Tổng Giám đốc BSR: “Nguồn cung dầu vẫn rất thiếu hụt cho tới cuối năm 2022”

Tổng Giám đốc BSR: “Nguồn cung dầu vẫn rất thiếu hụt cho tới cuối năm 2022”

“2022 là năm khá đặc biệt với ngành lọc hóa dầu, với biên lợi nhuận cao bất thường so với các năm khác”, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) chia sẻ tại Talkshow “Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/06.

Khi các nước dần dần gượng dậy từ đại dịch Covid-19, giá dầu cũng bắt đầu những bước tăng phi mã. Dầu Brent có lúc cán mốc 130 USD/thùng trước khi hạ nhiệt về 109 USD/thùng. Tuy vậy, đây vẫn là mức rất cao so với trước đây.

Ông Dương cho rằng đà tăng của giá dầu chủ yếu đến từ các yếu tố căng thẳng địa chính trị (nhất là xung đột Nga-Ukraine), việc khai thác không đúng với cam kết của các tổ chức quốc tế như OPEC+, cùng với đó là sự phục hồi nhu cầu tại các nền kinh tế như Trung Quốc.

Vị Tổng Giám đốc BSR cho rằng đây là yếu tố không thuận lợi với lĩnh vực chế biến xăng dầu, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu vì tất cả các chi phí đều được tính nương theo giá dầu.

“Kể cả các chi phí từ hoá phẩm nguyên liệu, hoá phẩm xúc tác, logistic, bảo hiểm... tất cả các chi phí đều tăng theo giá dầu. Vậy nên đây là yếu tố bất lợi chứ không phải thuận lợi đối với các nhà máy lọc dầu”, ông Dương nhận định. “Đồng thời, giá dầu tăng cao cũng đẩy các chi phí liên quan đến giá thành và chi phí tài chính, vận tải đều tăng. Đó là bất lợi về mặt chế biến”.

Trong khi đó, yếu tố lợi nhuận lại dựa trên yếu tố thị trường, cung cầu và được quyết định bởi các tổ chức quốc tế, ông Dương chia sẻ.

Năm đặc biệt của lĩnh vực lọc dầu

Nhìn lại lĩnh vực lọc hóa dầu trong thời gian qua, ông Bùi Ngọc Dương đánh giá 2022 là năm khá đặc biệt với crack margin đang ở mức cao bất thường so với các năm.

Crack margin là chênh lệch giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế từ dầu thô.

Điều này chủ yếu là do dưới tác động của dịch Covid-19, một số nhà máy lọc dầu lớn trên thế giới dừng hoạt động, cộng với tác động của chuyển dịch năng lượng thì chiến lược đầu tư của các nước cũng thay đổi.

“Các nước sẽ tập trung vào đầu tư các năng lượng mới và do biến động địa chính trị tạo nên thiếu hụt nguồn cung ở một số khu vực tại một số thời điểm. Điều này tạo nên yếu tố làm mất cân bằng cung cầu, góp phần cơ bản làm tăng crack margin.

Bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố khác liên quan đến địa chính trị, thời tiết. Nhưng yếu tố căn bản theo tôi là yếu tố mất cân đối cung cầu do địa chính trị và thay đổi chính sách đầu tư”, ông Dương cho biết.

Theo ông, BSR đang cố gắng đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất với công suất cao nhất trong điều kiện vận hành an toàn của nhà máy để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

“Xăng dầu của Dung Quất hiện chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu, trong khi  việc nhập khẩu xăng dầu cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh mua kể cả dầu thô lẫn sản phẩm giữa lúc thị trường toàn cầu đang khủng hoảng về năng lượng. Chúng tôi thời gian qua một mặt tăng công suất để tối đa hoá lợi nhuận do thuận lợi về thị trường, một mặt đảm bảo thêm nguồn cung trong nước để bù đắp khó khăn trong thị trường nhập khẩu”, ông nói.

Nguồn cung dầu có khả năng thiếu hụt đến hết năm 2022

Tuy vậy, ông Dương dự báo nguồn cung dầu thô vẫn còn thiếu hụt rất lớn và kéo dài đến hết năm nay, do kinh tế Trung Quốc đang bị tác động bởi dịch bệnh cộng thêm xung đột địa chính trị giữa Nga-Ukraine dẫn tới xăng dầu bị điều chỉnh luồng.

“Theo các dự báo từ giờ đến cuối năm thì crack margin vẫn sẽ rất tốt đối với chúng tôi. Thời gian tới phải cần một thời gian để tạo được một sự cân bằng mới.

Việc đầu tư một nhà máy lọc hoá dầu không thể diễn ra nhanh được. Kể cả khôi phục lại sản xuất của nhà máy lọc dầu đã dừng hoạt động cũng không đơn giản. Ngoài ra các nhà máy lọc dầu thường được thiết kế cho một số loại dầu cụ thể nên khi nguồn dầu thay đổi thì việc chế biến sẽ rất ảnh hưởng”, ông cho biết.

Ông đánh giá đây là những yếu tố thuận lợi cho các nhà máy lọc dầu và ngành công nghiệp lọc dầu nói chung trên thế giới trong ngắn hạn và trung hạn.

Giá dầu tăng, ai được ai mất?

Cũng tại sự kiện này, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI, chia sẻ giá dầu lên chắc chắn sẽ tác động trái chiều với các doanh nghiệp khác nhau.

Bà Phương đánh giá nhóm doanh nghiệp ở trung nguồn có khả năng cao nhất được hưởng lợi và chắc chắn là làm cho triển vọng lợi nhuận tốt hơn hẳn. Còn với các nhóm ngành ở khâu thượng nguồn và hạ nguồn, giá dầu có thể gây tác động dây chuyền và làm gia tăng giá nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy mà chi phí vận hành bị đẩy lên và làm cho tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy bị giảm xuống.

Bà Phương cũng nhấn mạnh tới tác động của giá dầu tới lạm phát. Dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê, bà nhận thấy với mức tăng giá dầu khoảng 10% thì lạm phát tăng khoảng 0.36 điểm phần trăm và làm tăng trưởng giảm 0.5%.

Vũ Hạo

FILI