Một bên thứ ba sẽ mua nợ tại Đông Á và trở thành cổ đông của TTF

Một bên thứ ba sẽ mua nợ tại Đông Á và trở thành cổ đông của TTF

Theo Chủ tịch Mai Hữu Tín, 2-3 đơn vị đang cân nhắc mua lại khoản nợ tại Ngân hàng TMCP Đông Á (OTC: DongABank) và trở thành cổ đông của CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF). Ông kỳ vọng đó sẽ là một doanh nghiệp trong ngành gỗ. 

Ngày 27/04, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của TTF đã được tổ chức, ngoài lời quả quyết về một năm 2020 “chắc chắn phải lãi” của Chủ tịch Mai Hữu Tín và việc chào đón Thành viên HĐQT mới là chủ thương hiệu nội thất Phố Xinh - ông Dương Quốc Nam, một vấn đề chính yếu tại cuộc họp là kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu TTF để hoán đổi các khoản nợ tại Đông Á.

Đường độc đạo

Thực tế, 123 tỷ đồng nói đến mới chỉ là nợ gốc của TTF tại Đông Á. Ngoài ra, vẫn còn 60 tỷ đồng nợ lãi phát sinh. Đại diện TTF cho biết đang trao đổi cùng Đông Á để xin Ngân hàng Nhà nước cho miễn toàn bộ số lãi phát sinh kể trên.

Theo phương án đã được cổ đông thông qua, trên 57.9 triệu cp TTF sẽ được phát hành để hoán đổi toàn bộ nợ gốc 123 tỷ đồng tại Đông Á, tức là một cổ phần đổi lấy 2,128 đồng nợ. Bước đi này sẽ làm pha loãng 18.6% tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu của Công ty.

Tại cuộc họp, dù trước một viễn cảnh sạch nợ ngân hàng, không ít cổ đông của TTF cũng bày tỏ sự không vui vì mức giá quá thấp của đợt phát hành sắp tới. Tại sao Công ty vẫn còn tiền mà lại phải phát hành với giá đó?

Ông Tín nói: “Nếu chúng ta đem tiền đang có đi trả cho Đông Á thì sẽ không còn gì để hoạt động. Chúng ta không thể đầu tư vào xưởng tủ bếp, xưởng sofa, Casadora hay Central Wood… Những hoạt động này diễn ra liên tục và chúng ta phải nắm lấy cơ hội khi thấy chúng.”

Về phương án thay thế, hiện Ban lãnh đạo TTF chỉ tìm ra hướng tháo gỡ duy nhất là phát hành cổ phần hoán đổi nợ.

Tính đến kết phiên sáng ngày 28/04, mỗi cổ phiếu TTF có giá 2,150 đồng.

“Việc phát hành giá 10 ngàn đồng là bất khả thi và cũng không có bên nào chấp nhận bỏ số tiền như vậy để bước vào TTF ngay lúc này. Chúng ta không có quyền phát hành dưới mệnh giá cho cổ đông. Chỉ có phát hành riêng lẻ ra bên ngoài cho một bên đi mua nợ của TTF thì chúng ta mới có quyền cân đối giữa tiền mặt mà họ bỏ ra với thị giá cổ phiếu trên thị trường.” – ông Tín chia sẻ.

Dù việc phát hành làm pha loãng tỷ lệ sở hữu của cổ đông, nhưng điều này sẽ tạo cơ hội giải quyết vấn đề khó nhất hiện nay của TTF là nợ xấu ngân hàng. Theo đó, TTF sẽ đủ điều kiện đi vay để phát triển. “Việc này rất đáng để làm”, ông Tín nói.

TTF vẫn còn lượng lớn gỗ tồn chưa thanh lý xong. Và nhiều trong đó là gỗ đang thế chấp tại ngân hàng Đông Á. Ảnh: TV

Tuy nhiên, cần nhớ rằng Đông Á không phải là người mua cổ phần phát hành từ phía TTF.

Thực tế, Đông Á là một ngân hàng đang ở tình trạng kiểm soát đặc biệt. Chính HĐQT Đông Á cũng không có quyền quyết định việc miễn lãi cho TTF mà chỉ có thể đồng ý với đề xuất của TTF và trình lên ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Tín cho biết.

Do đó, hướng đi ở đây là khoản nợ hơn 123 tỷ đồng tại Đông Á sẽ được bán cho một bên khác. Theo lời vị Chủ tịch TTF, có một vài đối tác đang cân nhắc mua khoản nợ này, nhưng hiện vẫn chưa xác định bên mua sẽ là ai.

“Chúng tôi phải đi thuyết phục những bên mua tiềm năng nhìn vào tương lai của TTF, tin vào khả năng điều hành của chúng tôi. Để họ có thể bỏ số tiền đó ra trả cho Ngân hàng Đông Á và trở thành cổ đông của TTF.”

Ông Tín kỳ vọng đối tác mới sẽ là một công ty ngành gỗ để “chia sẻ khó khăn và có hiểu biết để cùng làm với TTF”. Theo tiết lộ của vị doanh nhân gốc Bình Dương, hiện TTF đang tiến hành đàm phán cùng 2-3 đơn vị.

Xóa nợ để vay nợ

Khoản nợ tại Đông Á là khoản nợ ngân hàng duy nhất còn sót lại của TTF. Ngặt nghèo ở chỗ, Công ty không có đủ nguồn lực để vừa tái đầu tư phát triển vừa thanh toán được nợ vay ngân hàng. Và chính việc khoản nợ xấu cứ tồn tại cũng là gông cùm khóa chặt khả năng phát triển của “ông vua gỗ” một thời.

“Cái mác nợ xấu nhóm 5 đang bó chân bó tay TTF. Các nhà máy, các doanh nghiệp, dự án mà Công ty muốn đầu tư đều không thể huy động nguồn vốn vay ngân hàng.”

Chủ tịch TTF - ông Mai Hữu Tín

Ông Tín khẳng định rằng đợt phát hành sắp tới là cho tương lai của TTF, chứ không phải quá khứ. “Bởi những vấn đề cũ đã được xử lý hết rồi. Chúng ta phát hành đợt này là để phát triển”.

Danh tính của bên mua tiềm năng đối với hơn 123 tỷ đồng nợ tại Đông Á vẫn chưa được tiết lộ. “Chúng tôi sẽ thông báo chính thức với cổ đông khi việc đàm phán hoàn tất”.

Thừa Vân

FILI