Tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu
Tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu
Nếu như được hỏi rằng, tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ gì với lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu hay không, gần như chắc chắn tất cả các nhà đầu tư trên thị trường đều đồng ý rằng chúng có mối liên hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, có lẽ ít ai để ý mối liên hệ này trên thực tế được thể hiện như thế nào. Bài viết này sẽ cung cấp một góc nhìn mới về mối quan hệ giữa lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu và tăng trưởng kinh tế (GDP), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo kinh tế đối với hiệu quả đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu
Có một công thức khá đơn giản biểu thị mối quan hệ giữa giá cổ phiếu (P-price) và các biến số bao gồm lợi nhuận doanh nghiệp (E-earning) và tổng sản phẩm trong nước (GDP):
P = P/E x E/GDP x GDP, trong đó:
* P: Giá cổ phiếu
* P/E : Tỷ số giá trên lợi nhuận
* E/GDP: Lợi nhuận doanh nghiệp/GDP
* GDP: Tổng sản phẩm quốc nội
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa kinh tế của công thức này, chúng ta cùng tìm hiểu một số cấu phần trong công thức:
- Tỷ số giá trên lợi nhuận (P/E): Là một thước đo quan trọng, nó cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho mỗi đồng lợi nhuận của doanh nghiệp. Chỉ số này, bên cạnh việc phản ánh kỳ vọng vào yếu tố nội tại doanh nghiệp còn phản ánh các yếu tố bên ngoài như rủi ro và bất ổn của môi trường kinh doanh, lãi suất, kỳ vọng lạm phát, chu kỳ kinh tế, chính sách tiền tệ, tài khóa.
- Lợi nhuận doanh nghiệp/GDP: Đo lường mức độ mà lợi nhuận của doanh nghiệp đóng góp vào GDP, cho thấy mức độ mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành lợi nhuận. Khả năng này phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, đặc điểm ngành nghề trong mối quan hệ với cấu trúc nền kinh tế, chu kỳ kinh tế, môi trường kinh doanh, chính sách thuế, yếu tố đổi mới và công nghệ. Nhìn chung, trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao, hầu hết các ngành đều mở rộng và có lợi nhuận, tuy nhiên, vẫn có những ngành vượt trội hơn phần còn lại (công nghệ, tiêu dùng,…). Ngược lại, trong giai đoạn suy thoái, hầu hết các ngành đều suy giảm lợi nhuận, tuy nhiên, vẫn có những ngành chống chịu tốt trong khủng hoảng và vẫn có tăng trưởng (thực phẩm, y tế, tiện ích công cộng,…).
Để hiểu động lực đằng sau sự biến động giá của cổ phiếu, hãy cùng biến đổi công thức ở trên theo một góc nhìn khác (lấy logarit 2 vế):
ln(P) = ln(P/E) + ln(E/GDP) + ln(GDP). Lúc này:
+ ln(P) chính là biến động giá của cổ phiếu hay lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu
+ ln(P/E) chính là tăng trưởng P/E của doanh nghiệp
+ ln (E/GDP) chính là mức độ mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành lợi nhuận
+ ln(GDP) chính là tăng trưởng kinh tế
Như vậy, lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu = tăng trưởng P/E của doanh nghiệp + mức độ mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành lợi nhuận + tăng trưởng kinh tế. Từ đó, có thể thấy rằng, tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp và gián tiếp lên lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu.
Chu kỳ kinh tế và dự báo chu kỳ kinh tế
Chu kỳ kinh tế là các giai đoạn mà một nền kinh tế trải qua, có tính chất lặp đi lặp lại bao gồm mở rộng, đỉnh, suy thoái, và phục hồi:
- Giai đoạn mở rộng: Kinh tế tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập, tiêu dùng tăng, lạm phát ổn định hoặc tăng nhẹ, lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng.
- Giai đoạn đỉnh: Tăng trưởng đạt mức cao nhất, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng có dấu hiệu tăng lên do tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát tăng, doanh nghiệp bắt đầu khó khăn do cạnh tranh cao và chi phí tăng, thị trường chứng khoán đạt đỉnh và biến động mạnh.
- Giai đoạn suy thoái: Tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng, tiêu dùng giảm, lạm phát giảm, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm đáng kể hoặc thua lỗ, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh do sự sợ hãi và mất lòng tin.
- Giai đoạn phục hồi: Tăng trưởng bắt đầu tăng trở lại, thất nghiệp giảm dần, lạm phát ổn định hoặc tăng nhẹ, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, thị trường chứng khoán hồi phục nhờ kỳ vọng kinh tế tốt hơn.
Mặc dù về lý thuyết việc phân chia các chu kỳ kinh tế là khá rõ ràng, tuy nhiên, trên thực tế việc nhận biết và dự báo chu kỳ kinh tế là khá thách thức. Theo đó, có 3 phương pháp chính để dự báo kinh tế: (i) Thông qua mô hình kinh tế lượng (Econometric Modeling); (ii) Sử dụng bộ chỉ số kinh tế (Economic Indicators); (iii) Kiểm tra danh sách (Checklist).
Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm khác nhau và có thể được sử dụng trong những hoàn cảnh phù hợp. Tuy nhiên, đối với đại bộ phận nhà đầu tư cá nhân, phương pháp sử dụng chỉ số kinh tế (Economics Indicators) có lẽ là dễ tiếp cận và được sử dụng phổ biến nhất. Bộ chỉ số kinh tế thường bao gồm 3 nhóm chỉ số (i) Leading Indicators (các chỉ số nhận biết sớm); (ii) Lagging Indicators (các chỉ số xác nhận); (iii) Coincident Indicators (các chỉ số diễn biến đồng thời).
- Leading Indicators có thể bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, đầu tư tư nhân, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu dùng. Thay đổi, biến động của những chỉ số này có thể là gợi ý về một sự đảo chiều trong chu kỳ kinh tế.
- Lagging Indicators có thể bao gồm lợi suất trái phiếu hoặc chính là tăng trưởng GDP của quý trước, là những chỉ báo giúp xác nhận một chu kỳ kinh tế đã diễn ra.
- Coincident Indicators có thể bao gồm doanh thu bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong một khung thời gian ngắn hơn.
Mặc dù việc sử dụng các chỉ báo kinh tế rất hữu ích trong việc nhận biết và dự báo chu kỳ kinh tế, nhưng đôi khi việc sử dụng không đúng cách có thể dẫn đến những nhận định không chính xác. Để hạn chế các sai lầm có thể xảy ra, hãy sử dụng kết hợp các bộ chỉ số khác nhau, sử dụng bộ chỉ số leading để dự báo, lagging để xác nhận đồng thời kết hợp với các phương pháp phân tích khác, hỏi ý kiến chuyên gia để có những nhận định phù hợp nhất.
Tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu có mối quan hệ mật thiết. Hiểu rõ mối quan hệ này và biết cách dự báo chu kỳ kinh tế là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư chính xác hơn. Mỗi phương pháp dự báo kinh tế đều có những ưu và nhược điểm riêng, và việc lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc vào mục tiêu, kỹ năng và dữ liệu có sẵn của nhà phân tích. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và thực tế để hỗ trợ quá trình đầu tư của bạn trở nên hiệu quả hơn.
LH