ĐHĐCĐ TMS: Cơ sở nào để đặt mục tiêu lãi trước thuế gấp đôi?

ĐHĐCĐ TMS: Cơ sở nào để đặt mục tiêu lãi trước thuế gấp đôi?

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Transimex (HOSE: TMS) thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 419 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện năm trước. Công ty đặt nhiều kỳ vọng vào dự án kho lạnh trong bối cảnh ngành logistics năm qua gặp nhiều khó khăn.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của TMS tổ chức ngày 25/04/2024 - Ảnh: Huy Khải.

Kế hoạch lãi trước thuế gấp đôi

Năm 2024, TMS đặt kế hoạch kinh doanh thu thuần hơn 2,895 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 419 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 95% so với thực hiện 2023.

TMS cho biết tập trung phát triển kinh doanh và tái cơ cấu dịch vụ, tổ chức nhân sự tại các công ty khác mà TMS đang là cổ đông chi phối, công ty mẹ tại khu vực miền Bắc như CTCP Cảng Mipec, CTCP Giao thông Vận tải Ngoại thương, CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại. Đàm phán và thoái vốn khoản đầu tư tại Công ty liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam).

Bên cạnh đó, đầu tư giai đoạn 2 trung tâm logistics Thăng Long, đẩy nhanh tiến độ dự án trung tâm logistics Vĩnh Lộc, giai đoạn 2 kho lạnh tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An cũng như chuẩn bị khai thác dịch vụ khi đưa vào sử dụng.

"Với giai đoạn 2 kho lạnh tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, TMS hy vọng cuối tháng 6/2024 sẽ khai trương và hoàn chỉnh đầu tư", ông Bùi Tuấn Ngọc - Chủ tịch HĐQT TMS chia sẻ.

Đặt nhiều kỳ vọng vào dự án kho tại Long An

Dự án kho lạnh tại Long An có 55 ngàn vị trí pallet (kệ kê hàng), lớn hơn bất kỳ kho nào của TMS hiện nay và có 40 ngàn vị trí pallet tại kho đông, được Chủ tịch TMS nhận định: “Đỉnh mái cao 45m sẽ giữ vị trí chiều cao kho đứng đầu Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều năm nữa”.

Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, dự án có vị trí thuận lợi, đặt tại khu vực nối liền 11 tỉnh Đồng bằng Công Cửu Long với TPHCM. Việc xây dựng chia làm hai phần, gồm truyền thống về kho và tối ưu hóa về hệ thống tự động, 40 ngàn pallet trong kho tự động làm việc với 5 robot.

Với giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, phần kho đông có tỷ lệ lấp đầy 90 - 99%. Sắp tới Công ty đưa vào vận hành giai đoạn 2 từ tháng 5, 6/2024. Dự kiến trong năm đầu tiên đi vào vận hành, Logistics Long An dự kiến đóng góp 23 tỷ đồng cho TMS.

Chủ tịch Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ thêm: “Ở Long An, với sản lượng lên đến 55 ngàn pallet thì nếu vận hành 80 - 85% công suất thì không quá khó khăn để đạt được 80 tỷ đồng lãi trước thuế/năm. Còn tại VSIP II, nếu xây dựng xong mô hình thì sản lượng sẽ cao hơn trước, qua đó lãi trước thuế 50 - 70 tỷ đồng hoàn toàn trong khả năng, đặc biệt khi Logistics Vĩnh Lộc nếu xây dựng trên khu đất 5ha này thì lãi có thể trên 100 tỷ đồng/năm là không khó khăn”.

Thay đổi mục đích sử dụng vốn thu từ chào bán cổ phiếu

Đối với đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ kết thúc ngày 31/12/2021, TMS điều chỉnh mục đích sử dụng vốn từ thực hiện dự án cảng cạn Transimex tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên sang đầu tư mua tàu vận tải biển container và nhận chuyển nhượng 99.98% phần vốn góp của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại khu công nghiệp VSIP II, tỉnh Bình Dương, giá trị 60 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý 2 hoặc 3/2024.

Về khoản góp vốn này, Chủ tịch TMS cho biết: “TMS đã mua mảnh đất khoảng 3.5ha trong khu công nghiệp VSIP II, đang xin phép làm kho tổng hợp, kho điều chỉnh nhiệt độ. Tuy nhiên, TMS sử dụng một công ty bên ngoài để mua và dự kiến sẽ thực hiện các thủ tục để chuyển về tên của TMS".

Giảm giá trị trái phiếu phát hành

Bên cạnh đó, TMS sẽ dừng phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi CTCP Trasimex 2020 ra công chúng thông qua hồi ĐHĐCĐ thường niên 2023. Công ty cho biết, do tình hình thị trường tài chính từ nửa cuối 2023 đến nay chưa phù hợp để thực hiện, đồng thời nhu cầu vốn thay đổi.

Mặt khác, TMS thay đổi phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra công chúng tối đa 700 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua. Cụ thể tại đại hội này, TMS giảm giá trị phát hành còn 400 tỷ đồng để phù hợp với phương án sử dụng vốn trong năm 2024 và tăng tính thuyết phục của các hồ sơ giải trình mục đích sử dụng vốn.

* Nhiều thay đổi tại các phương án huy động vốn của TMS

Nhiều công ty thành viên kinh doanh không hiệu quả

Trước câu hỏi về kết quả kinh doanh của các công ty thành viên hoạt động không hiệu quả, theo Chủ tịch TMS, một phần cổ tức rất quan trọng đối với TMS đến từ liên doanh Nippon Express (Việt Nam). Tuy nhiên, năm 2023, Nippon Express đã không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt gần 30% và cách xa rất nhiều so với kết quả 2022.

Ông Ngọc cho biết đây là tình hình chung của ngành logistics Việt Nam năm qua khi không có công ty nào đạt lợi nhuận như kế hoạch. Toàn ngành gặp khó khăn về sản xuất, tất cả chuỗi cung ứng về may mặc, dày da, đồ gỗ đều bị ách tắc, kể cả hàng xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Tình hình chiến tranh diễn ra cũng làm các hãng tàu biển tăng giá đột ngột, khiến nhiều công ty xuất nhập khẩu phải tạm ngừng.

Ngoài ra, còn nhiều công ty lỗ lâu hơn dự kiến, điển hình như CTCP Cảng Mipec đang lỗ do chưa lấp đầy được sản lượng hàng tuần vào cảng, một số hãng tàu chưa lựa chọn. Ông hi vọng sẽ cải thiện từ lỗ 130 tỷ đồng xuống còn dưới 30 tỷ đồng hàng năm trong 2024. Ông Ngọc đánh giá khả thi trong bối cảnh gần đây TMS đã ký hợp đồng với một hãng tàu với tần suất 2 tuần/chuyến.

Nói về khoản lỗ lớn những năm trước, Chủ tịch TMS cho biết, Mipec là số ít công ty cảng thực hiện đóng tiền sử dụng đất 1 lần cho 50 năm, đầu tư bài bản, do đó chi phí để hoàn thành cảng là rất cao, trong đó có lãi suất vay. TMS đã làm việc với ngân hàng để tái cấu trúc khoản vay, giảm lãi suất và đồng thời đã đóng thêm vốn tiền mặt để giảm lãi phát sinh trong năm 2022 và 2023.

Với CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại (Transco), năm 2023 cũng lỗ do 2 tàu hàng rời lão hóa buộc phải thanh lý vào cuối năm 2023 và có lãi từ thanh lý. Hiện nhân sự tại Transo chỉ còn 11 người, kể cả lái xe. “Hy vọng năm 2024 sẽ mua tàu container mới để hợp với tàu Transimex Sun để trở thành một cặp tàu, khai thác hiệu quả trong mọi tình huống”, ông Ngọc chia sẻ.

Chủ tịch TMS cũng nhắc đến những thành viên khác như CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (VNT), CTCP Giao nhận Vận tải Miền Trung (Vinatrans Đà Nẵng), Công ty TNHH Trung tâm phân phối Transimex (DC) ghi nhận kết quả khó khăn, bên cạnh CTCP Dịch vụ Logistics Thăng Long (Thăng Long Logistics) dù có lãi nhưng không đạt kế hoạch.

Ngoài ra, TMS còn có những chi phí chờ dự án 3-4 năm vẫn chưa triển khai được, như Trung tâm Logistics Vĩnh Lộc trên diện tích đất 5ha, hợp tác cùng cổ đông chiến lược Cholimex. Chủ tịch TMS kỳ vọng trong năm 2024, cùng với Cholimex đẩy nhanh tiến độ dự án này.

“Lỗi lớn là do cá nhân tôi đã chủ quan, nghĩ một mảnh đất trong khu công nghiệp hơn 30 năm nay thì đặt kho ở đó sẽ cực kỳ dễ dàng, nhưng thực tế không như vậy, các thủ tục xây dựng cơ bản ngày càng khó khăn trong khi vẫn phải trả tiền thuê đất”, Chủ tịch TMS trải lòng.

Dòng tiền không đủ để thực hiện cổ tức 2023 theo kế hoạch ban đầu

Trước câu hỏi của cổ đông về việc chia cổ tức thấp hơn kế hoạch 15-20% đã thông qua tại đại hội năm trước, Giám đốc tài chính Lê Văn Hùng cho biết với 191 tỷ đồng lãi sau thuế trên báo cáo tài chính riêng thì tỷ lệ phân phối tối đa là 12% cổ phiếu lưu hành. Còn việc chia tiền mặt tỷ lệ 5% và cổ phiếu tỷ lệ 7% dựa trên kế hoạch dòng tiền hoạt động kinh doanh 2024.

Chủ tịch TMS bổ sung thêm dù mong muốn chi trả 15-20%, nhưng Công ty không đạt được kế hoạch kinh doanh 2023, hụt đến mức không đủ bù thêm 3% nữa để chia cổ tức, đồng thời cũng ko thể vượt qua những rào cản, quy định và muốn chia bao nhiêu thì chia. Năm 2023 TMS đã phát hành cổ phiếu dẫn đến pha loãng và không đủ tiền để chia cổ tức như kế hoạch ban đầu.

Cho năm 2024, TMS tiếp tục đặt kế hoạch cổ tức tỷ lệ 15-20%, hình thức chưa được quyết định.

Bầu thành viên BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028

Đại hội thông qua miễn nhiệm Trưởng BKS Lê Thị Ngọc Anh từ ngày 25/04/2024. Trước đó, bà Ngọc Anh đã nộp đơn xin từ nhiệm vào ngày 01/03/2024 vì lý do cá nhân.

Nguyễn Kim Hậu được bổ sung vào BKS nhiệm kỳ 2023-2028. Bà Hậu hiện còn là Thành viên BKS CTCP Thương mại Phú Nhuận, quyền Tổng Giám đốc CTCP Vinaprint, Tổng Giám đốc CTCP Thủy Đặc Sản, Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ Bến Thành, Trưởng BKS CTCP Merufa.

Huy Khải

FILI