Ngành nào được hưởng lợi nếu 800,000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế?

Ngành nào được hưởng lợi nếu 800,000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế?

Nếu đề xuất gói hỗ trợ 800,000 tỷ được Chính phủ thông qua và sớm triển khai, dòng tiền sớm tạo xung lực thúc đẩy nền kinh tế thì rất nhiều ngành từ hưởng lợi trực tiếp đến gián tiếp đều được khởi phát trở lại.

* Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng

* Đề xuất gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng: Lo ngại năng lực thực thi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô khoảng 800,000 tỷ đồng (gần 35 tỷ USD), gấp 3.5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.

Đánh giá về tác động của chương trình nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi thực hiện thì tăng trưởng kinh tế 5 năm 2021 - 2025 dự báo đạt khoảng 6.4 – 6.8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6.5 - 7%/năm). Việc huy động các nguồn lực thực hiện làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.

Dựa trên đề xuất của gói giải pháp, các chuyên gia có cái nhìn tươi sáng hơn cho nền kinh tế cũng như những ngành nghề liên quan, khả năng sớm hồi phục lại của từng ngành hậu Covid-19 phụ thuộc vào tốc độ triển khai các gói hỗ trợ.

Ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất dù hình thức gián tiếp

TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng nhận định, nhìn chung khi gói hỗ trợ được đưa ra, các ngành sẽ được hưởng lợi do dòng tiền kinh tế lưu thông. Khi đó, việc làm được tạo ra, dẫn đến kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế trở lại, thì ngành bất động sản đương nhiên hưởng lợi.

Còn nếu kỳ vọng dòng tiền được “bơm thẳng” vào bất động sản thì lại là câu chuyện khác, nhưng sẽ rất khó có khả năng này vì đây là gói hỗ trợ về Covid-19, hỗ trợ về người thất nghiệp, lãi suất kinh doanh…” ông Hiển cho hay.

Vì vậy, kỳ vọng Chính phủ sớm đưa ra các gói giải pháp để sớm tạo xung lực cho dòng tiền ra thị trường, tự nhiên sẽ tạo sức bật cho bất động sản”.

Nói thêm về ngành ngân hàng, ông Hiển cho biết: “Ngân hàng rõ ràng lợi nhuận đang rất cao, nhưng dấu hỏi lớn đặt ra là rủi ro nợ xấu gia tăng bởi các doanh nghiệp không thể nào trả nợ đúng hạn được”.

TS Đinh Thế Hiển giải thích, khi doanh nghiệp không kinh doanh được, buộc phải sử dụng chính sách giãn nợ, nhưng đến khi hết giai đoạn giãn nợ thì phải trả nợ, và lúc đó kỳ vọng trả nợ chỉ đạt khoảng 50%. Tức là nợ xấu sẽ xuất hiện trong hệ thống ngân hàng.

Và khi gói hỗ trợ 800,000 tỷ đồng được sớm thông qua, đưa tiền ra cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có dòng tiền lưu chuyển để trả được lãi và vốn cho ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ là ngành được hỗ trợ nhiều nhất khi thông qua gói hỗ trợ này dù chỉ được xem là hình thức hỗ trợ gián tiếp.

Cơ sở hạ tầng và đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới

Ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô – MBS nhìn nhận, đây là gói giải pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, bao gồm các giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đồng thời cũng mang tính kích cầu.

Con số hiện tại trình lên chỉ là con số ước tính, về tổng thể, chắc chắn sẽ có tác động tích cực lên các ngành nghề được hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ cũng phải chờ vào sự phê duyệt của Chính phủ và Quốc hội.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, gói hỗ trợ 800,000 tỷ đồng hiện chỉ mang tính dự thảo, để trình lên Chính phủ về mặt chủ trương, và từ chủ trương đó triển khai gói hỗ trợ ở mức độ nào, và trong quá trình gói hỗ trợ đó giải ngân ở mức độ nào lại là câu chuyện khác.

Quay lại câu chuyện của năm trước và năm kia, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 60,000 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và sau đó thêm gói hỗ trợ 35,000 tỷ đồng. Thì thời gian đầu giải ngân được 12,000 tỷ đồng, giai đoạn sau giải ngân thêm được 15,000 tỷ đồng nữa. Như vậy con số trên kế hoạch và con số thực tế còn có sự khác biệt nữa.

Gói giải pháp này hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng, sau đó là gói giải pháp liên quan đến miễn, hoãn, giảm các khoản thuế cho các doanh nghiệp. Sau đó là các chính sách cấp bù lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 cũng như doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Đây là gói giải pháp mang tính tổng thể, còn về kinh tế nói chung, chắc chắn sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng ở mức độ nào thì còn tùy thuộc vào việc triển khai thế nào. Cần nhớ rằng, quá trình này diễn ra khá dài, chứ không phải chỉ trong năm 2022.

Thời điểm này chưa thể đánh giá được nhiều, tuy nhiên, nếu có các giải pháp hỗ trợ, thì GDP dự kiến sẽ tăng khoảng 1 điểm phần trăm GDP trong năm 2022”, ông Tuấn dự báo.

Ngành nghề được ưu tiên sẽ được cấp bù lãi suất, mặc dù ngành nghề nào được ưu tiên còn chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, có thể dự đoán những ngành như nông nghiệp, những ngành tận dụng nhiều lao động, những ngành dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 như du lịch, hàng không, là những ngành sẽ có thể được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Câu chuyện liên quan đến bất động sản lại khác. Bất động sản phụ thuộc vào hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư ở khu vực nào, ở đâu, điều này chưa có chỉ định cụ thể, nên nhìn chung không phải bất động sản nói chung đều được đẩy mạnh.

Bất động sản, sắt thép… sẽ được hưởng lợi

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) nói rõ hơn về gói hỗ trợ có liên quan đến đầu tư công.

Thực tế, những năm gần đây cũng đẩy mạnh đầu tư công, thế nhưng bây giờ sẽ tập trung ngân sách nhiều hơn, tất cả những doanh nghiệp mang tính chất đầu tư công, liên quan đến ngành như vật liệu xây dựng, sắt thép… những ngành này sẽ được hưởng lợi. Khi đầu tư công phát triển thêm thì những ngành như bất động sản, sắt thép sẽ được hưởng lợi, dù không trực tiếp.

Thêm nữa, liên quan đến gói 42,000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, tương đương khoảng 10% dư nợ tín dụng, nếu gói giải pháp được thông qua, chủ yếu sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là yếu tố dòng tiền, khi bơm tiền vào hệ thống, chắc chắn sẽ đổ vào những lĩnh vực đầu tư mang tính chất rủi ro như bất động sản hoặc chứng khoán. Vậy nên, gói hỗ trợ này vừa có lợi chung cho nhóm doanh nghiệp vừa lợi chung cho dòng tiền vào thị trường.

Nhìn chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi do được hỗ trợ về tín dụng và nhóm đầu tư công. Đây là 2 nhóm được hưởng lợi mạnh nhất.

Ngoài ra, khi nhóm ngành liên quan đến đầu tư công được hoãn, giãn, đảo nợ thì ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi. Ngân hàng hưởng lợi không phải ở tăng trưởng dư nợ tín dụng, mà hưởng lợi khi hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt hơn, ngân hàng không phải tăng nợ xấu, khả năng tăng nợ xấu sẽ giảm đi.

Chương trình này được thực hiện giai đoạn 2022 - 2023 bao gồm 4 chương trình thành phần, gồm Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Theo Bộ KH-ĐT, dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800,000 tỷ đồng (khoảng 35 tỷ USD). Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách Nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ; các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Cát Lam

FILI