HAG giải trình về việc hồi tố số liệu trên BCTC kiểm toán 2020

HAG giải trình về việc hồi tố số liệu trên BCTC kiểm toán 2020

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2021, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã gửi văn bản đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) giải trình về việc hồi tố số liệu tại BCTC kiểm toán 2020 của Công ty.

Cuối năm 2020, HAG ghi nhận khoản lỗ lũy kế “khổng lồ” gần 6,302 tỷ đồng, trong đó, Công ty thể hiện khoản lỗ lũy kế vào cuối năm trước (2019) là hơn 5,046 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên BCTC kiểm toán năm 2019, Công ty lại báo lợi nhuận lũy kế chưa phân phối ở mức hơn 290 tỷ đồng, tức số liệu về lợi nhuận (lỗ) lũy kế của HAG tại thời điểm cuối năm 2019 trên BCTC kiểm toán 2019 và 2020 có chênh lệch lớn. 

Kết quả điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của HAG
Nguồn: HAG

Theo giải trình, HAG cho biết tại thời điểm lập BCTC cho các năm 2017, 2018 và 2019, dù giá trị vườn cây của các đối tượng phải thu chưa được định giá cao do hầu hết loại cây đều đang trong giai đoạn đầu tư kiến thiết cơ bản nhưng HAG đã quá lạc quan về khả năng thu hồi vốn từ các đối tượng này. Do đó, các số liệu định giá vào thời điểm các năm 2017, 2018 và 2019 dùng để đánh giá khả năng thu hồi chỉ mang tính thời điểm và nhằm mục đích tham khảo hơn là giá trị giao dịch. Bên cạnh đó, HAG cho rằng việc đưa ra con số dự phòng chưa phù hợp là do các hạn chế về thời gian và nguồn nhân lực của Công ty. 

Với những lý do trên, đến năm 2020, HAG đã thực hiện rà soát lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu tồn đọng lâu ngày từ các năm tài chính trước đây, xem xét lại cơ cấu tải sản đảm bảo cho các khoản phải thu tồn đọng và thu thập thêm các thông tin quá khứ về khả năng thanh toán của các đối tác mà trước đây chưa thể thu thập được do các giới hạn về thời gian và nguồn nhân lực.

Kết quả, HAG nhận thấy việc ước tính khả năng thu hồi của các khoản nợ phải thu tồn đọng lâu ngày tại thời điểm lập BCTC các năm trước chưa phản ảnh đầy đủ rủi ro tổn thất của các khoản phải thu nên đã quyết định điều chỉnh lại dữ liệu trong BCTC hợp nhất kiểm toán 2020 nhằm phản ánh đúng khả năng thu hồi của các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán.

Ngoài ra, HAG cho biết việc điều chỉnh hồi tố cũng nhằm mục đích để kiểm toán viên xem xét bỏ ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu, nhằm tránh việc cổ phiếu HAG bị rơi vào diện xem xét hủy niêm yết bắt buộc.

Có lãi trở lại trong 9 tháng đầu năm 2021

Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của HAG ghi nhận hơn 1,364 tỷ đồng, đa phần vẫn đến từ doanh thu trái cây, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ khoản hoàn nhập chi phí quản lý hơn 314 tỷ đồng, HAG lãi ròng gần 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1,343 tỷ đồng.

Năm 2021, HAG đặt mục tiêu doanh thu 2,055 tỷ đồng và lãi sau thuế 104 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp của Bầu Đức (Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức) mới thực hiện 27% và 29% các chỉ tiêu.

Định hướng kinh doanh đối với ngành chăn nuôi, Công ty đặt kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15,000 heo nái sinh sản và 300,000 heo thịt xuất chuồng mỗi năm.

Về phần ngành cây ăn trái, HAG sẽ đầu tư duy trì khoảng 10,000 ha trồng các loại cây, gồm chuối và các loại cây ăn trái khác. Riêng cây chuối, tại thời điểm này, Công ty đã cơ bản đầu tư trồng hoàn thiện được 5,000 hecta tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Phấn đấu năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/hecta.

Đến thời điểm 30/09/2021, HAG đang có tổng tài sản 18,399 tỷ đồng, giảm một nửa (49%) so với đầu năm. Mức giảm lớn nhất ghi nhận ở khoản tài sản cố định (giảm 77%) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn (giảm 73%).

Điểm cộng là khoản nợ phải trả cũng giảm đáng kể 49%, còn 13,435 tỷ đồng tại cuối quý 3. Vay nợ ngắn và dài hạn giảm 83% và 27% so với đầu năm, lần lượt còn 1,528 tỷ đồng và 6,792 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối đang ở mức 4,056 tỷ đồng, cải thiện hơn mức lỗ 6,302 tỷ đồng đầu năm.

Hà Lễ

FILI