ĐHĐCĐ PVTrans: Lãi trước thuế 5.5 tháng đầu năm đạt 420 tỷ đồng

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ PVTrans: Lãi trước thuế 5.5 tháng đầu năm đạt 420 tỷ đồng

Sáng ngày 15/06, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSEPVT) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Đại hội đã thông qua mục tiêu kinh doanh cũng như kế hoạch đầu tư trong năm 2021.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

ĐHĐCĐ thường niên 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng ngày 15/06/2021

Thảo luận:

Kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị thành viên?

Chúng tôi sẽ thoái vốn tại các đơn vị thành viên xuống còn 51% như ở GAS Shipping, PVTrans Pacific (hiện sở hữu 68% vốn).

Là Công ty vận tải, tại sao giá dầu tăng PVT lại không bị ảnh hưởng quá nhiều?

Giá dầu tăng không hẳn có lợi cũng không hẳn có hại. Giá dầu tăng phụ thuộc vào nhu cầu kinh tế. Giá dầu tăng, chi phí đầu vào tăng thì cước cũng tăng nên ảnh hưởng cũng không phải quá lớn đến chúng ta. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh các hợp đồng định hạn nghĩa là khách hàng sẽ trả giá dầu và chỉ trả PVT phí vận chuyển.  

Tại sao lại đặt kế hoạch kinh doanh thấp trong năm 2021 trong khi các năm trước luôn vượt kế hoạch đề ra?

Chúng tôi đặt kế hoạch này hồi tháng 10-11/2020 và được xây dựng theo một kế hoạch thận trọng nhất có thể. Hiện tại, PVT đã thực hiện vượt cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, thực hiện được 60% mục tiêu doanh thu và 84% mục tiêu lãi trước thuế cả năm. 

Cơ cấu doanh thu quốc tế và trong nước của PVT?

80% đội tàu đang vận chuyển ở quốc tế, chúng tôi ký theo hợp đồng định hạn trong 1-2 năm, còn trong nước chúng tôi vận chuyển theo giá cước. Vận tải quốc tế chiếm gần 60% tổng lợi nhuận của chúng tôi. Chúng tôi dự báo thị trường quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng chính trong doanh thu của PVT

Vận tải hóa chất và gas sẽ chiếm tỷ trọng lớn

Kế hoạch 2021 sẽ đầu tư mua tàu mới giá trị 80 triệu USD. Tỷ trọng các mảng kinh doanh chính trong 3 năm tới, mảng nào chiếm tỷ trọng lớn nhất, con số là bao nhiêu?

Chúng tôi đang rà soát kế hoạch sản xuất 5 năm. Trước đây, PVT đang dần dần tái cấu trúc và đa dạng hóa các mảng kinh doanh. Dầu thô đã giảm dần so với trước đây, vận tải hóa chất và gas đã tăng lên và sắp tới sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Mặc dù chưa có con số chính xác được, thị trường vận tải nhiều phân khúc không cùng lên hay cùng xuống mà có mảng này lên mảng kia xuống.

PVT đang tập trung mở rộng sang tàu gas lạnh. Với giá cước hiện nay, riêng con tàu này có thể đem về hơn 100 tỷ đồng.

Dự kiến tàu dầu thô chiếm 25%, tàu gas chiếm khoảng 25-30%, còn lại là các loại tàu khác.

Kế hoạch bán tàu Athena trong thời gian tới?

Chúng tôi đã bán thanh lý tàu Athena. Do tàu này hai mấy tuổi rồi nên giá bán sẽ cao hơn giá trị sổ sách. Hiện nay khấu hao của tàu đã là 0 rồi, riêng bán sắt vụn thôi đã là 10 triệu đô và khi bán tàu này sẽ đem lại lợi nhuận cho đơn vị thành viên và Tập Đoàn.

Tình hình giá cước quốc tế dầu thô, xu hướng giá cước như thế nào?

Giá dầu tăng thì lĩnh vực FTSO của PVT sẽ được hưởng lợi, giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực vận tải thì rất khó đánh giá, giá dầu tăng chưa chắc giá cước đã tăng, hay còn phụ thuộc vào kho chứa hay nhiều vấn đề khác. Nhìn chung, giá dầu chỉ là tham chiếu để đánh giá thị trường trong các năm tới. Chúng tôi không thể đánh giá dài hạn được. Có những thời điểm giá cước tăng vọt, đặc biệt có những sự cố khác sẽ đẩy giá cước lên rất lớn.

Tại sao PVT lại đầu tư tàu nhiều như vậy trong khi giá tàu đang cao?

Chúng tôi đặt kế hoạch như vậy nhưng thực thi có đạt được hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. PVT rất cẩn trọng trong các thương vụ đầu tư. Hầu hết các dự án đầu tư từ 2016 trở lại đây năm đầu tiên đều có lãi. Giá hiện nay mua bán tàu chung có nhích lên nhưng cơ bản vẫn nằm trong vùng đáy 10-15 năm gần đây. Tính trung bình dài hạn thì mức đầu tư này vẫn ở mức tốt.

Nhà nước sẽ thoái vốn xuống 36%

Kế hoạch thoái vốn Nhà nước?

Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ thoái vốn xuống 36%. Hiện nay, PVT đang trình lại Chính phủ và kết quả cuối cùng vẫn chưa có. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có quan điểm giữ thoái vốn ở mức 36% và đang chờ thêm quan điểm vĩ mô của Chính phủ cũng như tập đoàn. Dù góc độ thoái vốn như thế nào thì tinh thần chung vẫn là tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt để Công ty phát triển, đem lại lợi ích cho tất cả cổ đông chi phối và cả cổ đông nhỏ lẻ.

Kế hoạch trả cổ tức trong tương lai?

Sắp tới khi PVT nhảy vào đầu tư tàu, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì trong 3-5 năm nữa sẽ duy trì cổ tức tiền mặt 10-15% hoặc cân đối vừa trả cổ tức bằng tiền mặt vừa trả cổ tức bằng cổ phiếu. Năm nay thì mức cổ tức dự kiến chia là 10% bằng tiền mặt.

Trong năm 2021, PVT có dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn không?

Việc phát hành sẽ là một điều rất có lợi, PVT rất mong muốn có thêm các quỹ đầu tư hay nhà đầu tư dài hạn tham gia vào để tăng nguồn thặng dư vốn thông qua việc phát hành.

Kế hoạch kinh doanh đi lùi

Mở đầu Đại hội, ông Phạm Việt Anh - Tổng Giám đốc PVTrans chia sẻ với cổ đông: “Năm 2020 đến thời điểm hiện nay, nếu chọn một từ khóa có lẽ chúng ta đều thống nhất chọn đại dịch Covid-19. Đây là đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của thế giới và Việt Nam. Những tháng đầu năm và những tháng tiếp theo luôn luôn trong tình trạng vừa làm vừa nắm bắt thị trường và vừa dự báo. Tuy nhiên, hết năm 2020, PVT vẫn ghi nhận được sự thành công qua kết quả kinh doanh 2020 đều vượt mức đề ra.

Năm 2021, chúng ta đã đi qua được gần 6 tháng rồi, 6 tháng cuối năm chưa biết được tình hình tiếp theo như thế nào, điều này sẽ phụ thuộc rất lớn trong việc xử lý dịch. Giá dầu phục hồi nhưng nhu cầu năng lượng của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Việc đầu tư chúng tôi phải thận trọng hơn”.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với tổng doanh thu và lãi sau thuế đồng loạt đi lùi so với thực hiện năm trước. Cụ thể, doanh nghiệp đặt  mục tiêu đem về 6,000 tỷ đồng doanh thu và 404 tỷ đồng lãi sau thuế 2021, lần lượt giảm 22% và 51% so với thực hiện năm trước.

Kết quả kinh doanh của PVT qua các năm. Đvt: Tỷ đồng

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên PVT đặt kế hoạch đi lùi. Quay lại các năm trước đó, đã nhiều lần PVT đặt kế hoạch giảm tốc so với thực hiện năm trước nhưng luôn vượt xa chỉ tiêu đã đề ra.

TGĐ PVT chia sẻ thêm: “6 tháng đầu năm kết quả kinh doanh rất khả quan, dự kiến doanh thu đạt 3,500 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5 tháng rưỡi đã đạt 420 tỷ đồng, vượt 90% kế hoạch 6 tháng, thực hiện được 84% kế hoạch cả năm 2021”.

Dự kiến đầu tư hơn 7,621 tỷ đồng

Năm 2021, PVT lên kế hoạch đầu tư hơn 7,621 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 36% và vốn vay, khác chiếm 64%. Riêng Công ty mẹ PVT sẽ đầu tư gần 2,233 tỷ đồng để đầu tư tàu, mua sắm trang thiết bị và đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên.

TGĐ PVT cho biết thêm: “Dự kiến cuối tháng 6, Công ty Nhật Việt sẽ hoàn tất đầu tư và nhận tàu ga lạnh đầu tiên khoảng 81,000 khối, 56,000 tấn và đây sẽ là tàu ga lạnh đầu tiên của Việt Nam mà PVT nhận về”.

Về thị trường vận tải biển nội địa, PVT cho biết dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại ngay trước dịp Tết Nguyên đán cùng với nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp với tốc độ và phạm vi lây nhiễm nhanh và rộng trên nhiều tỉnh thành trong nước sẽ làm phát sinh thời gian chờ của tàu do các biện pháp cách ly, kiểm dịch. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến sẽ hoạt động ổn định sau bảo dưỡng trong năm 2021. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa hoạt động ổn định, dự kiến 70% công suất do phát sinh sự cố mất điện quý 1/2021 toàn nhà máy dẫn đến gián đoạn nguồn hàng, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất nhập hàng của các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng như kế hoạch khai thác của các chủ tàu trong nước.

PVT đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như phấn đấu vận chuyển an toàn, kịp thời nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu khí đầu ra của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do các đơn vị trong ngành phân phối để khai thác tối đa năng lực đội tàu và tăng nguồn thu ngoại tệ.

HĐQT cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021. Trong đó, PVT sẽ trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% (dự chi gần 324 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ trích quỹ đầu tư và phát triển gần 121 tỷ đồng.

Cổ đông cũng nhất trí thông qua bầu thay thế Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026. 2 ứng viên trúng cử là ông Nguyễn Duyên Hiếu và bà Nguyễn Linh Giang, đều là Phó TGĐ PVT. Bên cạnh đó, PVT cũng miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát với bà Nguyễn Thị Kim Anh và bầu bổ sung bà Trương Thị Anh Đào.

Tổng giám đốc Phạm Việt Anh chia sẻ với cổ đông: “Sắp tới, tôi sẽ thôi không đảm nhận vị trí TGĐ nữa và thay vào đó sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch tại PVTrans. Người thay thế tôi là ông Nguyễn Duyên Hiếu, người có nhiều kinh nghiệm làm Phó Tổng giám đốc PVTrans”. 

Tiên Tiên

FILI