Đu đỉnh cổ phiếu vốn hóa lớn, phải làm sao?

Đu đỉnh cổ phiếu vốn hóa lớn, phải làm sao?

Sau cơn sóng của đại dịch, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn rơi vào thời kỳ sụt giảm mạnh như VCB, VIB, CTG, VHM… Trên các diễn đàn, không ít nhà đầu tư thắc mắc vì sao những cổ phiếu lớn như VNM, VHM, CTG… lại không tăng điểm.

Vốn hóa lớn sao “không lớn”?

Giới đầu tư gần đây mang không ít trăn trở với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi vì “đu đỉnh” khi mua các cổ phiếu lớn này ở những vùng giá cao. Trên các diễn đàn, không ít nhà đầu tư thắc mắc vì sao những cổ phiếu lớn như VNM, VHM, CTG… lại không tăng điểm.

Chẳng hạn như VNM sau khi lập đỉnh 113,000 đồng/cp (tháng 1/2021), mã này cắm cúi giảm về quanh vùng giá 90,000 đồng/cp (tháng 10/2021). Sau đỉnh 42,000 đồng/cp (tháng 6/2021), CTG cùng giảm mạnh về dưới 30,000 đồng/cp (tháng 10/2021).

Diễn biến gần đây của một số mã vốn hóa lớn trên thị trường
Nguồn: stockchart.vietstock.vn

Vốn hóa thị trường là tổng giá trị thị trường của vốn cổ phần do một công ty phát hành trong thời điểm hiện tại. Cổ phiếu vốn hóa lớn thường rơi vào các doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động lâu năm. Thông thường, các cổ phiếu này có độ an toàn cao đã được chứng minh qua bề dầy hoạt động nhiều năm, vận hành bài bản và được bảo trợ bởi các nhà đầu tư tổ chức cũng như các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước. Do đó, cổ phiếu này đều được coi là có cơ bản tốt và được khuyến nghị với triển vọng trong dài hạn. Trong danh mục của các quỹ đầu tư, cổ phiếu vốn hóa lớn thường chiếm chủ đạo về tỷ trọng.

Top 10 tỷ trọng NAV của một quỹ đầu tư chủ yếu là cổ phiếu vốn hóa lớn

Thế nhưng, nhiều mã vốn hóa lớn trong giai đoạn này liên tục tìm đáy khiến nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ đây có phải cổ phiếu tốt. “Bỏ thì thương mà vương thì tội”, nhìn khoản lỗ trong tài khoản nhà đầu tư không khỏi băn khoăn liệu có nên cắt lỗ vì lỡ đâu cổ phiếu lại tăng mạnh.

Giải thích về đà giảm của các mã vốn hóa lớn, ông Nguyễn Kim Chi - Nhà sáng lập của Cộng đồng đầu tư Hello Stock cho rằng, cổ phiếu vốn hóa lớn giảm gần đây nguyên do chính đến từ tình hình dịch bệnh trong quý 3, kinh tế bị đóng băng khiến các doanh nghiệp đầu ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm ngân hàng với các vấn đề như nợ xấu, tăng trưởng tín dụng….

Về mặt tâm lý, nhà đầu tư cắt giảm danh mục và thoát khỏi nhóm vốn hóa lớn khiến dòng tiền rời khỏi nhóm này. Mặt khác, đây là các cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó nên cần điều chỉnh kỹ thuật để tìm mặt bằng hợp lý.

Tuy nhiên, về mặt nội tại, các doanh nghiệp vốn hóa lớn là những doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ tình hình rủi ro tốt nhất. Nhưng, trong quá trình tận dụng thì họ phải có những sắp xếp lại để gia tăng năng lực sản xuất. Với triển vọng tiêm vắc xin và kinh tế 2022, cơ hội từ tái mở cửa nền kinh tế của các doanh nghiệp vốn hóa lớn là rất quan trọng. Sau dịch, các doanh nghiệp này sẽ phát triển ở mức cao hơn.

Nỗi lòng nhà đầu tư ở đỉnh. Đồ họa: Tuấn Trần

Làm sao khi trót “đu đỉnh”?

Theo ông Chi, khi đã lỡ “đu đỉnh” nhà đầu tư cần phải xác định mình mua cổ phiếu theo trường phái nào để có hướng xử lý thích hợp.

Nếu đầu tư vào cốt lõi doanh nghiệp thì phải xác định đây có phải là điều chỉnh ngắn hạn. Phải xác định khung thời gian nắm giữ theo chu kỳ kinh doanh, ít nhất 1 quý doanh nghiệp mới ra báo cáo 1 lần. Cần nắm giữ xuyên suốt nhiều quý thì kết quả kinh doanh mới có thể phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu.

Nếu lướt sóng thì cần có các ngưỡng cắt lỗ. Việc cắt lỗ phải tham khảo trên một bộ tiêu chí rõ ràng dựa trên thông tin cơ bản. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, tình hình kinh doanh diễn biến xấu thì phải cắt lỗ không quan tâm mức phần trăm lỗ. Còn nếu doanh nghiệp không có khó khăn gì thì phải xem xét phân tích kỹ thuật. Nếu cắt lỗ theo tiêu chí rõ ràng như vậy thì khả năng cắt sai là rất thấp.

Trong trường hợp nhà đầu tư đã nắm giữ và lỡ “xa bờ” rồi thì phải xem xét để cơ cấu danh mục. Xem xét cổ phiếu đã tạo đáy kỹ thuật và kinh doanh chưa, nếu doanh nghiệp có khả năng hồi phục thì tiếp tục nắm giữ. Còn nếu doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục vì còn nhiều khó khăn thì nên chuyển sang các doanh nghiệp triển vọng hơn, ít nhất là quý gần nhất phải sáng sủa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Điệp – Chuyên gia chứng khoán đánh giá ở vùng điểm hiện tại của VN-Index, các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đã có mức điều chỉnh lớn. Nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt, nếu nhà đầu tư không giữ vững tinh thần mà bán ra thì e sợ là sẽ bán ở vùng giá thấp nhất và khó có hy vọng mua lại được ở vùng giá thấp hơn. Nếu nhà đầu tư đã mua ở vùng giá cao để lựa chọn thời điểm để mua thêm.

Vị chuyên gia cho rằng mỗi quyết định lựa chọn và mua cổ phiếu đều phải theo phương pháp và nhà đầu tư phải tuân thủ triệt để. Nếu nhà đầu tư mua và đặt mức cắt lỗ là 7% thì phải tuân theo, kể cả đó là cổ phiếu tốt và cổ phiếu vốn hóa lớn. Còn nếu áp dụng phương pháp khác như mua nhiều lần để tích lũy thì nên chọn các mức định giá, khi cổ phiếu về các mức định giá đó thì tích lũy thêm.

Muốn giữ được tinh thần để không “mất hàng” thì nhà đầu tư phải xác định rõ phương pháp đầu tư. Nếu nhà đầu tư mua theo cơ bản, doanh nghiệp có nội tại tốt, triển vọng kinh doanh không đổi thì phải xác định các cú giảm trên thị trường là ngắn hạn. Khi đó, tâm lý của nhà đầu tư sẽ ổn định hơn nhiều.

Nếu mua không có phương pháp, không có lý do hay mua theo tin đồn, hô hào thì khi thị trường giảm, nhà đầu tư sẽ rất dễ rơi vào hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu tốt ở vùng giá thấp. Cho nên không còn cách nào khác ngoài cách học hỏi, nghiên cứu kỹ càng và thận trọng khi mua cổ phiếu để xác định được các tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, nếu không có gì ảnh hưởng đáng kể tới nội tại doanh nghiệp thì không có gì phải lo lắng.

Chí Kiên

FILI