Fed dự báo có 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023, không đề cập tới thời điểm "siết van" bơm tiền

Fed dự báo có 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023, không đề cập tới thời điểm "siết van" bơm tiền

Vào ngày 17/06 (giờ Việt Nam), Fed bất ngờ dự báo nâng lãi suất trở lại vào cuối năm 2023, sớm hơn dự báo hồi tháng 3/2021, đồng thời nâng mạnh kỳ vọng lạm phát năm nay.

Đáng chú ý, Fed không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm bắt đầu giảm nhịp độ mua trái phiếu.

Dự báo nâng lãi suất 2 đợt trong năm 2023 

Đúng như dự báo trước đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) giữ nguyên lãi suất gần mức 0. Tuy nhiên, các quan chức dự báo đợt nâng lãi suất có thể đến sớm nhất là năm 2023, sớm hơn dự báo hồi tháng 3/2021 là không nâng lãi suất cho tới ít nhất là năm 2024.

Trong 18 quan chức thì có 13 quan chức kỳ vọng nâng lãi suất vào cuối năm 2023. Tại cuộc họp tháng 3/2021, chỉ có 7 quan chức kỳ vọng nâng lãi suất vào cuối năm 2023.

Biểu đồ dot-plot – thể hiện dự báo lãi suất của từng thành viên Fed – báo hiệu có 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023.

Trước thông tin từ Fed, chứng khoán Mỹ lập tức sụt mạnh, Dow Jones giảm hơn 300 điểm và lĩnh vực công nghệ bị bán tháo mạnh. 

"Đây là một bất ngờ. Fed dường như đang ngạc nhiên (một cách tích cực) bởi tốc độ tiêm vắc-xin covid-19 và quá trình rút lại các biện pháp giãn cách xã hội. Có vẻ như Fed đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý hưng phấn từ quá trình tái mở cửa kinh tế", Thomas Costerg, Chuyên gia kinh tế Mỹ tại Pictet Wealth Management, cho hay.

“Đây không phải những gì thị trường kỳ vọng”, James McCann, Chuyên gia kinh tế tại Aberdeen Standard Investments, cho hay. “Fed hiện đang báo hiệu cần phải nâng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn. Sự thay đổi này hơi đối nghịch với khẳng định gần đây của Fed rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời”.

Nâng mạnh kỳ vọng lạm phát năm 2021

Mặc dù nâng mạnh kỳ vọng lạm phát tổng thể lên 3.4% (cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2021), nhưng Fed vẫn cho rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời.

Áp lực lạm phát gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 5% trong tháng 5/2021, tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 6.6%, tăng mạnh nhất trong 11 năm.

* CPI Mỹ tăng 5% trong tháng 5, mạnh nhất kể từ năm 2008

Các quan chức nâng kỳ vọng GDP năm 2021 lên 7%, cao hơn dự báo trước đó là 6.5%. Trong khi đó, ước tính về tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 4.5%.

Tuyên bố của Fed lần này đã loại bỏ bớt một số lời lẽ đã sử dụng trong các tuyên bố trước đó. Cụ thể, Fed đã loại bỏ câu nói “đại dịch gây ra khó khăn khổng lồ cho người dân và nền kinh tế của Mỹ và thế giới”. Thay vào đó, tuyên bố ngày 16/05 cho biết quá trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đã giúp kìm hãm sự lây lan của virus, lưu ý rằng “các chỉ báo về hoạt động kinh tế và việc làm đã cải thiện. Lĩnh vực bị tác động tiêu cực nhất vì đại dịch vẫn còn yếu, nhưng đã cho thấy sự cải thiện”.

Không đề cập tới thời điểm siết van 

Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc họp của Fed để tìm hiểu góc nhìn của các quan chức Fed về đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ trong thời gian vừa qua.

Các chỉ báo gần đây cho thấy một số lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh nhất kể từ Thế Chiến II. Tuy nhiên, lạm phát cũng tăng mạnh và NHTW Mỹ đối mặt với nhiều áp lực phải điều chỉnh chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng.

Tuy nhiên, tuyên bố sau cuộc họp không hề đề cập tới vấn đề này. 

Trước đó, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed sẽ thông báo trước cho thị trường trước khi bắt đầu rút lại hỗ trợ cho nền kinh tế. Nằm trong các mục tiêu của ông là tránh gây ra biến động trên thị trường, hay cụ thể hơn là hiện tượng "taper tantrum". 

Năm 2013, cựu Chủ tịch Ben Bernanke phát tín hiệu Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô mua tài sản và điều này đã gây chấn động khắp châu Á, khiến thị trường chứng khoán lẫn tiền tệ lao dốc. Hiện tượng này được biết tới với cái tên “Taper Tantrum”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI