI chiếm khoảng 73% - 75%. Điều này cho thấy các DN Việt Nam phải lớn mạnh lên, nhất là DNNN phải tạo ra đột phá để phát triển, đi vào những lĩnh vực khó, lĩnh vực sáng tạo. Muốn vậy, chính sách pháp luật phải tạo được những điều kiện tốt nhất cho DNNN thúc đẩy phát triển, tự chủ, tự quyết định, chịu trách nhiệm.
HIện tại, cần rà soát các bộ luật như đấu thầu, đầu tư công... những luật nào cần "cởi trói" để cho DNNN phát triển nhanh, hiệu quả thì đề nghị các đại biểu mạnh dạn góp ý.
Hội thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh: VGP/HT
|
Thực tế hiện nay, vướng mắc là vấn đề đổi mới công nghệ tại DNNN rất khó khăn, khó khăn hơn so với DN tư nhân. Khó khăn trước hết là do công tác lập dự án đầu tư, phê duyệt, đấu thầu... Hơn nữa, cơ chế quản lý của nhiều DNNN nhiều tầng nấc; công tác phân bổ, bố trí cán bộ DNNN chưa thật sự theo hiệu quả công việc tối ưu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn ví dụ thành công của DNNN của Singapore, dùng tiền ngân sách, sử dụng hiệu quả, thực hiện tốt quản trị rủi ro, có dự án lỗ, có dự án lãi nhưng tính bình quân các dự án đầu tư có lãi,
"Luật này là hết sức quan trọng để tạo đà cho các DN phát triển trong tương lai. Vì vậy, ban soạn thảo rất mong sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu, đặc biệt là các lãnh đạo DN, Chủ tịch và Tổng giám đốc của DNNN có thực tiễn và thấy được những vấn đề vướng mắc, những vấn đề khó khăn và cũng sẽ đề xuất được những sáng kiến sáng tạo trong quá trình quản lý vốn tốt nhất. Chủ trương ban soạn thảo là tăng cường tính chủ động, linh hoạt. Cùng với đó là tăng cường phân cấp và tính đến cái hiệu quả cuối cùng. Đây chính là mục tiêu để là đảm bảo cho sự năng động của DN", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết: Bối cảnh tình hình đất nước thay đổi và yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới cũng đặt ra rất nhiều nhiệm vụ.
Do đó, cần rà soát lại hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách về DNNN, đặc biệt là các cơ chế chính sách liên quan đến tập đoàn kinh tế, liên quan đến việc quản lý vốn, tài sản nhà nước, cơ cấu lại, đổi mới cao hiệu quả DNNN...
Theo đó, cần tách bạch, phân định rõ cái chức năng của chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước với chức năng quản trị DN cũng như chức năng quản lý nhà nước tại DN.
Với quan điểm như vậy thì Quốc hội và Chính phủ cũng đã xác định cần phải xây dựng một luật mới để phù hợp với cái chủ trương nêu trên, đồng thời phù hợp với tình hình chung của khu vực DNNN, khắc phục các tồn tại, những vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69).
"Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lệnh năm 2024, Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước thì sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 ở tháng 5/2025", đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nói.
Ông Lê Quang Mạnh cho hay: Để bảo đảm chất lượng dự thảo luật, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã luôn đồng hành và giám sát quá trình xây dựng cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính; lắng nghe ý kiến của cộng đồng, các nhà khoa học, các chuyên gia và đặc biệt là của các DNNN là đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật.
Do đó, hiện nay cần góc nhìn từ DN, đóng góp ý kiến vào 6 nhóm chính sách quan trọng.
Thứ nhất là nhóm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư và DN. Thứ hai là về các chính sách đầu tư vốn nhà nước và DN. Thứ ba là các chính sách về hoạt động đầu tư của bản thân DN. Thứ tư là nhóm chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN. Thứ năm là nhóm các chính sách về cơ quan của người đại diện chủ sở hữu vốn và cuối cùng là nhóm chính sách về quản trị DN.
"DN trong nền kinh tế thị trường thì cạnh tranh bình đẳng, cùng một cuộc chơi, tuy nhiên đối với DNNN thì cũng có rất nhiều quy định ràng buộc, nên cần nâng cấp, đổi mới cũng như hiện đại hóa các cái công cụ quản trị DN", ông Lê Quang Mạnh nói.
Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá: Bộ Tài chính chuẩn bị rất công phu, nội dung bố cục khoa học, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế; tạo môi trường pháp lý trong quản lý, đầu tư của DN, trong đó có các DN quốc phòng, quân đội.
Dự thảo cũng kế thừa những thuận lợi cơ bản, khắc phục khó khăn sau 10 năm thực hiện Luật 69.
Thứ trưởng Vũ Hải Sản cho biết: Bộ Quốc phòng xác định là hoạt động DNNN trong quân đội hoạt động tất cả vì đất nước, vừa xây dựng tiềm lực quốc phòng, vừa phát triển kinh tế đất nước.
Bộ đã xây dựng Đề án sắp xếp lại DN quân đội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, DN Quốc phòng từ 104 hiện còn có 54 DN 100% vốn nhà nước. Trong số này có 40 DN trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và hoạt động gắn với nhiệm vụ quân sự quốc phòng trên 3 lĩnh vực: nhóm DN sản xuất sửa chữa vũ khí trang bị, nghiên cứu phát triển công nghiệp quốc phòng; nhóm DN đóng trên địa bàn chiến lược kết hợp lao động sản xuất với bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc; nhóm DN kinh tế quốc phòng.
"Mỗi nhóm DN đều có đặc thù riêng, vì vậy để bảo đảm quy định về quản lý sử dụng vốn tại các DN phải vừa đáp ứng yêu cầu, phù hợp hoạt động thực tiễn của quân đội, vừa phải phát triển kinh tế xã hội lại vừa bảo đảm quốc phòng an ninh", Thứ trưởng Vũ Hải Sản nói.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng; Ngân hàng Quân đội… đã tham gia ý kiến trực tiếp vào những nhóm chính sách chính có liên quan đến hoạt động của các DN như: chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư và DN; chính sách đầu tư vốn nhà nước và DN; chính sách về hoạt động đầu tư của bản thân DN; chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN; chính sách về cơ quan của người đại diện chủ sở hữu vốn và chính sách về quản trị DN.
Nhật Quang