Duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD hỗ trợ hiệu quả cho việc ổn định tỷ giá
Duy trì lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD hỗ trợ hiệu quả cho việc ổn định tỷ giá
Ông Pyon Young Hwan đánh giá việc kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND.
Ngày 17/07/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng USD.
Tại cuộc họp, NHNN cho biết đã kết hợp linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đưa lạm phát từ mức hai con số xuống một con số và duy trì ở mức thấp. Đồng thời, phương châm đảm bảo nắm giữ VND có lợi hơn USD được NHNN tập trung kiên định triển khai trong điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất và tỷ giá.
Theo đó, NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD 1%/năm đối với tổ chức vào năm 2010 và 3%/năm đối với cá nhân vào năm 2011 và điều chỉnh giảm dần về mức 0%/năm từ cuối năm 2015.
NHNN cho biết việc áp dụng chính sách lãi suất USD 0% là một trong các giải pháp đồng bộ mà NHNN triển khai để ổn định thị trường ngoại hối, neo kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế VND.
Nhờ chính sách này, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh. Tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11.06% năm 2014 xuống khoảng 6.05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng có xu hướng giảm.
Từ năm 2016 đến nay, NHNN đã mua ròng khoảng 48.2 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong đó, tính riêng từ năm 2016-2021, NHNN mua ròng khoảng 71 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, chống đô la hóa, từng bước chuyển dịch quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, nâng cao vị thế VND. Nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước, thể hiện qua hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ dưới 100% và giảm đều qua các năm từ mức 77.43% năm 2016 xuống mức 52.65% đến tháng 6/2024.
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và Phái sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam
|
Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách mảng Giao dịch ngoại hối và Phái sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam đánh giá gần 10 năm qua, chính sách lãi suất USD 0% có tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô. Nhờ áp dụng chính sách này, tỷ lệ đô la hoá đã giảm mạnh trong nền kinh tế.
Ngoài ra, việc áp dụng chính sách lãi suất này cũng góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn FII và FDI, nền kinh tế dịch chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, từ đó nâng cao vị thế của VND.
Vì vậy, việc kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND.
Hiện nay, lãi suất USD trên thế giới đang ở mức cao nhưng trong trung - dài hạn, lãi suất USD liên ngân hàng trên thị trường Mỹ sẽ ở mức khoảng 2.25-2.3%, và Việt Nam có thể duy trì trung hạn lãi suất tiền gửi 0% với USD.
Mặt khác, đích đến của chính sách lãi suất là cần đảm bảo người dân nắm giữ VND phải có lợi hơn cầm USD. Để đảm bảo nguyên tắc này, lãi suất tiền gửi VND phải cao hơn nhiều so với lãi suất USD. Còn nếu tăng trần lãi suất tiền gửi USD để huy động nguồn tiền trong dân, có thể tạo tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, từ đó tác động bất lợi lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất VND.
Để hạn chế rủi ro từ xu hướng tỷ giá tăng, ông Pyon Young Hwan khuyến cáo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, nên sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính như hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng hoán đổi. Đây là những công cụ giúp doanh nghiệp có thể cố định tỷ giá cho các giao dịch trong tương lai, bảo vệ doanh nghiệp trước những biến động tỷ giá và giảm thiểu rủi ro tài chính.
Cát Lam