Trump khẳng định không hoãn thuế quan, vẫn sẵn sàng đàm phán

Trump khẳng định không hoãn thuế quan, vẫn sẵn sàng đàm phán

Tổng thống Donald Trump bác bỏ khả năng tạm dừng kế hoạch áp thuế quan, bất chấp nỗ lực tiếp cận từ các đối tác thương mại đang nóng lòng tránh các mức thuế mới. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán trong một số trường hợp.

"Chúng tôi không xem xét việc đó", Trump tuyên bố trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục vào ngày 07/04.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh thuế quan là một phần "rất quan trọng" trong chương trình nghị sự kinh tế của ông và sẽ vẫn được duy trì, đồng thời ông cũng hé lộ cơ hội cho "thỏa thuận công bằng và thỏa thuận tốt với mọi quốc gia”.

"Có thể có thuế quan vĩnh viễn và cũng có thể có đàm phán vì có những thứ chúng ta cần ngoài thuế quan", ông nói thêm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp song phương tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 07/04.

Những phát biểu này xuất hiện sau hàng loạt thông điệp mâu thuẫn từ ông Trump và các quan chức cấp cao về sự sẵn sàng đàm phán với các đối tác thương mại, khi mức thuế 10% đối với tất cả các quốc gia đã có hiệu lực và mức thuế cao hơn được ấn định vào ngày 09/04. Sự thiếu nhất quán này đã thổi bùng biến động trên thị trường toàn cầu.

Trong cuộc họp, Thủ tướng Netanyahu cam kết Israel sẽ nỗ lực loại bỏ các rào cản thương mại và thâm hụt với Mỹ.

"Chúng tôi sẽ xóa bỏ thâm hụt thương mại với Mỹ", Netanyahu nói với các phóng viên. "Chúng tôi dự định thực hiện điều đó rất nhanh chóng. Chúng tôi nghĩ đó là điều đúng đắn nên làm. Và chúng tôi cũng sẽ xóa bỏ các rào cản thương mại”.

Tuy nhiên, minh chứng cho sự khó khăn trong việc đoán định ý định của Trump, Tổng thống Mỹ lại nói rằng ngay cả những cam kết đó cũng có thể không đủ để ông giảm thuế đối với đồng minh lâu năm này.

Khi được hỏi trực tiếp liệu các quốc gia có thể giảm thuế quan của họ xuống dưới mức sàn 10% không, Trump né tránh câu hỏi và chỉ nhấn mạnh những lợi ích mà ông cho là sẽ có từ việc áp dụng các khoản thuế.

"Thuế quan sẽ làm cho đất nước này rất giàu có”, Trump khẳng định.

Cách tiếp cận thất thường với một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của Trump càng nêu bật phong cách hỗn loạn đang khiến các thị trường bối rối.

Trump cũng báo hiệu rằng một số quốc gia sẽ gặp thách thức lớn trong việc tìm cách gỡ bỏ thuế quan. Ông nhắc lại đe dọa áp đặt thuế "bổ sung" 50% đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ. Và sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba nhằm mở các cuộc đàm phán thương mại vào sáng ngày 07/04, Trump đã công khai chỉ trích mạnh mẽ các rào cản của quốc gia này đối với sản phẩm nông nghiệp Mỹ.

Ông Netanyahu là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi Tổng thống Mỹ công bố loạt thuế quan mới đối với các quốc gia khác vào tuần trước.

Chuyến thăm của Netanyahu và khả năng bảo đảm một thỏa thuận với Trump nhằm tránh thuế quan cho Israel đang được các đối tác thương mại khác của Mỹ theo dõi chặt chẽ, với hy vọng rằng một thỏa thuận giữa hai nước có thể tạo khuôn khổ cho các quốc gia khác. Netanyahu tỏ ra lạc quan rằng Israel có thể "đóng vai trò là một hình mẫu cho nhiều quốc gia" về cách tiếp cận tranh chấp thương mại.

Trump đã đặt ra tiêu chuẩn cao cho mọi thỏa thuận, khi tuyên bố tuần trước rằng ông sẵn sàng cắt giảm thuế để đổi lấy các đề nghị "phi thường" và vào ngày 06/04 khẳng định rằng các quốc gia khác cần xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương và các rào cản phi thuế quan.

"Họ tạo ra những rào cản khó khăn đến mức không thể đáp ứng được”, Trump nói. "Vì vậy, thuế quan là một phần lớn của vấn đề, nhưng còn một phần lớn khác và đó là các rào cản. Họ cũng làm điều gì đó khác - họ thao túng đồng tiền của họ, và họ đẩy giá trị xuống thấp”.

Khi được hỏi về đề nghị từ EU nhằm giảm thuế đối với ô tô và hàng hóa công nghiệp xuống bằng 0%, Trump nói rằng nhượng bộ đó không đủ và nhắc lại mối lo ngại về thâm hụt thương mại của Mỹ với khối này.

"EU đã rất khó khăn trong những năm qua. Tôi luôn nói rằng nó được thành lập thực sự để gây thiệt hại cho Mỹ về thương mại”, ông nói. "Chúng tôi có thâm hụt 350 tỷ USD với EU vànó sẽ biến mất nhanh chóng", Trump hứa hẹn.

Cuộc gặp Trump-Netanyahu đã khép lại một ngày đầy biến động khi chứng khoán Mỹ chao đảo dữ dội theo hàng loạt thông tin liên quan đến chính sách thương mại của Trump, xóa sổ mức giảm 4% để rồi tăng hơn 3% trước khi quay đầu giảm điểm trở lại. Sự hỗn loạn càng trở nên tồi tệ hơn bởi một báo cáo sai lệch về việc Trump có thể xem xét tạm dừng thuế quan, điều mà Nhà Trắng đã nhanh chóng phủ nhận.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

  • Mới