TP.HCM trong cuộc đua 90 ngày sắp tới!
TP.HCM trong cuộc đua 90 ngày sắp tới!
Nhìn lại bức tranh tổng thể xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt gần 120 tỷ USD, tăng hơn 23% so với năm trước. Cán cân thương mại nghiêng mạnh về Việt Nam khi xuất khẩu gấp 8 lần nhập khẩu (120 tỷ USD so với 15 tỷ USD). Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các ngành thâm dụng lao động và có lợi thế cạnh tranh như điện tử (23.2 tỷ USD), máy móc (22.1 tỷ USD), dệt may, điện thoại, gỗ…
Với “lát cắt” TP.HCM - địa phương giữ vai trò đầu tàu xuất khẩu của cả nước - lại có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, luôn duy trì mức xuất khẩu cao trong giai đoạn 2020-2024. Đặc biệt, năm 2024, xuất khẩu đạt 7.8 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm. Và tất nhiên, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực cũng bao gồm điện tử, dệt may, đồ gỗ, nông sản.
Hiện thực này, khi va phải cú thuế quan “địa chấn” của Hoa Kỳ, ngoài tác động lên kinh tế vĩ mô như làm dịch chuyển dòng đầu tư, khu vực sản xuất đến các quốc gia có thuế quan thấp hơn, tỷ giá sẽ gánh chịu thêm sức ép… thì việc ảnh hưởng trực tiếp lên các ngành hàng, lao động là hết sức nặng nề.
Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đưa ra những mức độ tác động lên mỗi ngành như sau: ngành dệt may trong “cơn sốc” mới, khả năng cạnh tranh về giá có thể bị suy giảm nghiêm trọng so với sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế thấp hơn hoặc không chịu thuế, như Bangladesh, Mexico, Ấn Độ. Điều này có thể dẫn đến giảm đơn hàng từ các đối tác Hoa Kỳ cũng như sự bất ổn trong quan hệ thương mại dài hạn giữa Mỹ và Việt Nam sẽ có nguy cơ làm giảm động lực đầu tư mới, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của ngành chủ lực này.
Ngành điện tử và linh kiện đối diện nguy cơ các nhà đầu tư FDI có thể sẽ chuyển hướng sang các quốc gia/thành phố khác có quan hệ thương mại thuận lợi hơn với Mỹ. Do đó, xét về lâu dài, ngành điện tử có thể phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động từ thuế quan.
Ngành đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ, chỉ riêng thuế suất tiềm năng 25% đối với gỗ xẻ và sản phẩm lâm nghiệp, cùng thuế quan đối với đồ gỗ thành phẩm, có thể làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại Mỹ, khiến nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang các nguồn cung khác. Việc Việt Nam gần đây xóa bỏ thuế nhập khẩu gỗ Mỹ có thể là nỗ lực giảm căng thẳng, nhưng thuế quan đối ứng vẫn có thể gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất Việt Nam.
Ngành nông, thủy sản dù đã chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp Mỹ như ethanol, đùi gà đông lạnh, quả hồ trăn, hạnh nhân, táo tươi, anh đào, nho khô nhưng các mức thuế quan đối ứng từ Mỹ vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này. Dù một số mặt hàng như cà phê và hạt điều hiện được hưởng thuế suất thấp hoặc bằng 0 tại Mỹ, các mức thuế mới có thể thay đổi tình hình, đặc biệt với những sản phẩm bị Mỹ coi là nguyên nhân gây mất cân bằng thương mại, như thủy sản (tôm, cá tra).
Ngành bất động sản khu công nghiệp bị tác động gián tiếp khi các công ty từng đa dạng hóa sản xuất sang Việt Nam - TP.HCM để giảm rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nay có thể tìm kiếm địa điểm khác để tránh thuế quan áp lên hàng Việt Nam, dẫn đến việc di dời sản xuất khỏi Việt Nam sang các quốc gia có điều kiện thương mại thuận lợi hơn với Mỹ. Dẫn tới làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam và qua đó giảm nhu cầu đầu tư nhà xưởng và nhu cầu đối với hạ tầng khu công nghiệp khu chế xuất tại thành phố.
Và hệ quả không khó để nhận ra, nguồn lao động từ các ngành-nghề nói trên sẽ bị suy giảm lớn. Được biết, hiện TP.HCM đã kích hoạt các kịch bản chương trình trợ cấp khó khăn, hỗ trợ tìm việc, chuẩn bị các nguồn lực để triển khai chính sách an sinh xã hội cho… 90 ngày sau khi thuế quan có những biến động mới!
Việc Hoa Kỳ dời lại 90 ngày áp dụng thuế quan mới là thời gian chạy đua để đàm phán của các quốc gia bị ảnh hưởng và cũng phần nào để những đối tác thương mại có sức thặng dư cao như TP.HCM xác định rõ hơn giải pháp kép tức vừa thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ưu thế các trụ cột tăng trưởng vừa kiện toàn những “lỗ hổng” đầy rủi ro nhằm ứng phó hiệu quả với thuế quan mới.
Trực tiếp với xuất nhập khẩu, ngoài bước đi đàm phán để đạt được gói giải pháp song phương để hạ nhiệt căng thẳng thì quan trọng là phải tăng cường kiểm soát “gian lận xuất xứ”, trong đó trọng tâm là siết chặt hàng chuyển tải từ các nước thứ ba qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các FTA Việt Nam đang thực thi, tăng xuất khẩu sang EU, phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN – RCEP – CPTPP, mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada, mở kênh xuất khẩu gián tiếp qua Hoa Kỳ…
Để cân bằng đối ứng, ngoài việc tăng nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, tạo điều kiện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam như một cách gián tiếp, đóng góp chung vào giảm thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia thì sớm giải quyết các rào cản liên quan đối với hàng hóa nhập khẩu đến từ Hoa Kỳ.
Để dần thoát khỏi sự lệ thuộc sâu vào thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, cũng là đa dạng nguồn lực FDI nên đây là thời điểm để đi tìm, định dạng, khai thác các thị trường thay thế. Dù đầy thách thức nhưng là một “lối thoát hiểm” bền vững!
Và một trong nhiều giải pháp căn cơ vẫn là “quay về” với chiến lược sản xuất và tiêu dùng nội địa, cả trên bình diện tái cấu trúc các lĩnh vực, ngành-nghề mới gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Một điều cần nhấn mạnh là trong bối cảnh sắp xếp, sáp nhập các tỉnh thành phố, TP.HCM chắc chắn cần tận dụng không gian mở rộng để chuyển đổi - phát triển phù hợp vai trò dẫn dắt, kết nối. Cụ thể là mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đi khắp cả nước và các nước lân cận. Cũng như có sự “phân vai” rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy sức mạnh vùng lẫn bản sắc thương mại - dịch vụ - du lịch thành phố.
Phải sớm “đưa nghị quyết vào đời sống”, cụ thể với nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nghị quyết về kinh tế tư nhân “là động lực quan trọng nhất”, thông qua việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, vốn, con người trong các dự án trọng điểm để triển khai nhanh như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa…
Quốc Học