Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực trong nửa cuối năm 2024
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực trong nửa cuối năm 2024
Trước kết quả tăng trưởng tích cực trong quý 2, các chuyên gia đánh giá, có nhiều yếu tố để kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ duy trì được đà tăng trong nửa cuối năm 2024.
Vượt qua nhiều thách thức từ tình hình quốc tế, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024. Nhiều chỉ số có mức tăng trưởng vượt các dự báo như GDP, xuất nhập khẩu.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6.93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7.99% của quý 2/2022 trong giai đoạn 2020-2024.
GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6.42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6.58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Trước tình hình khả quan trong 6 tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng, đang có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho đà tăng trưởng được duy trì trong nửa cuối năm.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, 6 tháng cuối năm vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và sẽ đạt được mốc tăng trưởng đề ra vào cuối năm, mức 6-6.5% là hoàn toàn khả thi.
“Tuy nhiên, trong năm 2024, câu chuyện không phải là tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế chắc chắn đạt được. Áp lực năm nay xoay quanh tỷ giá và lạm phát”, ông Huân nói thêm.
Tăng trưởng có cơ hội đạt mức cao hơn, lạm phát trong ngưỡng cho phép
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong nửa cuối năm 2024.
Trước hết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi rất tốt. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại sản xuất cũng như thành lập mới tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 6-7%.
Các doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo được đánh giá sẽ hồi phục tốt hơn trong quý 3 và cao hơn so với quý 2. Số doanh nghiệp có hợp đồng xuất nhập khẩu cũng tăng lên; trong đó, nhiều doanh nghiệp có thêm các hợp đồng xuất nhập khẩu trong quý 2 tốt hơn quý 1 và quý 3 sẽ tốt hơn quý 2. Lượng đơn hàng cũng tập trung được nhiều hơn.
Tình hình xuất - nhập khẩu đang rất tốt. Xuất khẩu tăng 14.5%, nhập khẩu tăng 17%.
Như chúng ta đã biết, quý 1 đạt mức tăng trưởng GDP 5.66% - cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Quý 2 tăng trưởng 6.93%, cũng là mức rất cao, chỉ thấp hơn năm 2022. Kinh tế đang được đánh giá tăng trưởng mạnh và giá cả ổn định, các cân đối vĩ mô cũng tốt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang cố gắng duy trì tỷ giá ở mức ổn định.
Trước đó, dự báo cho năm 2024, có 2 kịch bản tăng trưởng.
Phương án thứ nhất, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, giá cả hàng hóa có thể gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng; kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5.5-6.5%, lạm phát khoảng 3.2-3.5%.
Phương án thứ hai, kinh tế thế giới tăng trưởng tốt, giá cả ổn định, các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội để xuất khẩu cũng như dẩy mạnh tiêu dùng, sản xuất trong nước; GDP có thể tăng trưởng 6.3-7%, lạm phát khoảng 3.5-3.8%.
Sau nửa đầu năm, ông Thịnh cho rằng, phương án 2 hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn, cả năm 2024 có thể đạt mức 6.8-7.3%. Lạm phát lúc đó trong khoảng 3.8-4.1% tức vẫn nằm trong ngưỡng Quốc hội và Chính phủ cho phép, còn tăng trưởng có cơ hội đạt được mức cao.
Cần nhiều yếu tố thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong nửa cuối năm
Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Phân tích CTCK Shinhan Việt Nam (SSV) cho rằng, các trụ cột của nền kinh tế bắt đầu khởi động và thúc đẩy cho nền kinh tế tăng trưởng, tuy hơi chậm và chưa được như kỳ vọng. Kinh tế muốn tiếp tục đi lên, cần có những yếu tố thúc đẩy hơn nữa.
Từ đầu năm đến nay, PMI quanh ngưỡng 50, cho thấy nền kinh tế chưa thực sự có thay đổi đáng kể, IIP tăng khá tốt. Theo khảo sát của S&P Global, số lượng đơn hàng mới tăng, thúc đẩy sản lượng tăng. Tuy nhiên, chi phí đầu vào cao hơn làm cho giá bán tăng lên, cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong nửa sau năm 2024.
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp cũng lạc quan về kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2024. Gần như các doanh nghiệp đều thành công khi có lượng đơn hàng mới nên sẽ cố gắng khắc phục các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tương tự, trong hoạt động bán lẻ, chưa có sự tăng trưởng vượt bậc. Động lực chính cho tăng trưởng cho bán lẻ là hoạt động du lịch.
FDI đăng ký mới mạnh mẽ, tăng hơn 50%, cho thấy đà phục hồi nguồn vốn FDI đang giữ vững và vị thế Việt Nam trong thu hút FDI cũng giữ vững.
Với những gì đạt được trong những tháng qua, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6.5% trong năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Ly cho rằng, cần có thêm nhiều động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vào các trụ cột của nền kinh tế để có thể hoàn thành được mục tiêu đặt ra.
Đầu tiên, cần quyết liệt giải ngân đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm như Cao tốc Bắc - Nam, đường Vành đai 3, 4, Sân bay Long Thành giai đoạn 1. Việc đẩy mạnh đầu tư công không chỉ có tác động ngay lập tức đến việc thúc đẩy GDP mà còn giúp cho nền kinh tế có thể phục hồi, phát triển bền vững hơn trong thời gian dài. Về ngắn hạn hay dài hạn, việc đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng là một trong những điều đúng đắn ở giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, cầu tiêu dùng nội địa đang yếu, doanh số bán lẻ đang được thúc đẩy nhờ khách du lịch nước ngoài, nên cần có biện pháp để kích cầu tiêu dùng nội địa. Trước tiên là miễn giảm thuế, phí, lệ phí; với quy mô ngân sách miễn giảm trong 6 tháng cuối năm khoảng 98,000 tỷ đồng. Trong đó, giảm thuế VAT 2% tương ứng 24,000 tỷ đồng. Song song đó, NHNN tăng cường các gói hỗ trợ tín dụng như: Gói hỗ trợ cho ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản 30,000 tỷ đồng; đang xây dựng gói ưu đãi cho ngành lúa gạo; đẩy mạnh giải ngân chương trình 120,000 tỷ đồng.
Riêng về gói 120,000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội hiện mới chỉ giải ngân chưa đến 1%, một phần do thị trường bất động sản gặp khó khăn, vấn đề chính là pháp lý.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hơn 1,200 dự án đang vướng các vấn đề pháp lý. Vấn đề chính thứ nhất là định giá đất, thứ hai là về cấp thẩm quyền phê duyệt, thứ ba là quy hoạch đồng bộ các dự án. Nếu thúc đẩy được các Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở cũng là tín hiệu sớm cho việc phục hồi thị trường bất động sản khi các vấn đề pháp lý sớm được tháo gỡ.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi cũng sẽ giúp giải tỏa được áp lực cho ngân hàng, dù chưa có thống kê cụ thể trong số nợ xấu ngân hàng có bao nhiêu đến từ bất động sản.
Số liệu từ trái phiếu cũng là vấn đề đáng lo ngại. Tổng giá trị trái phiếu chậm trả cả gốc và lãi trong quý 1/2024 có 60% từ bất động sản. Áp lực tài chính của lĩnh vực bất động sản trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025 lớn. Thống kê cho thấy, 40% lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025.
Như vậy nếu thị trường bất động sản được khơi thông, sẽ giải tỏa được những lo lắng với lĩnh vực ngân hàng và thị trường tài chính nói chung. Do đó, vấn đề thứ ba là kỳ vọng các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ sớm được tháo gỡ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến 24/06/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4.45%. NHNN cũng đã có công văn yêu cầu làm sao giảm được 1-2% lãi suất cho vay và phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, trong nửa cuối năm, sẽ phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh bất động sản còn khó khăn sẽ là khó khăn không hề nhỏ.
Nếu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng số hóa vào hoạt động cho vay để tiết giảm chi phí thì có thể giảm lãi suất cho vay khoảng 0.5-1% trong nửa cuối năm 2024. Nếu lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm trong nửa cuối năm, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường bất động sản đang khó khăn.
Bà Ly đánh giá, nếu có thể giải quyết được các vấn đề trên trong nửa cuối năm, đẩy mạnh được chi tiêu tài khóa, tăng trưởng tín dụng, thu hút FDI và xuất khẩu, sẽ duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Tính chung cả năm 2024, có thể tăng trưởng GDP được 6%, lạm phát kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu từ 4-4.5%.
Cát Lam