Chứng khoán – Những rào cản tiềm ẩn

Chứng khoán – Những rào cản tiềm ẩn

Sau khi vượt kháng cự 1,360 điểm, chỉ số VN Index đã xác lập xu hướng tăng trở lại và đang hướng đến kỷ lục cũ gần 1,425 điểm đạt được vào đầu tháng 7 năm nay. Bất chấp lợi nhuận quý 3 của phần lớn các doanh nghiệp được dự báo tiêu cực, thị trường vẫn đang thể hiện đà tăng mạnh mẽ, dù vậy, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng những rủi ro tiềm ẩn, mà nếu diễn biến ngoài tầm kiểm soát có thể cản trở hoặc thậm chí khiến thị trường đảo chiều trong thời gian tới.

Rào cản phục hồi và rủi ro thị trường trái phiếu

Giới đầu tư cho rằng diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán hiện nay phản ánh kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi nhanh trở lại trong quý 4, đặc biệt là từ năm 2022 trở đi, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bật lại mạnh mẽ sau khi chính sách giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Quá khứ cũng cho thấy thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước những kỳ vọng tích cực của nền kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý sự hồi phục có thể không đến sớm như dự tính, khi hiện nay vẫn tồn tại không ít cản trở đối với nền kinh tế, trong khi các tổ chức cũng tin rằng Việt Nam chỉ có thể mở cửa dần các hoạt động. Một trong những rào cản được nhắc đến nhiều gần đây là gánh nặng nợ xấu có thể khiến dòng vốn lại bị tắc nghẽn, đẩy các doanh nghiệp vào thế không thể tiếp cận thêm vốn để khôi phục lại hoạt động và vượt qua khó khăn.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu tính đến cuối tháng 6 vừa qua đã leo lên mức 3.66%. Còn nếu tính luôn các khoản nợ cơ cấu lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7.21% và dự kiến đến cuối năm nay có thể chạm mốc 8%.

Rào cản thứ hai, sự thiếu hụt nguồn nhân lực hậu giãn cách do một lượng lớn lao động đã về quê trong những tháng qua và chưa có ý định quay trở lại thành phố lớn – các trung tâm kinh tế. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 12/10 cho thấy, đã có đến 1.3 triệu lao động rời các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Trong số 930,000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.

Một thách thức khác tác động khó lường là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trái phiếu – vốn đã được cảnh báo liên tục thời gian qua, cũng có thể lây lan sang thị trường cổ phiếu. Mới đây, một lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ quan này dự kiến trong tháng 10 sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra một số công ty chứng khoán trong việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Chính sách đón lao động từ các địa phương về lại thành phố cũng gặp không ít thách thức do chính sách quản lý, giám sát chặt chẽ đi lại của các địa phương, cũng như sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các tỉnh thành thời gian qua. Lực lượng lao động di chuyển qua các địa phương cũng gặp nhiều bất cập và trở ngại do chính sách này, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn chứ chưa thể vận hành trơn tru ngay lập tức.

Một thách thức khác, tác động khó lường là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường trái phiếu – vốn đã được cảnh báo liên tục thời gian qua, cũng có thể lây lan sang thị trường cổ phiếu. Mới đây một lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, cơ quan này dự kiến trong tháng 10 sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra một số công ty chứng khoán trong việc tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Sau khi kiểm tra công ty chứng khoán nêu trên, UBCKNN sẽ xem xét tiếp tục tổ chức đoàn kiểm tra doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo tiêu chí quy mô phát hành, lãi suất, tài sản đảm bảo.

Rủi ro địa chính trị, thương mại và thắt chặt chính sách

Bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực trong nước, thị trường cũng có thể chịu tác động bởi những diễn biến khó lường từ thị trường quốc tế. Ngoài câu chuyện Evergrande có nguy cơ phá sản sẽ kéo theo nền kinh tế Trung Quốc vốn đã gây áp lực lên thị trường tài chính khu vực trong những tuần gần đây, và dự kiến sẽ còn tiếp tục, giới đầu tư có lẽ sẽ theo dõi chặt chẽ hơn những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng gần đây cũng liên quan đến Trung Quốc.

Cụ thể là mối quan hệ giữ Trung Quốc và Đài Loan, khi những ngày qua hàng chục máy bay Trung Quốc liên tục áp sát và xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đáp trả hành động này, phía Đài Loan đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh cận kề, trong khi truyền thông quốc tế đưa tin Mỹ đã bí mật cử quân hỗ trợ Đài Loan ít nhất đã 1 năm nay. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, các thị trường tài chính có thể lại chịu áp lực khi tâm lý nhà đầu tư vốn dễ bị tổn thương trước những nguy cơ xung đột quân sự.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc cũng đang chuẩn bị nối lại đàm phán thỏa thuận thương mại, vốn đã ngưng trệ kể từ khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết hồi đầu năm 2020, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, nhưng thời gian qua được đánh giá là thất bại trong việc giám sát thực thi. Lần này, một thỏa thuận nối tiếp có thể được triển khai dưới thời ông Biden, nhưng trong trường hợp nếu thỏa thuận lại thất bại, có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực lên thị trường tài chính toàn cầu.

Cuối cùng, khả năng thu hẹp chương trình mua tài sản của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu diễn ra vào cuối năm nay và kế tiếp là động thái nâng lãi suất cơ bản trở lại trong năm 2022, cũng sẽ khiến các thị trường tài sản phải dè chừng. Dù thị trường lao động chưa đạt được mức toàn dụng nhân công, nhưng nếu rủi ro lạm phát ngoài tầm kiểm soát, nhất là khi giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt trong suốt nhiều tháng qua, giới hoạch định chính sách buộc phải có hành động sớm hơn để ngăn chặn bất ổn.

Tại Việt Nam, dù có những đề xuất, dự báo rằng NHNN có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, thông qua việc giảm lãi suất điều hành và giới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhưng mới đây, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quí 3-2021 diễn ra chiều ngày 12/10, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này sẽ không giảm thêm lãi suất trong năm nay. Về tăng trưởng tín dụng, tuy mục tiêu 12% có thể linh hoạt nếu lạm phát vẫn được kiểm soát, nhưng sẽ không nới lỏng các điều kiện vay vốn để tránh phải trả giá đắt trong tương lai.

Nhung Võ

FILI