DLG lỗ kỷ lục trong quý 4

DLG lỗ kỷ lục trong quý 4

Với mức lỗ ròng xấp xỉ 500 tỷ đồng trong quý 4, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) có quý lỗ kỷ lục kể từ khi niêm yết lên sàn HOSE.

Cụ thể, quý 4, doanh thu thuần của DLG đạt gần 297 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động bán linh kiện điện tử và thu phí BOT vẫn là 2 mảng mang về doanh thu nhiều nhất với 150 tỷ đồng và 108 tỷ đồng.

Cơ cấu doanh thu của DLG trong quý 4/2022
Nguồn: DLG

Tuy nhiên, kết quả trên lại sớm bị bào mòn khi biên lãi gộp thu hẹp từ 27% xuống còn 22%, dẫn đến lãi gộp giảm 12% còn 65 tỷ đồng.

Mặt khác, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ chỉ hơn một nửa cùng kỳ, ghi nhận hơn 57 tỷ đồng, do không còn ghi nhận khoản lãi lớn từ thoái vốn công ty con như cuối năm trước.

Không những thế, chi phí trong kỳ tăng cao khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt gấp gần 3 lần và 6 lần cùng kỳ 2021, với 15 tỷ đồng và 492 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quản lý tăng chủ yếu do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi quá hạn theo quy định.  

Sau khi trừ chi phí, DLG lỗ ròng xấp xỉ 500 tỷ đồng trong quý 4, đánh dấu quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Đồng thời, đây là mức lỗ kỷ lục trong 1 quý của Công ty kể từ khi niêm yết (năm 2010).

Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế 2022 của DLG. Đvt: Tỷ đồng

Với khoản lỗ trong quý 4, lũy kế năm 2022, DLG lỗ ròng gần 897 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi gần 17 tỷ đồng. Trong hơn 10 năm niêm yết, 2022 là năm DLG lỗ nhiều thứ 2 chỉ sau năm 2020 với khoản lỗ 907 tỷ đồng.

Kết quả năm 2022 đẩy số lỗ lũy kế của DLG tại thời điểm 31/12/2022 lên hơn 1,747 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, tổng tài sản của Công ty vào cuối năm 2022 đạt 5,901 tỷ đồng, giảm 17% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu lần lượt giảm 34% và 23%, về 244 tỷ đồng và 2,494 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt không những không tăng mà còn giảm nhẹ 2%, về mức 169 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Công ty giảm 5%, về 4,493 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay giảm 7%, còn 2,971 tỷ đồng.

Hà Lễ

FILI