Doanh nghiệp cá tra sẽ “bừng tỉnh” sau chuỗi ngày ảm đạm?

Doanh nghiệp cá tra sẽ “bừng tỉnh” sau chuỗi ngày ảm đạm?

Ngành cá tra 3 năm gần đây dường như không có gì nổi bật, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2021, dịch COVID-19 khiến chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra trì trệ.

Nguồn: VASEP

Theo dữ liệu của VietstockFinance, xét 5 doanh nghiệp niêm yết chuyên sản xuất và xuất khẩu cá tra, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng doanh thu và lãi ròng giai đoạn 2019 - 2021 đạt 2.6% và 13%.

Tốc độ tăng trưởng nhóm doanh nghiệp cá tra so với năm trước (Đvt: %)

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn. Bên cạnh đó, hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở Đồng bằng Sông Cửu Long khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá nuôi bị bệnh, chết…

Sang năm 2021, tình hình có vẻ khả quan hơn, xuất khẩu thủy sản khá thuận lợi nhờ thị trường hồi phục một phần, sản xuất trong nước ổn định hơn nhờ chính sách chống dịch thích ứng, linh hoạt của Chính phủ cũng như tỷ lệ bao phủ vắc xin rộng hơn giúp các nhà máy thoát cảnh đình trệ.

Cùng Vietstock điểm lại hành trình kinh doanh của các doanh nghiệp cá tra trong 3 năm trở lại đây.

Theo VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), 2 năm qua đúng vào chu kỳ giá cá tra sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng mạnh trở lại. Từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng và hiện đang ở mức cao, khoảng 30,000 đồng/kg.

VASEP đánh giá, xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 nổi bật một “màu xanh tăng trưởng” ở hầu hết các thị trường lớn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 384.8 triệu USD, tăng 93.6% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị XK cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số. Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam hy vọng rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì cho tới cuối năm.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, hiện nay, các thị trường lớn nhập cá tra Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá tốt và giá cao. Dự báo xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021.

Theo Báo cáo cập nhật triển vọng ngành xuất khẩu, Agriseco Research nhận định giá cá tra đã sụt giảm từ vùng đỉnh năm 2018 và kéo dài cho tới năm 2020 dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.

Thời gian gần đây, giá cá tra nguyên liệu đã tăng rất mạnh, lên mức 30,000 đồng/kg, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, theo Agriseco, là do sau 1 chu kỳ giảm giá từ 2018, nhiều người nông dân thua lỗ đã treo ao, khiến cho nguồn cung sụt giảm trong khi nhu cầu xuất khẩu đang tăng mạnh gần đây. Theo Agriseco Research, giá cá tra có thể còn tiếp tục tăng với việc nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu ở mức cao trong khi nguồn cung cá nguyên liệu đang bị hạn chế.

Còn theo Báo cáo triển vọng ngành thủy sản, CTCK KIS Việt Nam dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 có thể phục hồi hoàn toàn nhờ việc dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các thị trường tiêu thụ để ổn định nhu cầu tiêu thụ ở mức cao so với 2021.

Bên cạnh đó, các chính sách "Bình thường mới" thúc đẩy các nhà xuất khẩu thích ứng với dịch bệnh và duy trì chuỗi cung ứng thủy sản, thuế suất ưu đãi của các hiệp định EVFTA, UKVFTA và các thị trường niềm năng trong hiệp định CPTPP như Mexico, Canada, Nhật Bản là những động lực then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước cung ứng khác. Những hạn chế về logistic có thể giảm dần trong nửa cuối năm 2022.

Mục tiêu lợi nhuận 2022 tăng bằng lần

Với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, các doanh nghiệp cá tra cũng khá tự tin khi đặt kế hoạch kinh doanh 2022 tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) kỳ vọng đem về 8,300 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 45%) và 900 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022 (gấp 6.6 lần so với năm trước). Đây cũng là con số cao kỷ lục kể từ khi đơn vị đi vào hoạt động.

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HOSE: ACL) dự kiến doanh thu thuần đạt 1,450 tỷ đồng (tăng 20%) và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng (gấp 4 lần năm trước).

ACL cho biết trong năm nay, Công ty vẫn theo định hướng tập trung nguồn lực vào nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu, không đầu tư ngoài ngành. Ngoài ra, Công ty dự kiến tăng trưởng về chiều sâu các mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm từ con cá tra với mục tiêu đưa cá tra trở nên quen thuộc với nhiều thị trường hơn nữa.

Hay như "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) cũng lên kế hoạch doanh thu thuần 13,000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và lãi sau thuế trong năm 2022 dự kiến đạt 1,500 tỷ đồng, tăng 36%. Đây cũng là kế hoạch cao nhất kể từ khi đơn vị niêm yết (24/12/2007) đến nay.

Về phía Thủy sản MeKong (HOSE: AAM), đơn vị lên kế hoạch lãi sau thuế gấp 4 lần, tuy nhiên, con số tuyệt đối chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Theo AAM, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn hạn chế vì các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn. Ảnh hưởng xấu từ dịch COVID-19 vẫn còn lớn, nhất là việc tăng chi phí đầu vào và biến động lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, nạn cạnh tranh không lành mạnh trong ngành như bán phá giá, tranh giành khách hàng… vẫn còn tiếp diễn đã làm giá đầu vào tăng nhanh trong khi giá bán không theo kịp. Trong khi đó nhà xưởng, trang thiết bị đã đến hạn cần đầu tư nâng cấp với chi phí cao cũng là một khó khăn của AAM.

Tiên Tiên

FILI