Doanh nghiệp dầu khí ‘lật ngược thế cờ’ quý 1

Doanh nghiệp dầu khí ‘lật ngược thế cờ’ quý 1

Tiếp đà hồi phục từ cuối năm trước, đa phần các doanh nghiệp ngành dầu khí đều hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trong quý đầu 2021. Cộng với “cú hích” từ giá dầu thế giới, tổng lợi nhuận nhóm ngành đạt xấp xỉ 5.3 ngàn tỷ đồng.

Doanh nghiệp dầu khí "lật ngược thế cờ" quý 1. Đồ họa: Tuấn Trần

Nhờ “cú hích” giá dầu đi lên, tình hình tài chính của nhóm doanh nghiệp dầu khí đã lột xác rõ rệt sau 1 năm. Kết thúc quý 1/2021, 37 doanh nghiệp dầu khí trên sàn (HOSE, HNX và UPCoM) đã tạo ra khoảng 117.5 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 1/2021, giảm 2% so cùng kỳ. Tổng lãi ròng đem về đạt xấp xỉ 5.3 ngàn tỷ đồng, khác biệt hẳn con số lỗ hơn 2 ngàn tỷ đồng quý 1 năm trước.

Trong đó có 17 đơn vị báo lãi tăng, 10 đơn vị chuyển từ lỗ sang lãi, 8 đơn vị giảm lãi và 2 đơn vị thua lỗ.

Thoát khỏi “tác động kép”

Nhóm 10 doanh nghiệp lật ngược thế cờ thua lỗ năm trước ghi nhận sự góp mặt của các ông lớn như PLX, BSR, OIL hay TLP… Dễ nhận thấy đa phần các doanh nghiệp này không còn phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn như quý 1 năm trước - nguyên nhân chính gây thua lỗ.

10 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi trong quý 1/2021
Đvt: Tỷ đồng

Điển hình như Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX), doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2021 đạt 38,247 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ và lãi ròng ghi nhận 661 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 1,900 tỷ đồng).

Riêng Công ty mẹ PLX, lãi sau thuế quý 1/2021 đạt 363 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thua lỗ 2,316 tỷ đồng. Điều này do giá dầu quý 1 năm trước đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán với phát sinh 1,500 tỷ đồng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối kỳ theo quy định. Trong khi giá dầu quý 1 năm nay tăng giúp hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi. Mặt khác, một số công ty con của PLX thuộc các ngành nghề kinh doanh khác ghi nhận giảm lợi nhuận quý 1/2021 so cùng kỳ, trong đó chủ yếu là lĩnh vực nhiên liệu bay (lợi nhuận giảm 76% so cùng kỳ) do quý 1 năm trước các hãng hàng không vẫn hoạt động bình thường.

Tương tự PLX, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (UPCoM: OIL) báo lãi ròng 142 tỷ đồng trong quý đầu năm trong khi cùng kỳ lỗ 423 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý 1/2021 của OIL đạt 11,768 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Song, nhờ giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nên biên lãi gộp của Công ty được nới rộng. Lợi nhuận gộp quý 1 đạt gần 779 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số hơn 64 tỷ đồng cùng kỳ. Đáng chú ý là con số lợi nhuận tuy đã tích cực hơn nhưng dòng tiền thuận từ hoạt động kinh doanh của OIL lại âm gần 1,500 tỷ đồng.

Năm 2021, OIL đặt mục tiêu lãi sau thuế 320 tỷ đồng, như vậy sau quý đầu năm, Công ty đã thực hiện được 60% kế hoạch.

Lãi/lỗ ròng của OIL từ 1/2019 đến nay
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong nhóm chuyển lỗ thành lãi, Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) chính là đơn vị có con số lợi nhuận lớn nhất. Cụ thể, BSR đạt 1,856 tỷ đồng lãi trong quý đầu năm 2021. Doanh thu thuần quý 1 đạt 21,049 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ xu hướng giá dầu tăng kéo giá bán các sản phẩm chủ yếu đi lên; lợi nhuận gộp thu được 2,040 tỷ đồng.

8 doanh nghiệp tăng lãi bằng lần

Góc nhìn tích cực còn ghi nhận 17 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng trong quý 1/2021.

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) có quý kinh doanh thuận lợi. Kết thúc quý 1/2021, PVS ghi nhận doanh thu 2,614 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ; lãi gộp thu về 179 tỷ đồng, đi lùi 7%. Tuy vậy, sau cùng PVS vẫn báo kết quả lãi ròng 145 tỷ đồng, tăng 30%.

Theo giải trình của PVS, kết quả tăng trưởng chủ yếu là do phần lãi của các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) khi hợp nhất vào báo cáo quý 1/2021 cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết kỳ này đạt 157 tỷ đồng, gấp 5 lần quý 1/2020.

Thống kê dữ liệu VietstockFinance chỉ ra 8 doanh nghiệp tăng lãi bằng lần trong quý 1, gồm POS, TMC, PPY, PTV, PSH, COM, PGCPVT.

17 doanh nghiệp tăng lãi trong quý 1/2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí Biển PTSC (UPCoM: POS) nắm giữ tỷ lệ tăng trưởng lãi lớn nhất với 1,363% tức gấp gần 15 lần, lãi ròng đạt 5 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu do con số lợi nhuận năm trước chỉ nhỉnh hơn 300 triệu đồng.

Tỷ lệ ấn tượng cũng ghi nhận tại Timexco (HOSE: TMC). Cụ thể, lãi ròng quý 1/2021 đạt 4.3 tỷ đồng, tăng 794% tức gấp 9 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp của TMC cải thiện lên mức 9% so với 5% trong quý 1 năm trước.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của TMC, ông Hoàng Đình Sơn - Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT đánh giá kết quả quý 1 với góc nhìn tích cực khi đặt vào bối cảnh đầy biến động như hiện tại. Ông Sơn chia sẻ rằng đối tượng học sinh, sinh viên chiếm khoảng 30% nguồn thu xăng và đáng mừng là sau Tết Nguyên đán, nhóm khách hàng này đã đi học trở lại, không phải thực hiện giãn cách như năm trước.

Một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và báo lãi bằng lần khác là Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH). Cụ thể trong quý 1/2021, PSH ghi nhận doanh thu tăng 10% và lãi ròng tăng 108% (gấp 2.1 lần), lần lượt đạt 1,747 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.

Năm 2021, PSH đặt mục tiêu lãi sau thuế 162 tỷ đông. Như vậy sau quý đầu năm, ông lớn xăng dầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện được 28% kế hoạch. Đến cuối tháng 3/2021, PSH đang ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn trên 737 tỷ đồng, tăng 43% so với hồi đầu năm.

Niềm vui không dành cho tất cả

Trong khi đó, vẫn có 8 doanh nghiệp sụt giảm lãi và 2 doanh nghiệp thua lỗ trong quý đầu năm 2021.

8 doanh nghiệp sụt giảm lãi và 2 doanh nghiệp thua lỗ trong quý 1/2021
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS) đạt doanh thu thuần 17,570 tỷ đồng trong quý 1/2021, tăng 3% so cùng kỳ. Song, biên lãi gộp quý 1/2021 của GAS chỉ đạt 18.6%. Chỉ tiêu này giảm so với mức 19.4% của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp co lại 1% về mức 3,269 tỷ đồng.

Theo GAS cho biết, giá dầu bình quân quý 1/2021 tăng 22% so cùng kỳ (quý 1/2021: 61.12 USD/thùng, quý 1/2020: 50.10 USD/thùng). Tuy nhiên, sản lượng khí khô tiêu thụ quý 1 năm nay giảm 354 triệu m3 (tương đương giảm 16%) so cùng kỳ làm doanh thu, lợi nhuận giảm tương ứng. Cụ thể hơn, lãi ròng quý 1/2021 giảm 13% về 2,030 tỷ đồng.

Năm nay, GAS lên kế hoạch doanh thu 70,169 tỷ đồng, tăng 90% so với 2020. Lãi sau thuế dự kiến 7,036 tỷ đồng, giảm 12% và cũng là con số thấp nhất trong 9 năm trở lại đây (kể từ 2012). Các chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên phương án giá dầu Brent 45 USD/thùng và tỷ giá 1 USD = 23,500 đồng.

Lãi sau thuế của GAS từ 2012 đến nay
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tình hình khó khăn hơn xảy đến với Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD). Doanh thu thuần quý 1/2021 giảm đến 67% cùng với việc kinh doanh dưới giá vốn khiến PVD thua lỗ 104 tỷ đồng.

Giải trình kết quả đi xuống này, Công ty cho biết trong kỳ bị giảm hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu (quý 1/2021: 52%; quý 1/2020: 100% với 4 giàn đều hoạt động). Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng cũng giảm 9%.

PVD không có giàn khoan thuê trong quý đầu năm nay (quý 1/2020 có trung bình 2.37 giàn). Đồng thời Công ty cũng ghi nhận giảm doanh thu và lợi nhuận các dịch vụ liên quan đến giàn khoan.

Duy Na

FILI