Dow Jones rớt hơn 400 điểm vào đầu phiên

Dow Jones rớt hơn 400 điểm vào đầu phiên

Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ khi nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu làn sóng bán tháo sau cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tính tới lúc 20h46 ngày 18/06 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones sụt 427 điểm, nâng tổng mức giảm của tuần qua lên 2.8%. Còn S&P 500 giảm gần 1% và Nasdaq Composite lùi 0.67%.

Chứng khoán Mỹ nới dài đà giảm sau khi Chủ tịch Fed khu vực St. Louis Jim Bullard nhận định chuyện Fed chuyển sang một chút quan điểm “diều hâu” trong tuần này là điều bình thường và đợt nâng lãi suất đầu tiên có thể xảy ra trong năm 2022.

Chuỗi giảm của thị trường bắt đầu sau khi Fed hôm 16/06 dự báo có 2 đợt nâng lãi suất vào năm 2023 và nâng dự báo lạm phát năm 2021 lên 3.4%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

* Fed dự báo có 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023, không đề cập tới thời điểm "siết van" bơm tiền

* Nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường châu Á khi Fed báo hiệu nâng lãi suất sớm hơn

Những cổ phiếu nhạy cảm nhất với đà hồi phục kinh tế dẫn đầu làn sóng bán tháo trong tuần này. Lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc S&P 500 đều giảm gần 4% trong tuần qua, trong khi tài chính và nguyên vật liệu lao dốc hơn 5%.

Đà giảm của chứng khoán còn diễn ra trong bối cảnh các động thái của Fed gây bằng phẳng hóa đường cong lợi suất – trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn tăng, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài giảm. Đà giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài cho thấy nhà đầu tư không quá lạc quan về tăng trưởng kinh tế, trong khi đà tăng của lợi suất ngắn hạn thể hiện kỳ vọng Fed nâng lãi suất.

Hiện tượng này gây tổn thương cho nhóm ngân hàng, nhất là khi lợi nhuận ngân hàng có thể giảm mạnh vì chênh lệch giữa lợi suất ngắn và dài hạn bị thu hẹp. Cổ phiếu Goldman Sachs giảm hơn 1%, trong khi JPMorgan và Morgan Stanley sụt hơn 2%.

Sau cuộc họp, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức đã bàn về chuyện giảm quy mô mua trái phiếu.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI