Thị trường trái phiếu châu Á lần đầu tiên bị khối ngoại rút ròng sau 6 năm

Thị trường trái phiếu châu Á lần đầu tiên bị khối ngoại rút ròng sau 6 năm

Năm 2022, thị trường trái phiếu châu Á, không tính Trung Quốc, ghi nhận dòng vốn ngoại bị rút ra lần đầu tiên sau 6 năm, do các ngân hàng trung ương lớn mạnh tay tăng lãi suất để kiểm soát áp lực lạm phát.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng số trái phiếu với tổng trị giá 4.89 tỷ USD ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan, đánh dấu năm đầu tiên rút vốn kể từ năm 2016, theo dữ liệu từ các hiệp hội thị trường trái phiếu và cơ quan quản lý.

Dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi trái phiếu châu Á lần đầu tiên sau 6 năm

Trái phiếu của Indonesia bị rút 8.86 tỷ USD trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2014. Trái phiếu Malaysia và Ấn Độ bị bán ròng lần lượt 2.1 tỷ USD và 2.02 tỷ USD.

Tuy nhiên, lượng vốn rút ra khỏi trái phiếu khu vực này chỉ là 856 triệu USD trong tháng 12/2022, thấp hơn nhiều những tháng trước đó, do lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm mạnh. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua trái phiếu của Indonesia và Thái Lan lần lượt khoảng 1.7 tỷ USD và 1.04 tỷ USD.

“Trái phiếu Indonesia được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong môi trường lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và đồng USD suy yếu. Nhà đầu tư nước ngoài có thể tích trữ trái phiếu Thái Lan với kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc tới đây sẽ phục hồi hoàn toàn trong thời gian tới”, Duncan Tan, chiến lược gia tại ngân hàng DBS, nói.

Ngược lại, trái phiếu Hàn Quốc phải chứng kiến đợt rút vốn lớn nhất trong gần 4 năm qua trong tháng 12/2022, do lượng trái phiếu đáo hạn vào cuối năm ngoái tăng lên.

Dòng vốn đầu tư của nước ngoài vào thị trường trái phiếu châu Á

trong tháng 12/2022

Giới phân tích ngày càng kỳ vọng dòng vốn sẽ quay trở lại thị trường trái phiếu khu vực này trong năm 2023 khi những lo ngại về lạm phát đã dịu bớt.

Giá tiêu dùng tại Mỹ đã giảm lần đầu tiên sau hơn hai năm rưỡi vào tháng 12/2022, dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm nay.

Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ, cho biết: “Các điều kiện có vẻ thuận lợi để dòng tiền quay trở lại vào năm 2023. Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, đồng USD đã đạt đỉnh và quan trọng là việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy sự lạc quan của nhà đầu tư đối với khu vực châu Á không tính Trung Quốc”.

Kim Dung (Theo Reuters)

FILI