Chỉ báo lạm phát quan trọng của Fed tăng mạnh nhất trong gần 30 năm

Chỉ báo lạm phát quan trọng của Fed tăng mạnh nhất trong gần 30 năm

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – một chỉ báo lạm phát quan trọng mà Fed sử dụng để ấn định chính sách – đã tăng 3.4% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ thập niên 90, Bộ Thương mại cho biết trong ngày 25/06.

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/1992 và khớp với ước tính của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Dow Jones. Thị trường chứng khoán Mỹ không biến động quá nhiều sau thông tin trên.

Đà tăng của PCE lõi phản ánh nhịp độ hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế và dẫn tới áp lực giá.

Tuy vậy, các quan chức Fed tiếp tục cho rằng đà tăng của lạm phát chỉ là tạm thời và có khả năng thuyên giảm khi các điều kiện dần trở lại bình thường.

PCE lõi tăng 0.5% so với tháng trước đó, thấp hơn dự báo 0.6% của các chuyên gia kinh tế.

Bao gồm cả giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE tăng 3.9% so với cùng kỳ và 0.4% so với tháng trước.

Phần lớn đà tăng của lạm phát đến từ năng lượng, trong đó giá năng lượng tăng 27.4%, trong khi giá thực phẩm chỉ tăng 0.4%.

Lạm phát đã tăng vọt trong thời gian gần đây vì sự kết hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự đứt gãy chuỗi cung ứng – khiến các nhà sản xuất không bắt kịp đà tăng của nhu cầu khi nền kinh tế tái mở cửa.

Đà tăng của giá bất động sản cũng góp phần thúc đẩy lạm phát khi giá gỗ nhảy vọt dù rằng xu hướng đã đảo ngược trong thời gian gần đây. Cuối cùng là hiệu ứng so với nền thấp của năm trước (base effects). Hiệu ứng này có khả năng giảm bớt khi số liệu tháng 6 được tung ra.

* Chủ tịch Jerome Powell: Fed sẽ không nâng lãi suất chỉ vì nỗi lo lạm phát

* Chủ tịch Fed: “Lạm phát rồi sẽ giảm về mục tiêu dài hạn 2%”

* Fed dự báo có 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023, không đề cập tới thời điểm "siết van" bơm tiền

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI