Cuộc chiến thuế quan và thế tựa bờ sông mà đánh
Cuộc chiến thuế quan và thế tựa bờ sông mà đánh
Mức thuế 46% Mỹ áp lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam không chỉ gây áp lực lên thương mại, tỷ giá, và tâm lý thị trường tài chính trong nước, mà còn cảnh tỉnh về mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào xuất khẩu và FDI. Tuy nhiên, trong thế chân tường thì sự kiện này có thể tạo ra một chất xúc tác tuyệt vời để Việt Nam thực hiện bước chuyển đổi chiến lược về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm vượt qua bước ngoặt sống còn này.
Việc Mỹ áp dụng mức thuế cao đối với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như linh kiện điện tử, đồ gỗ và thép cuộn cán nguội không chỉ tạo ra cú sốc lớn đối với ngành xuất khẩu mà còn nhanh chóng lan rộng đến thị trường tài chính. Ngay sau thông báo chính thức, nhóm cổ phiếu liên quan và thị trường chứng khoán lao dốc, khiến thị trường mất hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn hóa chỉ sau vài phiên giao dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với áp lực chi phí tăng đột ngột, trong khi triển vọng đơn hàng tương lai trở nên bất định. Điều đáng lo ngại hơn cả là sự việc này diễn ra đúng vào thời điểm nền kinh tế trong nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng trên 8% và khu vực xuất khẩu, đặc biệt là khu vực FDI vẫn đóng góp một tỷ trọng lớn vào tăng trưởng.
Một điểm đáng lưu ý là Chính phủ Việt Nam không bị động trước làn sóng thay đổi này. Sự vào cuộc quyết liệt từ cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ qua những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ trở thành trụ cột của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Kết nối lại các diễn biến gần đây mới thấy rõ vì sao Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được ký cuối tháng 12 và chỉ chưa đầy ba tuần sau, Nghị quyết 03 của Chính phủ đã được triển khai. Đây là lần đầu tiên trong hơn 50 năm, một định hướng chiến lược từ Bộ Chính trị và kế hoạch hành động từ Chính phủ lại được thực hiện nhanh chóng và liền mạch đến vậy. Nó là sự chuẩn bị mạnh mẽ ban đầu cho một công cuộc tự lực tự cường mà chúng ta phải thực hiện trong thập niên tới.
Những ảo tưởng về một nền kinh tế tăng trưởng cao
Trong nhiều năm liền, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu trên GDP cao trong khu vực và thế giới, có thời điểm vượt ngưỡng 90%. Đây là con số thoạt nhìn đầy ấn tượng, thể hiện vai trò nổi bật của năng lực thương mại quốc tế trong tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào cấu trúc xuất khẩu, bức tranh nội lực lại hiện ra với nhiều khoảng trống đáng suy ngẫm. Theo số liệu, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 35% năm 2005 lên tới 72% trong năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn hàng hóa xuất khẩu mang theo công nghệ, thương hiệu và chuỗi giá trị do nước ngoài kiểm soát. Các doanh nghiệp nội địa chủ yếu tham gia ở khâu giá trị thấp trong chuỗi, gia công hoặc chỉ cung ứng nguyên liệu đầu vào. Khi dòng vốn FDI ổn định, tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Nhưng một khi xuất hiện các cú sốc bên ngoài như gia tăng thuế quan, xung đột thương mại hoặc sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nền kinh tế lập tức rơi vào thế bị động do thiếu nền tảng nội lực vững chắc.
Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận trong suốt hơn một thập kỷ qua là Việt Nam luôn duy trì trạng thái thặng dư thương mại ổn định, qua đó góp phần tích lũy dự trữ ngoại hối lên gần 114 tỷ USD vào năm 2021. Đây được xem là lớp đệm an toàn quan trọng cho nền kinh tế để ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, thặng dư thương mại chỉ đến từ khu vực FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa thì thâm hụt sâu. Nói cách khác, đây là nguồn lực mang tính “ngoại lai”, có thể được rút ra bất cứ lúc nào nếu bối cảnh quốc tế thay đổi. Mặt khác, lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu chủ yếu chảy về công ty mẹ ở nước ngoài, trong khi phần để lại cho doanh nghiệp nội địa thường rất nhỏ, không đủ để tích lũy vốn, đầu tư vào nghiên cứu phát triển hay mở rộng năng lực sản xuất.
Áp lực tỷ giá chính là hệ quả tất yếu từ việc phụ thuộc quá mức vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất, dòng USD nhanh chóng chảy ngược trở lại Mỹ, kéo theo làn sóng rút lợi nhuận mạnh mẽ từ các tập đoàn FDI. Ngay lập tức, Việt Nam ghi nhận áp lực tỷ giá tăng mạnh, buộc NHNN phải can thiệp bằng cách bán ra hàng tỷ USD dự trữ để ổn định thị trường. Điều đáng lưu ý là các biến động này không đến từ nội lực sản xuất hay tiêu dùng trong nước, mà xuất phát từ các quyết định mang tính toàn cầu của những tập đoàn đa quốc gia mà Việt Nam hoàn toàn không có khả năng chi phối. Đây chính là điểm yếu mang tính cơ cấu sâu sắc của nền kinh tế và cũng là hồi chuông cảnh báo điểm yếu của khu vực sản xuất nội địa.
Hình ảnh cho thuê sân sau không còn là một ẩn dụ mang tính cảnh báo, mà đã trở thành một hiện thực rõ ràng. Việt Nam đang mở rộng không gian phát triển cho các tập đoàn đa quốc gia bằng cách cung cấp đất đai, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách ưu đãi thuế để phục vụ lắp ráp và gia công. Thế nhưng, giá trị thực sự của sản phẩm từ công nghệ, thương hiệu cho đến thị trường tiêu thụ lại nằm trọn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Khi bối cảnh thuận lợi, nền kinh tế có thể có nguồn thu một ít về thuế, tạo ra việc làm và củng cố nguồn thu ngoại tệ. Nhưng khi có biến động, Việt Nam lập tức đối diện với những hệ lụy nặng nề như ô nhiễm môi trường, mất việc hàng loạt và biến động tỷ giá. Một mô hình như vậy không thể tiếp tục được kỳ vọng như một điểm tựa tăng trưởng trong dài hạn. Việt Nam cần vượt qua vai trò hậu phương sản xuất để trở thành một mắt xích có vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thay vì chỉ là điểm dừng chân tạm thời của dòng vốn đầu tư.
Đáng kể nhất là khi những căng thẳng quốc tế diễn ra thì nền kinh tế của chúng ta sẽ gánh chịu những đòn tấn công từ các bên, việc ảnh hưởng thuế quan hiện tại là một ví dụ điển hình. Năm 2024, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, phản ánh sự mở rộng đáng kể trong quan hệ kinh tế song phương. Tuy nhiên, song hành với bước tiến này là sự gia tăng mạnh mẽ trong nhập khẩu từ Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 144 tỷ USD trong cùng năm. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng tăng nhanh theo thời gian. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2017, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 5.9 tỷ USD lên 58.5 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 21%. Nhưng chỉ trong vòng bảy năm sau đó, từ 2017 đến 2024, con số này tiếp tục tăng vọt lên 144 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép vẫn duy trì ở mức cao khoảng 13%, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng sâu vào nguồn cung từ quốc gia láng giềng.
Một phần lớn trong số hàng hóa nhập khẩu là linh kiện và nguyên liệu được đưa vào Việt Nam để lắp ráp, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Cấu trúc thương mại như vậy khiến Việt Nam rơi vào tâm điểm nghi ngờ từ phía Mỹ, với lo ngại rằng Việt Nam đang trở thành “trạm trung chuyển” gián tiếp cho hàng hóa Trung Quốc né thuế. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang, điều này làm gia tăng nguy cơ Mỹ sử dụng các biện pháp thuế đối với Việt Nam như một cách gián tiếp để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trận Bối Thủy và con đường không thể lùi
Trận Bối Thủy trong lịch sử, nơi danh tướng Hàn Tín chủ động phá cầu để đặt quân đội vào thế không còn đường lui, là một hình ảnh phản chiếu rõ hoàn cảnh mà Việt Nam đang đối diện. Trong bối cảnh toàn cầu biến động khó lường, khi các rủi ro từ chính sách thuế quan, chiến tranh thương mại hay dịch chuyển chuỗi cung ứng ngày càng đến nhanh và bất ngờ, Việt Nam không còn nhiều thời gian để trì hoãn hoặc hành động nửa vời.
Những bất ổn vừa qua cho thấy rõ tính mong manh của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư nước ngoài. Đây là thời điểm Việt Nam phải tái định vị vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, không thể tiếp tục là nơi cung ứng lao động giá rẻ hay điểm dừng tạm thời của dòng vốn tìm kiếm lợi thế ngắn hạn. Con đường phía trước không dễ dàng, nhưng là con đường duy nhất nếu Việt Nam muốn trở thành một nền kinh tế có vị thế thực sự, có năng lực cạnh tranh bền vững và có tiếng nói chiến lược trong một thế giới đang được viết lại từng ngày.
Thật trùng hợp khi hai từ giải phóng được Tổng thống Trump nhắc đến trong chương trình áp thuế. Chúng ta cũng đang hướng đến 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn đất nước trong tháng này. Nhìn lại lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước thì hình ảnh một dân tộc kiên cường vượt khó được khắc họa rõ nét trong suốt hành trình. Khi bị dồn ép vào những thế chân tường thì cũng là lúc dân tộc chúng ta trở nên sáng suốt và đoàn kết hơn bao giờ hết.
Chính phủ đã chính thức xác định đổi mới công nghệ là trụ cột phát triển trung và dài hạn, thể hiện rõ qua Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03 của Chính phủ. Các chương trình thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn giới hạn, khi phần lớn chính sách mới dừng lại ở mức định hướng và chưa tạo ra sức ép đủ lớn để thúc đẩy sự thay đổi thực chất trong doanh nghiệp. Chính sách thuế của Mỹ lúc này không khác gì một áp lực thật sự buộc các doanh nghiệp phải bắt đầu nghĩ về con đường nâng cấp bản thân mình, vào sự hợp tác sâu rộng cùng nhau và sự liên kết hiệu quả cùng Chính phủ, nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị toàn cầu.
Nếu tận dụng tốt áp lực hiện tại để thực sự chuyển mình, đây có thể trở thành khoảnh khắc bản lề cho nền kinh tế, nơi phía sau là dòng sông của quá khứ phụ thuộc, mà là cú nhảy sang bờ bên kia của một tương lai chủ động, với chủ quyền công nghệ, độc lập tăng trưởng và một nội lực đủ mạnh để định vị lại vị thế quốc gia.
Lê Hoài Ân, CFA