TVT đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 giảm gần 23%

TVT đặt mục tiêu lợi nhuận 2022 giảm gần 23%

Ngày 08/06 tới, Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP (HOSE: TVT) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để thông kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như kế hoạch kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2022-2027.

Ban lãnh đạo TVT nhận định 2022 vẫn là năm khó khăn, tuy tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng giá các loại nguyên liệu, năng lượng và thị trường thế giới biến động ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành vận tải, du lịch, dệt may, điện tử,… 

Ở doanh nghiệp dệt, giá các loại nguyên liệu cơ bản như bông xơ biến động tăng liên tục với biên độ lớn khiến đầu ra đối với sợi - dệt sẽ rất khó khăn.

Với những nhận định trên, TVT đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ năm 2022 là 1,356 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 85 tỷ đồng, giảm gần 23%.

Công ty dự kiến giữ nguyên tỷ lệ chi trả cổ tức 25% đối với phần lợi nhuận của năm 2022, bằng tỷ lệ năm 2021.

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 của TVT
Nguồn: TVT

Dù kế hoạch lợi nhuận giảm, TVT vẫn sẽ tăng cường đầu tư vào khâu sản xuất vải thành phẩm nhằm ổn định chất lượng khâu in nhuộm. Ngoài ra, Công ty sẽ tăng cường sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường như bông organic, bông BCI, xơ tái chế,…

Đối với hoạt động đầu tư, TVT sẽ có 1 dự án mới trong năm 2022 là Dự án đầu tư bổ sung thiết bị Nhà máy Sợi 2022, bao gồm 7 máy ghép không tự động làm đều, 1 máy xé tin & Quạt chuyển xơ, 28 máy sợi con. Tổng mức đầu tư là 120 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tự có là 30% và vốn vay Ngân hàng thương mại là 70%.

Bước sang giai đoạn 2022-2027, Ban lãnh đạo TVT nhận định tình hình 5 năm tới sẽ tiếp tục biến động ở cả thế giới lẫn trong nước. Tuy nhiên, TVT vẫn kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trung bình trên dưới 7% trong giai đoạn kể trên.

Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2022-2027 của TVT
Nguồn: TVT

Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, TVT hướng đến tự động hoá các khâu sản xuất chính, cân đối dây chuyền hợp lý, tính toán mặt hàng sản xuất tối ưu, triệt để tiết kiệm nguyên liệu nhất là bông xơ, vật tư, phụ tùng và năng lượng. Đặc biệt, Công ty sẽ tập trung nguồn lực để trở thành một công đoạn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhất là với vải dệt thoi đang là thế mạnh của Công ty.

Về hoạt động đầu tư 5 năm tới, TVT chia làm 2 hướng, một là đầu tư theo chiều sâu, tập trung và máy móc, thiết bị; hai là mở rộng quy mô thông qua tìm kiếm địa điểm mới hoặc khu công nghiệp với quy mô 40–50 ha, tập trung vào các lĩnh vực chính là sản xuất Sợi, Dệt, Nhuộm. Hoạt động đầu tư giai đoạn 2022-2027 sẽ tạo cơ sở để nâng công suất lên gấp đôi trong giai đoạn 2025-2030.

Trước mắt, trong giai đoạn 2022-2023, sau Dự án đầu tư bổ sung thiết bị Nhà máy Sợi năm 2022 nêu trên, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư bổ sung thiết bị sợi với 10 máy con và đầu tư máy Dệt tốc độ cao với 32 máy dệt  trong năm 2023.

Thượng Ngọc

FILI