Ngành xây dựng quý 2: ‘Thành trì’ vẫn được giữ vững

Ngành xây dựng quý 2: ‘Thành trì’ vẫn được giữ vững

Sau khi vun đắp cẩn thận nền móng trong quý đầu năm, nhóm doanh nghiệp xây dựng vẫn giữ vững được thành trì kiên cố trong quý 2 bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh và làn sóng tăng giá nguyên vật liệu.

Theo dữ liệu của VietstockFinance, trong tổng số 117 doanh nghiệp xây dựng công bố BCTC quý 2/2021, có 42 doanh nghiệp tăng lãi34 doanh nghiệp giảm lãi10 doanh nghiệp có lãi chuyển lỗ12 doanh nghiệp giảm lỗ14 doanh nghiệp có lỗ chuyển lãi và 5 doanh nghiệp tăng lỗ.

Với kết quả đó, nhóm doanh nghiệp xây dựng đã tạo ra hơn 42,183 tỷ đồng doanh thu thuầntăng 21% so với cùng kỳ và lãi ròng tăng 8%, đạt gần 1,604 tỷ đồng.

Thế cục lãi trăm tỷ ‘xoay vần’

3 doanh nghiệp xây dựng báo lãi hơn trăm tỷ đồng. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong quý đầu năm 2021, 3 doanh nghiệp đại diện nhóm ngành xây dựng báo lãi trăm tỷ là REE, VCGBCG. Tuy nhiên, thế cục đã có sự chuyển biến ở quý 2, duy chỉ còn REE giữ vững được tốc độ, VCGBCG lọt khỏi danh sách và thay vào đó là sự góp mặt của PC1TCD.

Mặc dù thu lãi hơn trăm tỷ đồng, nhưng mức tăng của CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSEREE) lại không biến động quá lớn so với cùng kỳ, chỉ tăng 3%, đạt 383 tỷ đồng do chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí tài chính. Trong quý 2, doanh thu thuần của REE đạt hơn 1,636 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong khi doanh thu từ cơ điện lạnh sụt giảm đáng kể, chỉ ghi nhận doanh thu từ hạ tầng điện, nước là điểm sáng trong quý 2 khi gấp 3 lần cùng kỳ.

Tổng tài sản của REE tại ngày 30/06/2021 tăng 48% so với đầu năm, đạt hơn 30,377 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng đột biến khi gấp 5.8 lần đầu năm, chủ yếu đến từ các dự án điện gió.

Tương tự, nhờ lãi trong công ty liên doanh, liên kết là CTCP Gang thép Cao Bằng và thu nhập khác tăng đã giúp lãi ròng của Xây lắp Điện I (HOSEPC1) tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 131 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (HOSETCD) thay thế Công ty mẹ Bamboo Capital (HOSEBCG) lọt vào danh sách lãi trăm tỷ, đạt 129 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ. Doanh thu cũng tăng tốc 93% nhờ thúc đẩy bởi doanh thu từ hoạt động xây dựng, tăng 382% so cùng kỳ, nhờ ghi nhận doanh thu từ các dự án bất động sản, năng lượng áp mái và nhà máy năng lượng mặt trời. Ngoài ra, doanh thu khai thác đá (Antraco) tăng 9% so cùng kỳ.

Trong kỳ, TCD tiếp tục ký kết các hợp đồng xây dựng các dự án bất động sản với tổng giá trị của các hợp đồng là 1,696 tỷ đồng.

Hay như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSEHBC) cũng ghi nhận lãi ròng gần 66 tỷ đồng trong quý 2/2021, gấp gần 35 lần so với cùng kỳ nhờ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Dòng tiền kinh doanh của HBC trong nửa đầu năm đã được cải thiện và dương trở lại với gần 733 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 451 tỷ đồng.

Top 20 doanh nghiệp xây dựng báo lãi tăng mạnh trong quý 2/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đến từ các dự án đã hoàn thiện là Lavita Charm và Q7 Boulevard do HTN làm tổng thầu cũng đã giúp CTCP Hưng Thịnh Incons (HOSEHTN) thu về hơn 82 tỷ đồng lãi ròng trong quý 2, gấp 31 lần cùng kỳ. Trong thời gian sắp tới, HTN dự kiến sẽ triển khai bàn giao khu biệt thự nghỉ dưỡng ven biển Cam Ranh Mystery Villas (Tỉnh Khánh Hòa).

Gam màu tối trong bức tranh toàn ngành

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh nhiều đơn vị thành viên của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) gặp khó khăn, thua lỗ, làm cho lỗ hợp nhất quý 2 của PVX tăng so cùng kỳ, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/06/2021 lên hơn 4,022 tỷ đồng.

Doanh nghiệp xây dựng tiếp tục thua lỗ trong quý 2/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tuy nhiên, PVX chưa phải là đơn vị lỗ nặng nhất, thay vào đó chính là một ông lớn Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSEVCG). Không chỉ “cuốn gói” rời khỏi top báo lãi trăm tỷ, “ông lớn” ngành xây dựng còn gây bất ngờ với khoản lỗ khủng hơn 91 tỷ đồng. Không chỉ vậy, dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh của VCG trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận âm 2,676 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ âm hơn 58 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VCG qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Lý giải cho kết quả không mấy khả quan, VCG cho biết lợi nhuận từ các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các đơn vị thành viên vẫn đảm bảo theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong quý 1, tổng công ty đã chuyển nhượng một phần cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (ND2), giảm tỷ lệ sở hữu từ 73% xuống 38% và ghi nhận khoản lợi nhuận 436 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Trong quý 2, VCG lại nhận chuyển nhượng một phần cổ phần tại ND2 để nâng tỷ lệ sở hữu từ 38% lên 51%. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, tổng công ty phải giảm trừ khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng số cổ phần tương ứng với 35% vốn điều lệ tại ND2 đã ghi nhận trong lợi nhuận hợp nhất quý 1.

Doanh nghiệp xây dựng có lãi hóa lỗ trong quý 2. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Do không còn ghi nhận nguồn thu thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HOSECTI) ngậm ngùi báo lãi ròng quý 2 giảm mạnh 76% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 12.7 tỷ đồng.

Top 20 doanh nghiệp xây dựng báo lãi giảm trong quý 1/2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Coteccons (HOSECTD) cũng báo lãi ròng giảm trong quý 2/2021. Dù vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, CTD đã trúng 18 gói thầu dự án trải dài trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam, với tổng giá trị các gói là hơn 14,200 tỷ đồng.

Theo Tổng cục thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng quý 2/2021 vẫn còn nhiều khó khăn với 48.6% số doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý 1/2021, 34.1% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD vẫn ổn định, chỉ có 17.3% số doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD thuận lợi hơn. Theo nhận định của doanh nghiệp, quý 3/2021 hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục duy trì nhịp độ như quý 2/2021 với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD thuận lợi hơn là 17.8%, 33.6% số doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 48.6% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.

Về phía Mirae Asset, CTCK nhận định giá thép tăng quá cao sẽ khiến ngành xây dựng và đầu tư công chững lại. Ngành xây dựng năm 2021 dự phóng tăng trưởng rất nhẹ hoặc trong trường hợp xấu nhất là suy giảm. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp xây dựng đã quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, vốn có thể khiến tiến độ chậm hơn từ 6-18 tháng.

Tiên Tiên

FILI