Dòng tiền có đang chuyển hướng sang HNX?

Dòng tiền có đang chuyển hướng sang HNX?

Nhà đầu tư có đang coi đầu tư trên sàn HNX là giải pháp thay thế cho tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE?

Kể từ cuối năm 2020 tới nay, sàn HOSE vẫn đang loay hoay với sự cố nghẽn mạng, VN-Index mãi không vượt 1,200 điểm. Trong khi đó HNX không có hiện tượng nghẽn lệnh, chỉ số chính của sàn này cũng liên tục tăng lên mức 273 điểm (tới phiên 12/03/2021, tăng gần 40% so với cuối năm 2020). Câu hỏi đặt ra là dòng tiền có đang coi HNX là điểm đến hấp dẫn?

Xét về yếu tố thanh khoản, giá trị giao dịch của HNX cho thấy sự tăng trưởng trong năm 2020 và trong các tháng đầu năm 2021. Nhất là từ tháng 11/2020 tới nay, thanh khoản sàn này tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng này cũng gắn liền với đà tăng chung của thị trường khi dòng tiền ồ ạt chạy vào thị trường.

Thanh khoản bình quân theo tháng của sàn HOSEHNX
Đvt: Tỷ đồng/phiên

Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 của HNX tăng 75% lên mức 718.8 tỷ đồng/phiên. Từ tháng 11/2020 tới nay, giá trị giao dịch bình quân sàn này đạt gần 1,700 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân của HOSE năm 2020 tăng 55.6% so với năm trước lên mức 6.4 ngàn tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân từ tháng 11/2020 tới nay đạt hơn 13.4 ngàn tỷ đồng.

Quy mô cung cầu trên HNX cũng có sự gia tăng mạnh trong các tháng gần đây.

Quy mô cung cầu trên HNX
Đvt: Lệnh

Tuy vậy, tỷ trọng thanh khoản HNX vẫn thấp so với sàn HOSE dù có tăng lên.

Tỷ trọng giá trị giao dịch của HNXHOSE

Có nhiều nguyên nhân khiến sàn HNX chưa đủ hấp dẫn, đầu tiên có lẽ nằm ở hàng hóa trên sàn HNX chưa đủ sức hút đối với nhà đầu tư.

Tính tới 12/03/2021, sàn HNX có 354 doanh nghiệp, với hơn 13.6 tỷ cp niêm yết. Quy mô này vẫn khiếm tốt hơn nhiều so với 403 doanh nghiệp sàn HOSE với khối lượng niêm yết gần 103 tỷ cp. Đồng thời, giá trị vốn hóa sàn HNX cũng chỉ bằng 7% vốn hóa sàn HOSE, ở mức hơn 323 ngàn tỷ đồng.

Lượng cổ phiếu vốn hóa “lớn” trên HNX thấp hơn nhiều so với sàn TP.HCM. Chỉ có 6 mã có giá trị vốn hóa trên 10 ngàn tỷ đồng, gồm THD, SHB, BAB, VCS, PVS, IDC. Trong đó mã có vốn hóa lớn nhất là THD cũng chỉ ở mức gần 71 ngàn tỷ đồng. Trong khi trên sàn HOSE, số cổ phiếu có vốn hóa trên 10 ngàn tỷ đồng lên tới 52 mã, số cổ phiếu có vốn hóa trên 100 ngàn tỷ đồng là 13 mã.

Thêm vào đó là các mã có “cân lượng” đều đang lần lượt chuyển sàn sang HOSE. Trên thị trường, những dòng tin “Doanh nghiệp XZY muốn chuyển sàn sang HOSE” xuất hiện khá nhiều trong khi hiếm bắt gặp dòng tin ngược lại. Đơn cử có nhiều mã như VGC, ACB, VCG… vốn là những mã tạo thanh khoản chính cho sàn HNX đều đã chuyển về HOSE.

Mới đây, nhằm giải quyết nghẽn lệnh trên sàn HOSE, UBCKNN đã ban hành văn bản với nội dung dọn đường các doanh nghiệp trên HOSE chuyển sàn về HNX. VNDirect, BSC cùng nhóm công ty của PAN Group đã có chủ trương chuyển niêm yết về sàn HNX. Sắp tới có thể còn nhiều doanh nghiệp khác đi theo làn sóng này. Dòng tiền theo đó sẽ có sự dịch chuyển về đây. Tuy nhiên, việc chuyển niêm yết có thể chỉ mang tính tạm thời cho tới khi tình trạng nghẽn lệnh trên HOSE được giải quyết.

Tựu trung lại, tiêu chí đầu tiên của nhà đầu tư khi xuống tiền luôn là mã nào chứ không phải là sàn nào. Do đó, dòng tiền trong tương lại có lựa chọn sàn HNX hay không vẫn phụ thuộc chính vào yếu tố chất lượng hàng hóa, còn năng lực sàn chỉ là một yếu tố phụ để nhà đầu tư xem xét.

Chí Kiên

FILI