Bình Chánh rà soát các tiêu chí cho lộ trình lên thành phố

Bình Chánh rà soát các tiêu chí cho lộ trình lên thành phố

Hiện Bình Chánh đang rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư trong 4 năm tới.

Là đầu mối giao thông nối TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL, Bình Chánh có hàng loạt khu công nghiệp, bệnh viện cùng hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đây được xem là những thế mạnh của Bình Chánh trong việc phát triển kinh tế đô thị.

Tầm nhìn 2025

Mới đây, UBND H.Bình Chánh phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức hội thảo tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng đến năm 2040. Đây là một trong những bước khởi động của Bình Chánh để thực hiện mục tiêu trở thành “thành phố trong thành phố” vào năm 2025.

Bình Chánh sở hữu hạ tầng kết nối hoàn thiện. Ảnh minh họa

Về lộ trình triển khai, trong tháng 12/2021, H.Bình Chánh sẽ rà soát lại các tiêu chí lên thành phố để xác định phân kỳ đầu tư trong 4 năm tới, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản như giao thông, trường học… khoảng 44.000 tỉ đồng. Để huy động nguồn lực “khổng lồ” trên, đại diện H.Bình Chánh cho rằng điều quan trọng nhất là điều chỉnh quy hoạch phù hợp và tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất nông nghiệp.

Trước đó, đầu năm 2021, phát biểu trên báo chí, Phó Chủ tịch UBND H.Bình Chánh cũng cho biết, đến năm 2025, dự kiến số hộ còn sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0.4% tổng số hộ. Rà soát các tiêu chí lên Quận đến thời điểm tháng 3 năm nay, Bình Chánh cũng đã đạt 26/30 tiêu chí để lên Quận.

Tuy nhiên, việc cân nhắc chuyển đổi từ huyện lên thành phố là một bước tiến mới mang tầm vóc và quy mô lớn của Bình Chánh. Thay vì lộ trình lên Quận thông thường như các huyện còn lại của TP. HCM, Bình Chánh sẽ là thành phố phát triển độc lập với bộ máy chính quyền được tái cơ cấu hoàn toàn, trở thành cực đối trọng của Thủ Đức. Trong đó, nếu Thủ Đức là cực tăng trưởng của phía Đông thì Bình Chánh đóng vai trò tương tự tại khu Tây.

Mặt khác, khi lộ trình lên thành phố đã định được mốc thời gian rõ ràng thì nhiều khả năng giá BĐS nơi đây sẽ tăng trưởng mạnh.

“Đòn bẩy” gia tăng giá trị BĐS

Việc lên thành phố là cơ sở quan trọng để nhận được đầu tư công từ hạ tầng, cơ sở vật chất đến dịch vụ. Từ đó thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến BĐS những nơi sắp hoặc vừa lên quận hoặc thành phố tăng trưởng mạnh.

Thị trường BĐS Bình Chánh nhiều dư địa tăng trưởng. Ảnh minh họa: Westgate

Lấy đơn cử, đầu năm 2021 sau khi công bố thành lập TP. Thủ Đức thì đến quý 2 năm nay giá BĐS TP. Thủ Đức vẫn tăng vọt dù đợt dịch bùng phát lần thứ tư diễn biến phức tạp làm gián đoạn thị trường bất động sản.

Báo cáo biến động giá nhà tại TP. HCM của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nếu so với 2019, giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP. Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng 2 lần. Ở phân khúc nhà liền thổ, shophouse thuộc TP. Thủ Đức cũng đội giá mạnh từ mức giá dưới 100 triệu đồng một m2 năm 2019 lên khoảng 200 triệu đồng một m2.

Tại Bình Dương, sau khi lên thành phố, giá đất TP Dĩ An và Thuận An đã tăng khoảng 30%-40%, có vị trí tăng gấp đôi so với cách đây 2-3 năm. Trong khi đó, tại Tân Uyên, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn ngay từ quý 1 khi mới manh nha thông tin lên thành phố, nhà đất Tân Uyên ghi nhận mức quan tâm tăng 38%-65% so với cuối năm 2020, giá BĐS cũng tăng gần 30%.

Như vậy để thấy, khi Bình Chánh chính thức lên quận hoặc thành phố, khu trung tâm với sự tập hợp tất cả loại hình dịch vụ, tập trung dân cư đông đúc sẽ kích thích thị trường bất động sản tăng trưởng “nóng” và có giá trị gia tăng cao bậc nhất khu vực.

“Hạt nhân” trung tâm hành chính

Trước khi lên thành phố, Thủ Đức đã lấy hiện trạng sẵn có của khu vực để phân bổ các phân khu chức năng phù hợp. Đơn cử như Thủ Thiêm với cơ sở hạ tầng đáp ứng cho kinh tế tài chính đã được chọn là trung tâm tài chính của toàn TP. Thủ Đức. Kịch bản này có thể lặp lại tại Bình Chánh trong tương lai mà khu trung hâm hành chính hiện hữu nhiều khả năng sẽ là trung tâm hành chính của TP. Bình Chánh và của toàn khu Tây trong thời gian tới.

Hiện nay, trong lộ trình quyết tâm đưa Bình Chánh lên quận hoặc thành phố, khu trung tâm hành chính được xem là đòn bẩy quan trọng và là chiến lược dài hơi đã được địa phương xây dựng từ nhiều năm qua. Vai trò của khu trung tâm hành chính Bình Chánh tương tự như KĐT mới Thủ Thiêm tại phía Đông hoặc KĐT Phú Mỹ Hưng tại phía Nam.

Khu trung tâm hành chính Bình Chánh với đầy đủ tiện ích công. Ảnh minh họa

Phát triển từ năm 2013, đến nay khu hành chính đã trở thành trung tâm văn hóa – thương mại của Bình Chánh nói riêng và toàn khu Tây nói chung. Toàn khu hành chính tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tân Túc, được quy hoạch khoa học với hàng loạt tiện ích công bao gồm UBND, chi cục thuế, trụ sở công an, bệnh viện, trường mầm non, nhà thiếu nhi, công viên kiểu mẫu rộng 2ha. Bao quanh khu vực này nhanh chóng hình thành các cung đường thương mại sầm uất, đơn cử như đường Nguyễn Hữu Trí, đường Tân Túc (rộng 6 làn xe).

Đóng vai trò trung tâm đầu não, khu hành chính cũng được ưu tiên phát triển mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện với các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, tương lai sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, tuyến Metro 3A, tuyến BRT số 1,.. Sự phát triển về hạ tầng giúp cư dân dễ dàng di chuyển tới Quận 1, trung tâm tài chính Thủ Thiêm (qua Võ Văn Kiệt), Phú Mỹ Hưng (qua Nguyễn Văn Linh) trong khoảng 20 phút.

Đặc biệt, hàng loạt dự án lớn cũng có xu hướng dịch chuyển về gần khu trung tâm hành chính, tạo ra chuỗi đô thị hóa hiện đại liên hoàn, mang đến diện mạo mới năng động, xứng tầm vóc của một thành phố tương lai.

Đông Tư

FILI