Mỹ bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tỷ giá

Mỹ bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tỷ giá

Trong ngày thứ Hai (13/01), chính quyền Donald Trump gỡ bỏ nhãn “thao túng tỷ giá” cho Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã đưa ra các “cam kết có thể triển khai” về việc không phá giá đồng Nhân dân tệ và đồng ý công bố thông tin tỷ giá.

Sự thay đổi trong lập trường của Mỹ được thể hiện trong báo cáo tỷ giá bán niên của Bộ Tài chính Mỹ gửi cho Quốc hội. Tài liệu này được công bố 2 ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng vào lúc 11h30 (giờ Washington), dựa trên nguồn tin thân cận từ Bloomberg.

Trong danh sách các quốc gia có khả năng thao túng tỷ giá, Mỹ không đề cập đến đối tác thương mại lớn nào. Thụy Sỹ được thêm vào danh sách theo dõi, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia, Việt Nam vẫn còn ở trong danh sách.

“Trung Quốc đã đưa ra các cam kết có thể triển khai được về việc không phá giá tỷ giá để gia tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời gia tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết trong tuyên bố ngày thứ Hai (13/01).

Cam kết của Trung Quốc là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, theo báo cáo dài 45 trang.

Đà tăng của Nhân dân tệ

Trước đó trong ngày thứ Hai (13/01), Bloomberg News đã ghi nhận thông tin Bộ Tài chính Mỹ sẽ gỡ bỏ nhãn “thao túng tỷ giá” của Trung Quốc, nhờ đó đẩy đồng Nhân dân tệ lên đỉnh 6 tháng.

Việc gắn nhãn “thao túng tỷ giá” cho Trung Quốc trong tháng 8/2019 càng làm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thêm phần căng thẳng, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho phép đồng Nhân dân tệ suy giảm vượt ngưỡng 7 đổi 1 USD để đáp trả lại hàng rào thuế quan mới của Mỹ.

* Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc

* Sau khi bị Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ, Trung Quốc nói gì?

Trong báo cáo này, Mỹ thúc giục Trung Quốc “tăng sự hiểu biết của công chúng” giữa PBoC và “các hoạt động tỷ giá của Ngân hàng sở hữu Nhà nước, bao gồm cả thị trường Nhân dân tệ ở nước ngoài”. Bộ Tài chính Mỹ cho biết PBoC dường như đã tránh can thiệp vào thị trường tỷ giá trong năm 2019.

Báo cáo này lẽ ra được phát hành vào giữa tháng 10/2019 nhưng sau đó lại bị trì hoãn khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán về thương mại.

Việc gắn nhãn thao túng tỷ giá không đi kèm với biện pháp trừng phạt tức thời nào nhưng có thể khiến thị trường tài chính hoảng sợ. Chính sách tỷ giá nổi lên như công cụ mới nhất của ông Trump trong việc viết lại quy định thương mại toàn cầu mà ông cho là đang gây tổn thương đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Ông khiến chính sách tỷ giá trở thành một phần quan trọng trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bộ Tài chính Mỹ đã mở rộng số lượng quốc gia nằm trong danh sách giám sát về chính sách tỷ giá và kinh tế từ 12 lên 20 quốc gia.

Các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng ai với Mỹ tương đương với 2% GDP đã đủ điều kiện để lọt vào danh sách này. Các ngưỡng khác bao gồm liên tục can thiệp vào thị trường tỷ giá và thặng dư thương mại ít nhất 20 tỷ USD. Các quốc gia bị dính 2 trong số 3 tiêu chí trên sẽ được đặt vào danh sách theo dõi.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết:

Thụy Sỹ đã trở lại danh sách theo dõi khi các khoản mua ngoại hối tăng mạnh và Mỹ khuyến khích các quốc gia công bố dữ liệu can thiệp vào thị trường thường xuyên hơn.

Ireland có thể được loại bỏ khỏi danh sách theo dõi trong báo cáo lần tới, dự kiến là vào tháng 4/2020.

Thái Lan và Đài Loan không chính thức nằm trong danh sách theo dõi nhưng đã gần phá những ngưỡng tiêu chí quan trọng này.

Vương Đông (Theo Bloomberg)

FILI