Toàn cảnh tình hình kinh tế xã hội Việt Nam tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023
Toàn cảnh tình hình kinh tế xã hội Việt Nam tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023
Do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn nên đã tác động đến các hoạt động kinh tế trong nước. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa hay thu ngân sách đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 2.2% so với tháng 4 nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8.1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2.5%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10.86 tỷ USD, giảm 7.3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 103.4 ngàn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769.6 ngàn tỷ đồng, bằng 47.5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262.54 tỷ USD, giảm 14.7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11.6%; nhập khẩu giảm 17.9%. Tuy nhiên có điểm sáng là cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9.8 tỷ USD.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3.55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4.83%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 61.9 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 568.7 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 405.9 ngàn lao động, giảm 1.6% về số doanh nghiệp, giảm 25.3% về vốn đăng ký và giảm 7.2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Nhật Quang