Xây dựng Công trình Tân Cảng muốn IPO hơn 36% cổ phần
Xây dựng Công trình Tân Cảng muốn IPO hơn 36% cổ phần
Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng công bố thông tin về đợt chào bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với hơn 3.27 triệu cổ phần.
Cụ thể, sẽ có hơn 3.27 cổ phần (tương ứng gần 36.44% vốn điều lệ) được bán đấu giá công khai ra công chúng với mức khởi điểm 15,322 đồng/cp, tương ứng giá trị huy động là hơn 50 tỷ đồng. Tỷ lệ đặt cọc là 10% giá trị lô cổ phần theo thời điểm.
Thời hạn đăng ký và nộp tiền từ ngày 23/09 - 13/10/2022. Hạn nộp phiếu dự đấu giá chậm nhất là 15h ngày 19/10. Buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào lúc 9h sáng 21/10/2022, tại Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Nhà đầu tư cần nộp tiền mua cổ phần từ 22 - 31/10/2022. Thời gian hoàn trả tiền cọc từ 24 - 28/10/2022.
Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng Công trình Tân Cảng có trụ sở tại 1295B, Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (Chi tiết: Xây dựng, sửa chữa công trình thủy. Nạo vét cảng sông, cảng biển), Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển (Chi tiết: cho thuê máy móc cẩu bờ)…
Sau khi chuyển sang CTCP, vốn điều lệ sau cổ phần dự kiến 90 tỷ đồng, tương đương 9 triệu cổ phần. Trong đó, cơ cấu sở hữu cổ phần trong tổng vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa bao gồm: Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nắm giữ 4.59 triệu cổ phần, chiếm 51%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 0.9 triệu cổ phần (10%); bán ưu đãi cho người lao động hơn 0.23 triệu cổ phần (2.56%); đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường hơn 3.27 triệu cổ phần (36.44%).
Cơ cấu vốn điều lệ sau cổ phần hóa của Xây dựng Công trình Tân Càng
Nguồn: Xây dựng Công trình Tây Cảng
|
Năm 2021, Xây dựng Công trình Tân Cảng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt hơn 330 tỷ đồng và hơn 9.4 tỷ đồng, tương ứng giảm 27.4% và 5.3%.
Tính chung giai đoạn 2017-2021, doanh thu thuần của Xây dựng Công trình Tân Cảng đã giảm gần 28%. Lợi nhuận thuần trong giai đoạn này cũng giảm sau chuỗi tăng trưởng từ năm 2017-2019.
Theo lý giải, Công ty cho biết doanh thu 2018-2019 tăng nhưng sang năm 2020 tình hình kinh tế khó khăn, dịch bệnh kéo dài nên doanh thu giảm so với năm 2019 và cũng thấp hơn so với các năm trước. Đến năm 2021, tình hình dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp nên tình hình kinh doanh của Công ty chịu nhiều ảnh hưởng.
Tình hình tài chính của Xây dựng Công trìnhTân Cảng giai đoạn 2017-2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Sau 5 năm, tổng tài sản của Công ty giảm gần 72%, còn 239 tỷ đồng vào năm 2021. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 81 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn có các khoản nợ phải thu đã quá hạn, chưa đối chiếu, xác nhận được là gần 486 tỷ đồng; các khoản nợ phải trả chưa đối chiếu xác nhận với số tiền gần 502 tỷ đồng.
Công ty cho biết sẽ chỉ đạo các phòng liên quan tiếp tục đối chiếu, xác nhận, thu hồi thanh toán trước khi được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp CTCP.
Sau cổ phần hóa giai đoạn 2022-2026, Công ty dự kiến doanh thu tăng trung bình khoảng 4.5%; lợi nhuận sau thuế tăng trung bình 5.6%/năm.
Một số chỉ tiêu tài chính của Xây dựng Công trình Tân Cảng giai đoạn 2022-2026. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: Xây dựng Công trình Tân Cảng
|
Thế Mạnh