Thói quen thanh toán đã thay đổi thế nào trong và sau đại dịch Covid-19?

Thói quen thanh toán đã thay đổi thế nào trong và sau đại dịch Covid-19?

Thói quen mua sắm và thanh toán trực tuyến trong đại dịch đã tăng lên rất nhiều, tuy nhiên, làm thế nào để duy trì thói quen thanh toán này sau khi đại dịch Covid-19 qua đi? 

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op

Thanh toán không tiền mặt đem đến cơ hội và để lại nhiều thách thức sau dịch Covid-19

Tại Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” sáng ngày 19/11/2021, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết thanh toán không tiền mặt đã lại những cơ hội rất lớn nhưng đi kèm nhiều thách thức cho các nhà bán lẻ. Có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, thanh toán của người tiêu dùng tại hệ thống Saigon Co.op trong suốt mùa dịch vừa qua. 

Từ tỷ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì trong dịch Covid-19 đã tăng vọt lên 40%, nhiều thời điểm lên đến 50%.

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết con số tăng trưởng 40% trong đại dịch thực tế không hề bền vững bởi thực tế, những người đi chợ hộ còn sử dụng tiền mặt để thanh toán dù người nhờ đi chợ chuyển khoản cho họ. 

Đáng ra tỷ lệ 40% này còn có thể tăng cao hơn nhiều và thực tế khi Covid-19 đi qua thì tỷ lệ này nhanh chóng rớt về mức bình quân 10%. Sự thay đổi cho thấy thách thức để thói quen thanh toán không tiền mặt còn rất nhiều và cũng phản ánh tiền mặt trong dân… còn rất lớn", ông Nguyễn Anh Đức cho hay.

Khảo sát mới nhất của Saigon Co.op đã chỉ ra những trở ngại đang ảnh hưởng đến thói quen này của người dùng. Có đến 28% người dùng đánh giá thanh toán không tiền mặt chưa thực sự tiện lợi trong khi các điểm chấp nhận thanh toán chưa nhiều, chưa đa dạng. Có đến 27% người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt. 

Trả lời câu hỏi nhà bán lẻ sẽ làm gì để thuyết phục người tiêu dùng “ở lại” với thói quen thanh toán không tiền mặt khi dịch đi qua, ông Nguyễn Anh Đức cho biết toàn hệ thống Saigon Co.op đã đón nhận biến đổi Covid-19 đối với hành vi tiêu dùng từ cách mua sắm, thanh toán một cách đột ngột, không nhiều sự chuẩn bị, thậm chí mang tính đối phó.

Để duy trì được tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ổn định khoảng 10-11% như hiện tại, ông Đức cho hay cần có sự chủ động giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và nhà cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, sự phát triển blokchain, tiền điện tử… sẽ tạo nên sự phát triển không sử dụng tiền mặt bền vững hơn.

Hình thành thói quen mua sắm trực tuyến

Ông Lưu Tuấn Nghĩa - Giám đốc Phát triển kinh doanh mảng chấp nhận thanh toán - Visa Việt Nam cho biết đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn mọi khía cạnh đời sống như thay vì làm việc tại văn phòng sẽ làm việc tại nhà, mua sắm trực tuyến thay cho mua sắm trực tiếp, tập thể thao tại nhà thay cho hoạt động ngoài trời… Không nằm ngoài xu thế chung, thị trường thanh toán cũng đã thay đổi nhiều và các thay đổi này sẽ tiến triển ra sao sau khi đại dịch kết thúc?

Ông Lưu Tuấn Nghĩa - Giám đốc Phát triển kinh doanh mảng chấp nhận thanh toán - Visa việt Nam

Số lần thanh toán tiền mặt đã giảm xuống mức 5.4% của hiện tại từ mức 6.8% trước dịch diễn ra, tần suất sử dụng tiền mặt cũng giảm đi.

Các phương thức thanh toán không tiền mặt nhanh, tiện lợi, giảm nguy cơ lây nhiễm nên sự đón nhận của người dùng tốt hơn. Ít nhất 3 trong số 5 người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn, chủ yếu nhờ sự phổ biến của hình thức thanh toán thẻ hoặc không tiếp xúc. Tần suất thanh toán bằng tiền mặt giảm đáng kể từ đại dịch Covid-19 và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn nữa trong tương lai. 

Ít nhất 65% người tiêu dùng cho biết lượng tiền mặt trong ví của họ đã giảm, thay vào đó họ sử dụng nhiều thẻ và các phương thức thanh toán không tiếp xúc hơn. Tại Việt Nam, các phương thức thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng mạnh.

Người Việt ngày càng có nhiều thiện cảm đối với thanh toán không tiền mặt và đang cố gắng chuyển đổi hết các giao dịch sang hình thức thanh toán không tiền mặt. 84% người tiêu dùng cho biết đã lên kế hoạch hạn chế dùng tiền mặt và sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn. 

Đại dịch tác động tích cực đến tần suất sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại. Số lượng giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ngày càng tăng và sự thay đổi trong loại hình ứng dụng giao dịch yêu thích.

Hơn 75% cho biết họ thực hiện giao dịch nhiều hơn 1 lần/tuần. Ngoài ra, năm 2021, hơn một nửa người Việt chuyển sang ưu tiên lựa chọn sử dụng một ứng dùng chung cho tất cả các loại giao dịch, 53% so với năm 2020 chỉ 32%. 

Dưới tác động của dịch Covid-19, dịch vụ giao hàng tận nhà có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu sử dụng dịch vụ này. Hơn 80% đã sử dụng dịch vụ giao tận nhà lần đầu tiên vì dịch Covid-19. Nhiều thói quen mới đã được hình thành sau đại dịch, trong đó nổi bật là mua sắm trực tuyến và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.

Theo ông Nghĩa, những thói quen mới hình thành sau đại dịch gồm: An toàn cá nhân và mua sắm hạn chế tiền mặt là những thói quen sẽ được duy trì kể cả khi đại dịch kết thúc, chẳng hạn mua sắm trên các nền tảng trực tuyến, tránh thanh toán bằng tiền mặt và đeo khẩu trang. Nhiều lĩnh vực được dự đoán sẽ hoàn toàn không dùng tiền mặt, đồng thời kỳ vọng của người tiêu dùng đối với một xã hội không tiền mặt là rất tích cực. 

Hơn 1/3 người tiêu dùng kỳ vọng Việt Nam trở thành một xã hội không tiền mặt trong vòng 5-9 năm tới. Thanh toán hóa đơn, mua sắm siêu thị và du lịch quốc tế là những lĩnh vực được dự đoán sẽ dẫn đầu trong xu thế xã hội không tiền mặt.

Cát Lam

FILI