FPT: Quản trị công ty tốt giúp thích ứng những thách thức bất định đảm bảo tăng trưởng

DỊCH VỤ 

FPT: Quản trị công ty tốt giúp thích ứng những thách thức bất định đảm bảo tăng trưởng

Trong khuôn khổ sự kiện trực tuyến lễ trao giải của Dự án đánh giá thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) năm 2021, FPT là công ty công nghệ duy nhất được vinh danh Top 3 doanh nghiệp Việt Nam có điểm quản trị công ty tốt nhất trong khu vực ASEAN. Đây là năm thứ 2 liên tiếp FPT được xướng tên trong danh sách này.

Dự án đánh giá thẻ điểm quản trị công ty ASEAN là sáng kiến của Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) dựa trên các thông lệ khuyến nghị về quản trị công ty quốc tế đã được ký kết, nhằm giúp các công ty trong khu vực cải thiện quản trị doanh nghiệp và quảng bá ASEAN như một điểm đến đầu tư. Dự án được thực hiện 2 năm 1 lần với sự tham gia của các công ty đến từ 6 quốc gia trong khu vực bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Để được “ghi danh” trong Top 3 doanh nghiệp có điểm quản trị công ty tốt nhất trong khu vực ASEAN, doanh nghiệp phải vượt qua các vòng đánh giá trong nước và đánh giá chéo giữa các quốc gia và phải đạt mức điểm thấp nhất là 97.5 điểm. Bên cạnh FPT, hai doanh nghiệp Việt Nam khác cùng đứng trong Top 3 này là Dược Hậu Giang và Vinamilk.

Giải thưởng này được xem như một yếu tố quan trọng để thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt trong khu vực đồng thời giúp quảng bá hình ảnh các tài sản đầu tư có chất lượng ra ngoài ASEAN.

Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN đánh giá quản trị cấp độ doanh nghiệp dựa trên 5 nội dung trọng yếu gồm Trách nhiệm của hội đồng quản trị, Minh bạch và công bố thông tin, Trách nhiệm của các bên hữu quan, Đối xử công bằng với các cổ đông và Quyền cổ đông.

Hiện nay, đối chiếu với các tiêu chí của Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam và Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN, FPT được đánh giá cao ở các nội dung Đảm bảo vai trò của các bên liên quan, công bố và minh bạch thông tin, Quyền của cổ đông và Trách nhiệm của HĐQT.

Theo kết quả đánh giá về Phát triển bền vững do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thực hiện trong năm 2021, điểm quản trị công ty của Tập đoàn tăng 8 điểm phần trăm, từ tổng điểm 69% trong năm 2020 lên 77% trong năm 2021. Trong đó, điểm về đảm bảo vai trò của các bên liên quan và công bố, minh bạch thông tin của Tập đoàn đạt số điểm tối đa 100%.

Trong 3 năm qua, vượt qua những tác động của COVID-19 và sự bất ổn định của kinh tế vĩ mô trên toàn cầu, FPT vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn trong 3 năm 2019 - 2021, đạt con số lần lượt là 15.4% và 18%. CAGR vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của FPT trong giai đoạn này cũng tăng tương ứng 13% và 22%, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn đạt trên 25%. 10 tháng đầu năm 2022, FPT vẫn tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng cao và ổn định với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 35,105 tỷ đồng và 6,456 tỷ đồng, tăng 24.4% và 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 4,550 tỷ đồng và 4,158 tỷ đồng, tăng 31% và 30%.

Trước đó, FPT cũng đã được vinh danh Top 15 Doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị tài chính tốt năm 2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp FPT và là công ty công nghệ duy nhất từng được xướng tên trong danh sách này, bên cạnh những công ty đầu ngành trong các lĩnh vực khác như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Vinamilk, Masan, ....

Đại dịch COVID-19 cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô và địa chính trị trên toàn cầu buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng linh hoạt để hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của quản trị công ty tốt trong kinh doanh, đối phó với khủng hoảng. Quản trị công ty tốt không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh mà còn giảm thiểu xung đột, tranh chấp nội bộ, tăng độ tin cậy và dễ dàng hơn trong huy động vốn. Quản trị tốt giúp ngăn ngừa rủi ro, hệ thống vận hành ổn định, có thể kiểm soát tốt hơn chi phí, nhờ vậy doanh nghiệp tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Báo cáo đánh giá quản trị công ty niêm yết trong các năm 2019 và 2020 cho thấy mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt cao hơn mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị kém hơn. Còn theo báo cáo kết quả chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2020 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, điểm công bố thông tin và minh bạch có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản). Kết quả cũng cho thấy rằng, mỗi 1% tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0.1% và ROE tăng 0.12%.

FILI