Chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ, DL1 thay tên liệu có đổi vận?

Chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ, DL1 thay tên liệu có đổi vận?

Cổ phiếu DL1 của CTCP Tập đoàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam liên tục sụt giá trong thời gian gần đây và đã quay lại mức thấp nhất trong 4 năm. DL1 hiện chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ với mức giảm giá đến gần 12 lần từ đỉnh. Đã “thay tên” 2 lần chỉ trong chưa đầy 1 năm, liệu DL1 có sớm “đổi vận”?

Quá khứ tăng giá gần 12 lần chỉ trong nửa năm

Nhìn vào giá cổ phiếu hiện chỉ giá trị xấp xỉ ly trà đá của DL1, nhiều nhà đầu tư hẳn sẽ bất ngờ khi biết cổ phiếu này từng có giá gần 70,000 đồng/cp. Thị giá 5,900 đồng/cp chốt phiên 16/07/2021 cũng đánh dấu việc DL1 quay lại mức thấp nhất trong hơn 4 năm.

Giai đoạn hồi tháng 06/2017 đồng thời là cột mốc khởi đầu cơn bão tăng giá phi mã của cổ phiếu này trong quá khứ. Cụ thể, chỉ trong vỏn vẹn nửa năm, DL1 đã leo dốc dựng đứng đến 1,053% (gấp gần 12 lần), đạt đỉnh 68,000 đồng/cp vào phiên 02/01/2018.

Diễn biến giá cổ phiếu DL1 từ khi niêm yết đến hết phiên 16/07/2021

Gắn liền với giai đoạn này chính là lần tăng vốn "khủng" vào tháng 11/2017. Khi đó DL1 phát hành thành công hơn 84.2 triệu cp để tăng vốn từ gần 169 tỷ đồng một mạch lên thành hơn 1,000 tỷ đồng (giữ nguyên đến nay). Nghịch lý xảy ra khi thanh khoản DL1 sụt giảm mạnh mẽ kể từ sau khi tăng vốn.

Một cổ phiếu từng dính “vết đen” bị thao túng giá

Những nhà đầu tư gắn bó lâu năm trên thị trường chứng khoán chắc hẳn còn nhớ vụ việc thao túng giá cổ phiếu DL1 gây rúng động vào 2 năm trước.

Cụ thể, ngày 28/05/2019, UBCKNN đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thanh Lâm. Cá nhân này bị phạt tiền 550 triệu đồng do hành vi đã sử dụng 57 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DL1. Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số thu lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Thanh Lâm.

Như đã đề cập, nửa cuối năm 2017 chính là giai đoạn DL1 bất ngờ tăng giá phi mã cùng với nhiều phiên giao dịch đạt khối lượng cao đến 1-2 triệu cp/phiên.

Việc dính vào “vết đen” bị thao túng giá khiến giới đầu tư dần ngoảnh mặt, DL1 rơi vào quên lãng ngay sau đó. Thanh khoản cổ phiếu ngày càng heo hút, thị giá không có bất kỳ dấu hiệu khởi sắc khi liên tiếp giảm điểm. Sau hơn 4 năm, DL1 đã sụt giá gần 12 lần so với đỉnh lịch sử 68,000 đồng/cp.

DL1 là một cổ phiếu từng bị thao túng giá. Hình minh họa

Thay tên liệu có đổi vận?

Nhìn lại lịch sử, DL1 tiền thân là Chi nhánh Bến xe Liên tỉnh Đức Long Gia Lai, hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2007 và đang nắm giữ vị trí độc quyền về bến bãi và các hoạt động gia tăng từ vận chuyển hành khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Sau cổ phần hóa, DL1 gắn bó với cái tên CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai. Cổ đông lớn nhất tại đây suốt nhiều năm trời vẫn là ông Bùi Pháp - Chủ tịch Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG), hiện sở hữu hơn 24% vốn.

Đến tháng 8/2020, Công ty đã quyết định đổi tên thành Tập đoàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam. Điều này liên quan đến việc cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh. Cụ thể, năm 2020, DL1 tham gia góp vốn thành lập CTCP Năng lượng tái tạo Chưprông với số vốn góp 84.5 tỷ đồng, chiếm 65% vốn điều lệ. Song song đó, DL1 còn nhận chuyển nhượng cổ phần của ông Bùi Minh Long tại CTCP Điện mặt trời DLG Ninh Thuận. Ở thương vụ thứ hai, DL1 sở hữu 10.5 triệu cp tương đương 50% vốn điều lệ.

Chưa dừng lại, ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua tiếp tục chấp thuận việc đổi tên doanh nghiệp thành CTCP Tập đoàn Alpha Seven, trụ sở Công ty cũng chuyển từ Gia Lai vào Tp.HCM. Điều này được cho là phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn 2020-2025, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện từ từ hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp – xây dựng – bất động sản, bến xe – bãi đỗ xe, thương mại – dịch vụ.

Chiến lược là vậy, còn hiện tại mảng năng lượng mới chiếm chưa đầy 0.1% doanh thu năm 2020. Hoạt động chủ lực đem về doanh thu cho DL1 vẫn từ việc bán đá và bán phân bón.

Cơ cấu doanh thu của DL1 từ 2019-2020. Nguồn: VietstockFinance

Nhiều giao dịch chồng chéo với bên liên quan

Nhìn vào quá khứ, đơn vị có liên quan mật thiết với DL1 chính là Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) khi cả 2 có chung cổ đông lớn là ông Bùi Pháp. Đồng thời, DL1 cũng ghi nhận rất nhiều giao dịch chồng chéo với DLG. Chi tiết hơn, vào năm 2019, DL1 ghi nhận tiền bán hàng (cho thuê xe, bán đá, bán phân bón) đối với DLG đạt trên 105 tỷ đồng. Sang 2020, con số này tiếp tục nâng lên thành 120 tỷ đồng.

Các giao dịch trong yếu của DL1 với DLG phát sinh trong năm 2019 và 2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC năm 2020 của DL1

Kết thúc năm 2020, DL1 đem về gần 189 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 35 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt thực hiện 94% và 177% kế hoạch đề ra. So với kết quả năm trước đó, lợi nhuận đạt mức tăng 122% và cũng là cao nhất từ khi niêm yết đến nay.

Xem xét báo cáo tài chính 4 năm gần đây của DL1, kết quả bất ngờ của 2020 đến từ 2 yếu tố. Thứ nhất, năm 2020, DL1 có khoản thu tài chính lớn 51 tỷ đồng (năm 2017 chưa đến 12 tỷ đồng) và thứ hai, Công ty không có khoản lỗ khác cao như 2018 (hơn 22 tỷ đồng) hay 2019 (hơn 10 tỷ đồng).

Trong khi đó, lợi nhuận gộp năm 2020 chỉ đem về 4.3 tỷ đồng, thấp nhất từ trước đến nay, bất chấp doanh thu vẫn xấp xỉ năm 2018. Biên lãi gộp liên tục suy yếu về ở mức 2.3% (năm 2018 đạt 6.3% và 2019 đạt 3.5%) cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của DL1 đang gặp không ít thách thức.

Kết quả kinh doanh của DL1 từ 2017-2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Kế hoạch lãi 40 tỷ đồng liệu có khả thi?

Ban lãnh đạo DL1 chỉ ra trong năm 2020, nền kinh tế nói chung và Công ty nói riêng đã chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh đó là thời tiết diễn biến phức tạp tác động đến giá lương thực, thực phẩm, giải ngân vốn đầu tư thấp, rào cản thủ tục khiến dự án chậm tiến độ,...

Tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại nhiều năm trên địa bàn thành phố Pleiku làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho hoạt động bến xe của DL1. Ngoài ra, việc giá cả nông sản đầy biến động và ngày càng có xu hướng giảm sâu làm cho sức mua và lượng tiền đưa vào đầu tư, tái canh, chăm sóc cây trồng giảm đáng kể... dẫn đến hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp và phân bón sụt giảm kéo dài.

Khó khăn vẫn đầy rẫy, song ngạc nhiên khi DL1 đặt mục tiêu doanh thu 450 tỷ đồng và lãi sau thuế 40 tỷ đồng cho năm 2021, lần lượt tăng trưởng 139% và 13%. Phía Công ty thừa nhận không ít thách thức chờ đón trong 2021 song vẫn kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, DL1 đang muốn đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để huy động nguồn lực từ bên ngoài.

DL1 đang cho vay mượn gần 500 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, tổng các khoản cho mượn, cho vay tại ngày 31/12/2020 của DL1 đạt trên 526 tỷ đồng, tăng thêm 35% so với cuối năm 2019. Đáng chú ý là tất cả các khoản cho vay mượn này đều không có tài sản đảm bảo. Trong đó, cho vay mượn ngắn hạn chiếm gần 171 tỷ đồng còn dài hạn đạt gần 356 tỷ đồng.

Đến cuối quý 1/2021, lượng tiền cho vay mượn giảm xuống còn 490 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền lớn nhất 259 tỷ đồng vẫn ghi nhận đối với Công ty TNHH MTV Phạm Linh Gia Lai. Theo tìm hiểu, đơn vị này mới thành lập được 3 năm (vào 06/07/2018), người đại diện là Giám Đốc Huỳnh Quốc Bình (sinh năm 1993). Về ngành nghề, Phạm Linh Gia Lai là doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn cho gia súc.

Việc cho vay mượn tới phân nửa vốn điều lệ Công ty (gần 1,012 tỷ đồng) mà không hề có tài sản đảm bảo đang là một điểm rủi ro tài chính đối với DL1.

Duy Na

FILI