Dân Zimbabwe chuyển sang mua sắm ban đêm vì siêu lạm phát

Dân Zimbabwe chuyển sang mua sắm ban đêm vì siêu lạm phát

Do eo hẹp tiền mặt, người dân Zimbabwe đang ngày càng chuyển sang mua sắm hàng tạp hóa từ các nhà cung cấp không chính thức.

Sau khi mặt trời lặn ở Harare, đường phố ở thủ đô của Zimbabwe bỗng bừng lên sức sống.

Những chiếc xe đẩy, xe hơi cỡ nhỏ và xe tải trở thành các cửa hàng tạm bợ, không được cấp phép, bán đủ thứ từ khoai tây đến tã lót trẻ em trên vỉa hè ở trung tâm thành phố.

Người dân Zimbabwe xem đây là cách mua sắm tốt nhất trong thời kỳ siêu lạm phát và kinh tế khó khăn vì với rất ít hoặc không phải trả chi phí, những người bán hàng rong trên đường phố có thể bán rẻ hơn so với những siêu thị lớn.

“Mọi thứ ở bên ngoài luôn rẻ hơn. Tôi có thể tiết kiệm tiền”, Blessing Steven, một tài xế taxi 23 tuổi, nói khi mua một chai nước trái cây với giá 0.5 đô la Mỹ ở một quán ven đường thay vì mua trong siêu thị với giá 1 đô la Mỹ.

Người bán nước trái cây, Shingirirai Goriondo, 23 tuổi, cho biết anh có nhiều khách hàng hơn so với cửa hàng bán lẻ trước mặt.

“Tất cả đồ uống tôi bán ở đây đều bị tính giá gấp đôi ở đó”, anh nói và chỉ vào một chi nhánh của chuỗi siêu thị Foodworld.

Lạm phát đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi Zimbabwe chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và quốc hội dự kiến sẽ diễn ra ​​vào tháng 8.

Chính thức chạm mốc hơn 280% vào tháng Tư, các nhà phân tích ước tính tỷ lệ lạm phát trên thực tế ở quốc gia này hiện trên mức 700%.

Các nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là do đồng nội tệ mất giá mạnh trên thị trường chợ đen - nơi diễn ra hầu hết các giao dịch.

Chỉ mới tháng trước, đồng đô la Zimbabwe được giao dịch ở mức khoảng 1,000 đổi được 1 đô la Mỹ.

Ngày nay, một đô la Mỹ có giá từ 3,800 đến 4,000 đô la Zimbabwe trên đường phố, mặc dù tỷ giá chính thức là 1,888.

Tình hình đã khiến giá cả ở các siêu thị tăng “điên cuồng” đến mức trong những ngày gần đây nhân viên phải liên tục thay đổi giá hàng hóa mỗi sáng để cố gắng theo kịp tỷ giá hối đoái.

Điều này gợi lại những ký ức về năm 2008, khi siêu lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát đến nỗi những người đi ăn nhà hàng sẽ thấy giá bữa tối của họ thay đổi trước khi họ… xong bữa.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe thậm chí đã phát hành một tờ tiền trị giá 100 nghìn tỷ đô la – mà giờ đây là vật phẩm của dân sưu tầm.

Chính phủ cuối cùng đã buộc phải bỏ đồng nội tệ và sử dụng đồng đô la Mỹ như một đồng tiền hợp pháp.

Đồng đô la Zimbabwe đã được hồi sinh vào năm 2019, nhưng nó dường như đang phải chịu nhiều căn bệnh giống như lần trước.

Hầu hết người dân Zimbabwe thích mua bán, được trả lương và gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ.

Nhiều người nhận được lương bằng tiền địa phương liền đổ xô ngay đến các cửa hàng đổi tiền vào ngày trả lương.

“Mua hàng tạp hóa từ siêu thị bằng đồng tiền của chúng tôi hiện nay rất đắt đỏ”, Tarisai Bera, 36 tuổi, đang mua nhiều loại đồ vệ sinh cá nhân từ một người bán hàng rong, cho biết.

Bera nói các cửa hàng ở Kerbside chỉ nhận đồng đô la Mỹ và giá cả ở đó "hiếm khi thay đổi".

Việc buôn bán trên đường phố trở nên nhộn nhịp hơn sau khi trời tối vì có ít cảnh sát đi vòng quanh kiểm tra hơn. Và dĩ nhiên, hầu hết các gánh hàng rong đều không được phép hoạt động.

"Nếu đến sớm hơn, chúng tôi có thể bị tịch thu hàng hóa và bị phạt", Julius Munyanyi, một người bán hàng cho biết.

Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để ổn định nền kinh tế, bao gồm phát hành các đồng tiền vàng và tung ra một loại tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bằng vàng nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công.

Lãi suất chính của Ngân hàng Trung ương hiện ở mức 140%. Cựu Bộ trưởng Tài chính Tendai Biti, hiện là một chính trị gia đối lập, đã đổ lỗi cho người đương nhiệm, ông Mthuli Ncube, về phần lớn sự hỗn loạn hiện tại.

“Bộ Tài chính lẽ ra đóng vai trò gác cổng đã trở thành kẻ phá cổng”, Biti viết trên Twitter vào tuần trước.

Trong khi đó, Tổng thống Emmerson Mnangagwa lại “đổ thừa” cho các doanh nghiệp yêu thích đồng đô la Mỹ.

"Người lao động ở Zimbabwe hiện đang bị buộc phải mua những thứ cơ bản được định giá độc quyền bằng ngoại tệ", Mnangagwa viết trên một tờ báo được xuất bản hàng tuần vào đầu tháng này.

Những người khác, như nhà kinh tế học lại Prosper Chitambara, tin rằng sự “hào phóng” trước cuộc bầu cử của ông Mnangagwa có thể liên quan đến cuộc khủng hoảng khi công nhân được tăng lương… 100% hồi tháng Ba.

Dù lý do là gì đi nữa, công việc kinh doanh của những người buôn bán trên đường phố như Munyanyi vẫn phát đạt.

"Khách hàng thấy khả thi khi mua hàng của chúng tôi. Chúng tôi thực sự không có sự cạnh tranh", ông nói.

Còn Mike Mashuro, 51 tuổi, thì cho rằng mua hàng từ siêu thị là "phí tiền", sau khi mua một chai dầu ăn từ gian hàng của Munyanyi.

Nhã Thanh (Theo IBTimes)

FILI