Triển vọng nào ở TCB, SZC, DPR?

Triển vọng nào ở TCB, SZC, DPR?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua TCB do có lợi thế cạnh tranh từ hệ sinh thái; mua SZC do có lợi thế quỹ đất sạch lớn và tiềm năng phát triển tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu; mua DPR do khả năng cao có thể hoàn thành kế hoạch năm 2021 nhờ tiền bồi thường đất trồng cao su.

Mua TCB với giá mục tiêu 71,000 đồng/cp

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB) có lợi thế cạnh tranh bền vững đến từ hệ sinh thái mạnh, chiến lược huy động hiệu quả và hợp lý và tiên phong trong đầu tư công nghệ.

Chiến lược tập trung xây dựng nền tảng huy động chi phí thấp và bền vững ngay từ sau giai đoạn xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng trái phiếu VAMC đã mang lại nhiều lợi thế lớn cho TCB. Dựa trên điểm mạnh về huy động, TCB duy trì được NIM cao trong khi vẫn tiếp cận được hồ sơ tín dụng tốt và không cần tham gia các lĩnh vực rủi ro. Yếu tố này trực tiếp giúp TCB dễ dàng định giá sản phẩm cho vay cạnh tranh và phù hợp với khẩu vị, dẫn đến năng lực kiểm soát chi phí rủi ro tốt. Đồng thời, mạng lưới tiền gửi có tính gắn kết cao là cơ sở để TCB thực hiện bán chéo sản phẩm dịch vụ và thúc đẩy thu nhập ngoài lãi.

Nguồn: VDSC

Lợi thế của mạng lưới tiền gửi khách hàng một phần đến từ hệ sinh thái của TCB. Các đối tác của ngân hàng bao gồm các tập đoàn lớn trải rộng nhiều lĩnh vực như phát triển và phân phối bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại, sản xuất và láp ráp ô tô, bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng, khai khoáng, hàng không,… Trong đó, VDSC đánh giá chuỗi giá trị liên quan đến bất động sản và bán lẻ mà các đối tác của TCB đang sở hữu sẽ giúp cải thiện và duy trì lợi thế về mạng lưới tiền gửi và thúc đẩy thu nhập phí. Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược tham gia sâu rộng, mở rộng hệ sinh thái theo chiều dọc trong mỗi lĩnh vực này của TCB.

Vè công nghệ, VDSC kì vọng TCB sẽ tiếp tục cải thiện khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ cạnh tranh và chất lượng với độ an toàn hàng đầu. Đồng thời, việc TCB chi tiêu lớn cho hệ thống ngân hàng lõi đám mây nhằm tích hợp tốt các dịch vụ và công nghệ tiên tiến sẽ gây áp lực lên các ngân hàng khác trong cuộc đua đầu tư công nghệ. Một trong những lợi thế của TCB trong cuộc đua này là hiệu quả hoạt động cao và nguồn lợi nhuận được giữ lại lớn nhằm duy trì nguồn lực đầu tư.

VDS đánh giá rằng giai đoạn dịch được kiểm soát dần sẽ dẫn đến xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam lẫn thế giới, chính sách tiền tệ duy trì mở rộng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho TCB đạt tốc độ mở rộng bảng cân đối cao. Tăng trưởng tổng tài sản được kỳ vọng đạt bình quân 23.2% giai đoạn 2021-2025, so với mức 18% của giai đoạn 2016-2020.

Trong ngắn hạn, nguồn thu nhập đa dạng và tập khách hàng cao cấp là động lực duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận. TCB đang giao dịch ở mức P/B dự phóng 2021 là 1.9 lần, thấp hơn 13% so với ngành, dù ROE dự phóng cao hơn 12% chưa tính đến quỹ khen thưởng phúc lợi.

Dựa trên hệ sinh thái bền vững, VDSC khuyến nghị mua TCB với giá mục tiêu 71,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua SZC với giá mục tiêu 59,800 đồng/cp

Theo CTCK MB (MBS), CTCP Sonadezi Châu Đức (HOSE: SZC) có diện tích đất sạch có khả năng cho thuê, kinh doanh còn rất lớn. Ước tính diện tích đất cho thuê khu công nghiệp (KCN) đến cuối 2021 của SZC còn khoảng 620 ha, trong đó diện tích sẵn sàng cho thuê là gần 300 ha. Đối với khu đô thị, toàn bộ diện tích đất thương phẩm với khoảng 220 ha là tiềm năng tăng trưởng mạnh trong những năm tới, khi giá cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị đang tăng nhanh tại khu vực.

Nguồn: MBS

Khu vực hoạt động chính của SZC là Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT với lợi thế phát triển KCN như hệ thống cảng nước sâu Cái Mép- Thị Vải, cụm điện khí Phú Mỹ, thành phố biển Vũng Tàu, khu du lịch nghỉ dưỡng biển Long Hải- Hồ Tràm- Bình Châu... Trong 9 tháng đầu năm 2011, đầu tư vào BRVT đạt 39 dự án gồm 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 950 triệu USD, hoàn thành 150% kế hoạch năm và vượt 52% cùng kỳ.

Hiện tại BRVT có 15 KCN đang hoạt động với tổng diện tích trên 8,700 ha với tỷ lệ lấp đầy tăng cao. Để nắm bắt cơ hội dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tăng lên, tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển thêm 4 KCN mới với tổng diện tích khoảng 5,700 ha trong giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.

Trong tháng 7, SZC đã triển khai đợt đầu tiên bán sản phẩm dự án khu dân cư (KDC) Hữu Phước bằng hình thức Hợp đồng hợp tác đầu tư góp vốn xây dựng hạ tầng khu đô thị, nhà đầu tư sẽ nhận lại bằng sản phẩm đất nền hoặc nhà ở được xây dựng hoàn chỉnh theo quy định. Bằng hình thức này, SZC đã đưa sản phẩm ra thị trường trong khi vẫn tiếp tục chờ phê duyệt từ UBND tỉnh cho phép bán hàng.

Theo MBS, trong đợt đầu thực hiện, SZC đã hoàn thành các Hợp đồng hợp tác với khoảng 170 sản phẩm. Đây là các căn nhà liền kề tại giai đoạn 1 với diện tích từ 175 m2 – 196 m2. Hợp đồng hợp tác có thời gian thực hiện 12 tháng, với 4 đợt thanh toán chi phí đầu tư để nhận lại sản phẩm đất nền. CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) là một trong những khách hàng lớn tham gia.

Năm 2021, MBS dự báo doanh thu SZC đạt 660 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 347 tỷ đồng, lần lượt tăng 52% và 48% so với 2020.

Với tiềm năng từ quỹ đất và khu vực hoạt động, MBS khuyến nghị mua SZC với giá mục tiêu 59,800 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua DPR với giá mục tiêu 91,000 đồng/cp

Theo CTCK Mirae Asset Việt Nam, dù ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhưng kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của CTCP Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) vẫn còn cách khá xa mục tiêu được ĐHĐCĐ đề ra cho cả năm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 420 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 65% so với cùng kỳ. Nhưng so với kế hoạch 1,045 tỷ đồng doanh thu và 419 tỷ đồng lãi sau thuế, DPR chỉ mới thực hiện được 39% mục tiêu tổng doanh thu và 25% kế hoạch lợi nhuận.

Tuy nhiên, tình hình đã khả quan hơn trong tháng 8, sản lượng cao su tiêu thụ của DPR đạt 2,224 tấn, tăng 134% so với bình quân tháng và tăng 83% so với tháng trước. So với sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm là 4,104 tấn, có thể thấy sản lượng tiêu thụ của DPR sẽ tập trung vào giai đoạn cuối năm.

Ngoài kinh doanh cao su, DPR hiện đang quản lý 9,900 ha đất trồng cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước, theo kế hoạch 2020-2030, diện tích vườn cây cao su của Đồng Phú sẽ thu hẹp xuống còn 6,000 ha. Gần 4,000 ha đất cao su của Công ty sẽ được chuyển đổi thành KCN và khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, 2,000 ha sẽ được chuyển giao cho UBND tỉnh Bình Phước với giá bồi thường dự kiến 1 tỷ đồng/ ha, phần còn lại DPR sẽ sử dụng để phát triển KCN và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã có quyết định thu hồi hơn 114 ha đất của DPR để cho thuê và thực hiện hai dự án cụm công nghiệp Tân Tiến 1 và 2 tại ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Như vậy, giai đoạn cuối năm DPR sẽ có sự đóng góp thêm từ việc nhận bồi thường quỹ đất trồng cao su, điều này củng cố kỳ vọng Công ty sẽ hoàn thành mức kế hoạch lợi nhuận được ĐHĐCĐ giao phó.

Dự phóng kết quả kinh doanh của DPR trong năm 2021

Với việc Công ty có khả năng cao thực hiện được kế hoạch kinh doanh năm 2021, Mirae Asset khuyến nghị mua DPR với giá mục tiêu 91,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

---

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Thượng Ngọc

FILI