ĐHĐCĐ SGS: Đại diện cổ đông lớn GLS bỏ về sớm, nghị quyết không được thông qua

ĐHĐCĐ SGS: Đại diện cổ đông lớn GLS bỏ về sớm, nghị quyết không được thông qua

Sáng ngày 10/07, CTCP Vận tải biển Sài Gòn (UPCoM: SGS) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 với nhiều diễn biến "nóng hổi" khi liên tục diễn ra những tranh luận chủ yếu xoay quanh thể lệ đại hội, BCTC kiểm toán năm 2022, 2023 chậm công bố, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT. Hầu hết các tờ trình đại hội không được thông qua. Đỉnh điểm, nghị quyết đại hội cũng không được thông qua.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của SGS diễn ra vào sáng này 10/07/2024

Những khúc mắc trong thể lệ làm việc và biểu quyết của đại hội

Tại đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ sự thắc mắc đối với điều 4.12 quy định về biên bản, nghị quyết ĐHĐCĐ trên Dự thảo thể lệ làm việc và biểu quyết ĐHĐCĐ: “Tất cả các nội dung tại ĐHĐCĐ phải được thư ký đại hội ghi vào biên bản họp ĐHĐCĐ. Biên bản họp ĐHĐCĐ và nghị quyết ĐHĐCĐ phải được đọc và thông qua trước khi bế mạc đại hội. Để làm rõ, không phụ thuộc vào kết quả biểu quyết từng phần trước đó, biên bản họp và nghị quyết toàn văn của ĐHĐCĐ được thông qua khi có số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận có giá trị pháp lý cuối cùng và có hiệu lực thi hành đối với tất cả cổ đông Công ty và với Công ty”.

Một cổ đông phản đối và cho rằng: “Sự khuất tất ở điều 4.12 bản chất là biểu quyết hai lần, khi đó phía Chủ tọa đoàn cảm thấy bất lợi và sẽ biểu quyết lần hai để phủ quyết”.

Đồng thời, ông đề nghị chủ tọa đoàn sửa lại điều 4.12, bỏ việc thông qua toàn văn lần hai và biên bản cuộc họp bắt buộc phải được thông qua với ý nghĩa đầy đủ các điều đã diễn ra tại đại hội.

Một cổ đông khác cũng có ý kiến: “Trên góc độ kinh tế của cổ đông nhỏ, những mục đã thông qua rồi, tới phần cuối cùng với đặc thù có hai cổ đông lớn thì khi thấy không vui sẽ phủ quyết, vậy chúng tôi đi về chứ ngồi ở đây không có ý nghĩa".

Trước những thắc mắc trên, đại diện SGS cho biết, đây là điều không phải mới, đã tồn tại ở thể lệ làm việc tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cũng thông qua biểu quyết từng phần, sau đó mới thông qua toàn văn biểu quyết đại hội.

Khi đó, có cổ đông lớn là Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp Vận Toàn Cầu (GLS) đã phủ quyết và không phụ thuộc vào tính chính xác. Nghị quyết toàn văn ĐHĐCĐ cũng bị phủ quyết.

Đại hội sau đó lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này và kết quả đa số tán thành việc không thông qua thể lệ làm việc và biểu quyết ĐHĐCĐ. Vì vậy, đại hội nhất trí điều chỉnh lại điều 4.12 thành nội dung: "Tất cả các nội dung tại ĐHĐCĐ phải được thư ký đại hội ghi vào biên bản họp ĐHĐCĐ. Biên bản họp ĐHĐCĐ phải được đọc và thông qua trước khi bế mạc đại hội".

Chưa thể phát hành BCTC kiểm toán năm 2022 và 2023

Trong các tờ trình tại đại hội, có tờ trình liên quan đến việc thông qua BCTC riêng và hợp nhất ở những năm trước đó là 2022 và 2023, nhiều cổ đông cũng đưa ra những thắc mắc về việc chưa được kiểm toán nhưng lại trình thông qua.

Tại đại hội, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) đã trực tiếp trả lời về vấn đề này.

Cụ thể, đại diện AASCS cho biết: “Ngày hôm qua, Ban điều hành có họp với phía kiểm toán và có nhiều văn bản phản hồi với kiểm toán. Phía kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán rồi nhưng Ban điều hành chưa ký, vì còn một số điểm sai sót trong báo cáo, do đó hai bên thống nhất gửi lại một bản điều chỉnh để bên kiểm toán ra báo cáo hoàn chỉnh”.

Đại diện AASCS cũng nhấn mạnh rằng: “Phía kiểm toán đã ra ý kiến ngoại trừ với BCTC của SGS, nhưng Ban điều hành vẫn chưa gửi văn bản về những phần điều chỉnh chủ yếu theo ý kiến của kiểm toán nên chưa phát hành được. Do đó, nói là lỗi từ phía kiểm toán phát hành chậm là không đúng”.

Thời điểm năm 2022, HĐQT SGS đã quyết định chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC cho các báo cáo năm 2022 của SGS cũng như công ty con Công ty TNHH Liên doanh Giao nhận Kho vận Bình Minh (JVS) do SGS sở hữu 100% vốn.

Tuy nhiên, quyết định phúc thẩm tháng 9/2023 của Tòa án Nhân dân TPHCM đã hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 của SGS nên việc lựa chọn đơn vị kiểm toán nêu trên là không hợp lệ theo quyết định của Tòa án. Vì vậy, BKS SGS đã trình cổ đông để chọn đơn vị kiểm toán của cả SGS và JVS vào giữa tháng 5 vừa qua.

Ngày 15/05/2024, SGS đã lựa chọn AASCS làm đơn vị kiểm toán cho các BCTC riêng và hợp nhất của SGS các năm 2022, 2023 và 2024 (bao gồm bán niên và cả năm).

Tranh cãi nảy lửa khi hạ màn, nghị quyết đại hội không được thông qua

Trong các nội dung và tờ trình đại hội, chỉ có duy nhất nội dung liên quan đến việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Lê Minh được thông qua, còn lại đều không được tán thành, khả năng cao đến từ các phiếu không tán thành của cổ đông Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp Vận Toàn Cầu (GLS).

Đáng chú ý, ngoài ông Lê Minh có 3 tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT khác gồm ông Phạm Văn Hưởng, ông Nguyễn Văn Long, bà Huỳnh Như Ý và tờ trình miễn nhiệm thành viên BKS đối với bà Dương Thị Kim Kiều không được thông qua.

Theo trình tự, đại hội tiếp tục tiến hành bầu bổ sung vị trí thành viên HĐQT còn thiếu, tuy nhiên lại gặp phải vô vàn khó khăn và tranh cãi nảy lửa.

Mở đầu là sự biến mất của một trong ba thành viên ban kiểm phiếu là ông Nguyễn Quang Việt. Sau đó, đại hội có tiến hành bầu bổ sung vị trí này nhưng không đủ tỷ lệ biểu quyết thông qua.

Từ đó kéo theo nhiều sự tranh cãi giữa Chủ tọa đoàn và cổ đông, thậm chí tranh cãi giữa các Chủ tọa đoàn thuộc hai cổ đông lớn là GLS và công ty mẹ Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (SAMCO) về việc có tiếp tục bỏ phiếu bầu bổ sung thành viên HĐQT hay không, sau đó đại diện GLS đề nghị hủy đại hội và bỏ về giữa chừng.

Đại hội kéo dài đến buổi chiều và vắng vẻ về cuối khi nhiều cổ đông đã đồng loạt bỏ về

Đáng nói hơn, Trưởng ban kiểm phiếu là ông Phạm Hoài Huấn cũng đã bày tỏ sự lo ngại về tính pháp lý của việc bầu cử.

Sau nhiều khó khăn, đại hội vẫn tiến hành bỏ phiếu bầu sung thành viên HĐQT, khép lại với việc bà Lê Thị Thanh Thuận vượt qua 3 ứng viên còn lại và đắc cử.

Tuy nhiên, ông Huấn lại có ý kiến liên quan đến biên bản kiểm phiếu: "Thứ nhất, ông Việt đã bỏ về, đại hội tiến hành bầu bổ sung nhưng không được. Thứ hai là các cổ đông bỏ về, la ó, phản đối và đại hội có dấu hiệu tiến hành không công bằng, chỉ có ông Phan Phương Đông kiểm phiếu. Thứ ba, tôi chưa được Chủ tọa trả lời về việc tôi có còn là Trưởng ban kiểm phiếu hay không".

Theo bản giới thiệu ứng viên được công bố, bà Thuận được công ty mẹ SAMCO đề cử. Bà không trực tiếp sở hữu cổ phiếu SGS nào và cũng không có người liên quan đang nắm giữ cổ phiếu, lợi ích liên quan cũng như quyền lợi mâu thuẫn với SGS.

Cá nhân bà Thuận hiện đang giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc SGS và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Giao nhận Kho vận Bình Minh.

Kết cục, nghị quyết ĐHĐCĐ không được thông qua do không đủ tỷ lệ.

Huy Khải

FILI